SKĐS - Cỗ lá là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức cỗ lá, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn mà hơn hết đó là tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mường.
Độc đáo mâm cỗ lá ngày Tết của người Mường.
Cỗ lá được xem là một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực người Mường ở Hòa Bình vào các dịp lễ tết, lễ hội văn hóa truyền thống. Những món ăn được bày trên lá chuối, theo quan niệm của người Mường thì phần ngọn và mép lá tượng trưng cho Mường Sáng – của người sống, phần gốc lá và mang lá tượng trưng cho Mường Tối - Mường ma, của người chết.
Chính vì thế, khi dùng lá chuối bày cỗ, người Mường cũng có quy tắc phân biệt: người vào, ma ra – tức là khi dọn cỗ cho người sống, phần ngọn lá hướng vào trong, còn khi bày cỗ cúng ma thì làm ngược lại.
Những món ăn trong mâm cỗ lá đều là những món ăn được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của đồng bào dân tộc và được chế biến, gia giảm nguyên liệu và trở thành những món ăn đặc trưng của người Mường.
Gia vị chế biến kèm theo các loại bao gồm nước mắm, muối gia vị, dầu ăn, mì chính, hạt nêm, hạt dổi rừng, hạt he (hay còn gọi là hạt mắc khén), hạt tiêu, hạt vừng, lá kịa, tỏi, gừng, ớt, giềng, hành khô và nhiều gia vị dân tộc phụ trợ khác. Chính những thức gia vị độc đáo, riêng có này cũng làm tăng sức hấp dẫn và hương vị ngon thơm của từng món ăn trong mâm cỗ lá của người dân tộc Mường.