Đồng bào Bru - Vân Kiều tại Quảng Bình chủ yếu sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở phía Tây của địa phương này. Nơi đây có khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, mưa lũ liên miên. Từ xa xưa, đồng bào phải sống du canh du cư, phát, đốt, cốt, trỉa để sinh tồn, dựa nhiều vào tự nhiên, rừng, sông suối. Sau nhiều năm thực hiện, chính sách định canh, định cư của Đảng và Nhà nước, đồng bào đã ổn định đời sống tại các bản làng.
Qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào Bru - Vân Kiều tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vẫn giữ được những truyền thống văn hóa tốt đẹp, tiêu biểu là Lễ hội Trỉa lúa. Năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công nhận Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru – Vân Kiều là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Trỉa lúa diễn ra từ ngày 11 – 14/7 âm lịch. Đây được xem là hoạt động văn hoá quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều. Trỉa là công đoạn cuối của quy trình làm nương, làm rẫy đã được dân bản nâng lên thành lễ hội. Ý nghĩa của lễ hội là cầu mong các vị thần giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở của hạt giống để có vụ mùa chắc hạt nặng bông.
Già làng Hồ Ai, trú xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, bà con Bru – Vân Kiều nơi đây luôn tôn thờ thần lúa, xem đây là vị thần quan trọng nhất mang lại ấm no, hạnh phúc.
"Hiện nay, việc "phát, đốt, cốt" để làm nương rẫy không có nữa, chỉ có công đoạn "trỉa" là bà con vẫn gìn giữ đến nay. Thế nên, chúng tôi vẫn thành kính tổ chức lễ hội với ý nghĩa khi đem hạt giống trỉa xuống đất sớm nảy mầm, cây cối tốt tươi hướng tới mùa màng bội thu", già Hồ Ai cho biết.
Lễ hội Trỉa gồm có phần lễ và phần hội do những già làng, trưởng bản, người có uy tín đứng ra làm chủ lễ. Địa điểm làm lễ là khu vực đầu làng nơi có những gốc cây lớn, có con suối. Ban thờ được dựng bằng tre nứa, đặt tựa lưng vào hướng núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát, người dân địa phương gọi là núi Vợ.
Khi mặt trời mọc và chiếu xuống vùng đất lễ, bà con dân bản tập trung đông đủ để làm lễ tế sống (hiến sinh). Con vật hiến sinh có thể là bò, dê hoặc lợn trắng tuyền. Con vật này cùng nhiều đồ lễ được dân bản dâng lên các vị thần mong muốn những điều tốt đẹp với bản làng.
Già làng báo lệnh khai lễ, bà con dân bản đứng khép vòng quanh con vật được hiến sinh, người thẳng, tôn nghiêm, mắt hướng về giữa. Khi đã ổn định, già làng rót đầy rượu vào ly rồi rưới lên con vật được hiến sinh. Tiếp đó già cất to lời khấn cho mọi người cùng nghe. Già khấn để bày tỏ sự biết ơn trời đất, thần lúa đã ban cho dân bản mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Vẫn chiếc ly ấy, già làng rót rượu đầy và chuyền từ trái sang phải theo vòng người làm lễ để uống hưởng lễ. Sau khi con vật hiến sinh được đem đi luộc chín sẽ đưa lên khảm thờ cùng các đồ lễ khác.
Tiếp đó, già làng cùng bô lão khác mặc đồng phục dân tộc ngồi tôn nghiêm trước khảm thờ rồi cất lời khấn. Già khấn xin thần trong mùa vụ tới cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ… khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để mùa màng bội thu, người dân bản no ấm.
Dứt phần cầu khấn, bà con Bru – Vân Kiều đeo gùi trên vai, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt.
Cúng xong tất cả, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ, bà con vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ.
Tiếp đó là phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như ném đá trên sân đất nện, rồng rắn lên mây rồi đến ca múa hát truyền thống… để thắt chặt tình đoàn kết cho bà con dân làng.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, du khách tới xã Trường Sơn những ngày này sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội, tận mắt thấy những lễ nghi kỳ thú, được đánh chiêng, múa hát và ăn thịt lợn bản, uống rượu cần, qua đó, cảm nhận nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.
"Từ một công đoạn trong sản xuất nương rẫy truyền thống, "trỉa" lúa đã được bà con Bru – Vân Kiều nâng lên thành lễ hội, tạo động lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển", ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết.
Video: Đồng bào Bru – Vân Kiều vùng biên viễn tự hào tổ chức lễ hội được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia.