Về Thanh Lãng, biếu bún mùng 3
Thanh Lãng vốn có tên nôm là Kẻ Láng. Cùng với Kẻ Mỏ (thị trấn Minh Tân, huyện Yên Lạc) và Kẻ Cánh (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên), Kẻ Láng là một trong 3 địa danh sớm có tên trong dư địa chí tỉnh Vĩnh Phúc.
Không chỉ nổi tiếng có nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm qua, Thanh Lãng còn được nhiều cư dân trong vùng biết đến bởi địa phương này có nhiều mỹ tục truyền thống mà không nơi đâu có mỗi dịp Tết đến, xuân về. Một trong những nét đẹp độc đáo như thế chính là tục lễ biếu bún mùng 3.
Theo những người lớn tuổi trong làng, vào ngày này, dù bận rộn đến đâu, tất cả người con Kẻ Láng cũng sẽ bớt chút thời gian, ra chợ đầu làng để chuẩn bị lễ. Gọi là lễ, nhưng thành phần lại vô cùng giản đơn, gần gũi. Chỉ cần một cân bún rối, vài bìa đậu trắng và mớ rau cần xanh mướt, thế là đủ để mang biếu ông bà, nội ngoại hai bên.
Bà Dương Thị Hường (Tổ dân phố Yên Thần, thị trấn Thanh Lãng) vừa nhanh tay cắt, chia bún cho khách, vừa cho hay: "Không ai biết tục lệ này có từ bao giờ. Nhưng hàng trăm năm nay, Thanh Lãng vẫn gìn giữ thói quen đặc biệt này".
Phiên chợ bún một năm chỉ diễn ra một lần mở từ 5 giờ sáng ngày Mùng 3, và thực sự nhộn nhịp vào khoảng 7-8 giờ sáng. Đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để các gia đình mua bún về kịp đi biếu, kịp làm những món thanh đạm cúng gia tiên. Dọc những con đường của thị trấn, những sạp bún đơn sơ đã được bày ra. Người mua, kẻ bán tấp nập.
Ngoài bún, các tiểu thương cũng sẵn dịp bán thêm rau xanh, thịt thà và cả cây cảnh... để khách mua lấy may trong dịp đầu xuân mới.
Sau khi được mua về, rau cần sẽ được nhặt rồi rửa sạch, sau đó xào luôn với bún tươi, giò nạc; ăn kèm thêm với đậu trắng. Sau 2 ngày Tết, đây là món thanh thuần, riêng có đã in sâu vào tiềm thức của những người con Thanh Lãng.
Chị Đỗ Thị Thùy Mỵ, một người làm dâu xứ xa, Tết này được về Thanh Lãng đón Tết cho hay: "Biếu bún mẹ cha, họ hàng là cách để con cháu bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục. Cứ mỗi lần thấy bún xào rau cần là tôi lại da diết nhớ quê hương. Đây cũng là món ăn đặc biệt báo hiệu Tết đã sắp đi qua".
Mùng 4 ăn bánh tiễn Tết
Cũng tại vùng đất này, người Thanh Lãng còn giữ được một phong tục hết sức độc đáo là ăn bánh vào mùng 4 để tiễn Tết.
Theo thông lệ, trước khi vào dịp Tết Nguyên đán khoảng vài ba ngày, tất cả anh chị em trong gia đình sẽ góp vài ba cân gạo nếp cùng một chút tiền cho người con trưởng.
Số tiền, gạo này được gia đình người con trưởng làm bánh chưng, mua thực phẩm để sau ba ngày Tết Nguyên đán làm cỗ mời tất cả con cháu nội, ngoại. Bữa ăn này gọi là ăn bánh chưng Tết để thể hiện tình thân ái, sum họp của đại gia đình, đồng thời động viên, mong muốn dâu rể, anh em trong nội tộc luôn gắn bó, đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong năm mới.
Dịp này, cả xứ Thanh Lãng như có hội đoàn viên. Từ khắp nơi, con cháu tề tựu về, ngồi quây quần bên nhau trong những căn nhà ấm cúng. Sau bữa ăn sum vầy này, tất cả sẽ trở lại với nhịp làm việc thường ngày của mình.
Như mạch nguồn chảy mãi, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, ngày ăn bánh chưng Tết và ngày biếu bún họ hàng nội ngoại hai bên tại Thanh Lãng vẫn luôn được giữ gìn, trân trọng và trở thành một mỹ tục truyền thống của người dân nơi đây; là niềm thương nỗi nhớ trong ký ức của mỗi người con sinh ra, lớn lên trên quê hương giàu truyền thống văn hóa này.