Để đông đảo người dân biết về sự đa dạng của rong biển, Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) đã mở ra khu trưng bày "Sắc màu đại dương" với 70 bức tranh được tạo nên từ các mẫu vật rong biển. Để làm nên những bức tranh này, các chuyên gia đã phải dùng chất keo pha một cách khoa học để kết dính các mẫu rong biển lại với nhau.
Nổi bật trong khu trưng bày "Sắc màu đại dương" là bức tranh cá mao tiên có kích thước lớn (160 x 60cm), được đặt trang trọng trong khu trưng bày. Ở vị trí trung tâm còn có bức tranh khổ lớn, dựng đứng được làm nên từ trên 30 loại rong biển.
Nhiều du khách đến thăm quan tranh rong biển đầu xuân Quý Mão 2023 đều bất ngờ và cho biết, xưa nay chỉ biết đến tranh sơn dầu; tranh cát; tranh sơn mài…nhưng giờ tận mắt thấy những sợi rong biển vẫn có thể làm nên những bức tranh đẹp thì rất thích thú.
Theo Viện Hải dương học Nha Trang, rong biển là những sinh vật có cơ chế quang hợp giống thực vật bậc cao nhưng chúng không có hoa, lá, rễ và hệ thống mạch dẫn, sống bám trên đá (hoặc các nền đáy cứng) ở vùng biển ven bờ.
Rong biển thường được phân chia thành ba ngành chính, gồm: ngành rong lục; ngành rong đỏ; ngành rong nâu. Khu trưng bày "Sắc màu đại dương" tái hiện một phần sự đa dạng về màu sắc cũng như hình dáng của rong biển Việt Nam thuộc ba ngành này. Còn bức tranh rong biển Cá Mao tiên (loài vật được ví như công chúa của biển cả) được tạo nên từ hàng nghìn mảnh rong nhỏ, biểu thị cho sự đa dạng của rong biển Việt Nam.
Dưới đây là chùm ảnh về những bức tranh rong biển đầy ấn tượng ở Việt Hải dương học Nha Trang.