Hà Nội

Độc đáo nghệ thuật khắc bút

13-11-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Gần đây, trào lưu khắc bút để cho ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã hồi sinh, tuy không mạnh mẽ nhưng khá bền bỉ ...

Gần đây, trào lưu khắc bút để cho ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo đã hồi sinh, tuy không mạnh mẽ nhưng khá bền bỉ và mang đến niềm vui cho những người đam mê thứ nghệ thuật giản dị này. Không phải là trào lưu mới nhưng khắc bút nghệ thuật đang cuốn hút giới trẻ hiện nay.

Tre già...

Từ những chiếc bút hoàn toàn bình thường và một vài dụng cụ mua hoặc tự chế, người khắc bút có thể tạo ra những sản phẩm mang lời yêu thương gửi gắm đến một ai đó, tạo ra một bức tranh khắc, thậm chí có thể biến đổi một hoặc vài chiếc bút thành rồng, phượng, nhân vật hoạt hình. Công đoạn để có được một tác phẩm nghệ thuật trên bút cũng khá công phu. Ngoài việc định hình từ trước, người làm dùng dao rọc giấy phác họa, rồi vẽ hình mẫu, tạo hình và cuối cùng là sơn bóng để hoàn thiện tác phẩm.

Độc đáo nghệ thuật khắc bút

Sự đam mê là yếu tố chính giúp nghệ thuật khắc bút bền bỉ với thời gian.

Ở Sài Gòn hiện nay, những nghệ nhân khắc bút có tiếng chỉ đếm được bằng ngón tay. Dày dạn kinh nghiệm và “nghệ” nhất có lẽ là Nguyễn Thắng - người đã gắn bó với nghề này được hơn 30 năm. Hồi còn trẻ, ông đã phải lòng những nét chữ đẹp trên những chiếc bút máy, khi nhận ra việc khắc chữ bằng máy không đẹp, không tinh xảo bằng tay, sẵn có hoa tay, cùng với trí tưởng tượng phong phú, cậu thanh niên này đã quyết định mày mò học cách chuyển những nét chữ bay bướm của mình lên đồ vật bằng gỗ, nhựa... và cuối cùng là khắc trên bút. Kể từ đó, ngày qua ngày, sau khi hoàn tất việc gia đình, Nguyễn Thắng lại leo lên chiếc xe máy cà tàng ra “lãnh địa” của mình trên đường Bình Thạnh, tỉ mẩn khắc từng nét chữ. Đến nay, giới trẻ và những người dân gần đó vẫn thường gọi ông với cái tên thân thương “nghệ nhân lề đường”. Bởi ông là một trong những người hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn làm nghề khắc chữ trên bút máy học trò trong suốt hơn 30 năm nay. Ông không thể nhớ mình đã khắc chiếc bút. Trải qua bao nhiêu thời gian trong nghề, tiếp xúc với bao lứa học trò, bao nhiêu con người, ông càng thêm yêu quý và trân trọng nghề khắc chữ lên bút.

Ở ngoài Bắc, nghệ nhân khắc bút còn hiếm hơn cả Sài Gòn, ông Lê Văn Quý năm nay đã bước sang tuổi 80, được cho là người khắc bút cuối cùng của Hà thành. Với bàn tay tài hoa, những cây bút phương Tây đã được ông “thổi hồn” Việt bằng những hình ảnh thân thương như Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Khuê Văn Các... Gần 60 năm gắn bó với nghề, hiện tại, mỗi chiếc bút khắc cả họa tiết cả tên, ông Quý đều chỉ lấy 20.000 đồng. Nhưng có lẽ với ông, khắc bút không hẳn để mưu sinh mà còn mang một ý nghĩa sâu xa: gìn giữ một nghệ thuật giản dị nhưng giàu bản sắc.

Và măng mọc

Hiện nay, không ít nghệ nhân trẻ đang tiếp lửa cho nghệ thuật khắc bút bằng những nỗ lực của họ. Tại Đà Nẵng, thầy giáo trẻ Dương Văn Kiên (32 tuổi), đã và đang sáng tạo hàng nghìn tác phẩm điêu khắc trên bút chì “không giống ai” và ấp ủ ý tưởng làm du lịch từ những sản phẩm này.

Gần đây, thầy giáo trẻ đã tổ chức một cuộc trưng bày gần 200 tác phẩm điêu khắc trên bút chì mà anh tâm đắc và cùng những học sinh yêu thích môn nghệ thuật này chăm chú sáng tác. Tốt nghiệp chuyên ngành toán (Đại học Sư phạm Huế), thầy Kiên học cao học ở Vinh và được nhận vào trường Hoàng Hoa Thám giảng dạy. Tình cờ xem một hình mẫu về điêu khắc trên bút chì, thầy lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và bắt tay vào sáng tác hơn 1 năm nay. Đồ nghề ngoài dao rọc giấy, những dụng cụ còn lại đều do thầy Kiên tự sáng chế để phù hợp với mục đích sáng tạo từng tác phẩm. Đến nay, lớp nghệ thuật của thầy đã có gần 50 học sinh được truyền nghề miễn phí. Quan sát lớp học của thầy Kiên mới biết, nhiều học sinh say sưa theo dõi thầy giáo làm điêu khắc trên bút chì, có em vì quá thích những tác phẩm độc đáo đã ngỏ ý mua lại nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Thầy bảo: “Mình làm vì đam mê chứ không có mục đích thương mại. Nếu những tác phẩm từ bút chì được chọn làm sản phẩm du lịch mình cũng chỉ hướng dẫn học sinh làm chứ không tham gia vào việc bán mua, vì việc dạy học là quan trọng”. Thầy Kiên chia sẻ thêm: “Các em không còn ngồi lân la cả ngày trên máy vi tính mà có thời gian thư giãn bên những chiếc bút, môn nghệ thuật này còn giúp các em rèn luyện khả năng tập trung cao độ”.

Những nghệ nhân như Nguyễn Thắng, Lê Văn Quý hay Dương Văn Kiên đều đang gắn bó với một công việc bình dị, thậm chí tưởng chừng như lạ lùng, vốn được nhiều người coi là “lỗi thời” giữa dòng đời tấp nập. Nhưng thực ra, họ đang giúp chúng ta lưu giữ những nét thân thương, gần gũi nhất của một thời quá vãng tưởng như đã “chìm nghỉm” giữa cuộc sống gấp gáp thời hiện đại. Việc họ đang làm rất đáng được trân trọng!

Nam Phương

 


Ý kiến của bạn