Độc đáo lễ hội Đình Đầm Hà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

25-02-2024 18:46 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Là 1 trong 36 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, lễ hội Đình Đầm Hà (Quảng Ninh) mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân miền Đông của tỉnh Quảng Ninh.

Khác với mọi năm, lễ hội đình Đầm Hà năm nay đón sự kiện đặc biệt quan trọng khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội đình Đầm Hà vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là lễ hội mang nhiều nét riêng biệt, ít thấy trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian ở Quảng Ninh.

Lễ hội với các nghi thức dân gian độc đáo

Theo các tư liệu lịch sử, đình Đầm Hà (Quảng Ninh) là nơi thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm tại vùng đất Đầm Hà và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình.

Năm 2011, đình Đầm Hà được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Ngày 10/11/2023 "Lễ hội Đình Đầm Hà" đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là một trong 36 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Độc đáo lễ hội Đình Đầm Hà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội đình Đầm Hà vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Độc đáo lễ hội Đình Đầm Hà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 2.

Nghi lễ rước Thần của người dân Đầm Hà trong ngày lễ hội. Ảnh: CTV

Độc đáo lễ hội Đình Đầm Hà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 3.

Nghi lễ Cáo yết trong ngày khai hội đình Đầm Hà. Ảnh: CTV

Đình Đầm Hà khởi đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 ở khu vực chợ Đầm Hà cũ, cách vị trí đình hiện nay hơn 1km về hướng Đông. Đến giữa thế kỷ 19, đình bị giặc đốt phá cùng với chùa Đầm Hà và đến cuối thế kỷ 19, dân làng xây dựng lại ngôi đình ở vị trí hiện nay.

Năm 1957, do nhiều nguyên nhân, Lễ hội Đình Đầm Hà không được tổ chức.

Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Những hình ảnh về Đình và Lễ hội đình Đầm Hà, đặc biệt các điệu múa cổ, các bài hát cửa đình, xướng đào... chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của lớp người cao tuổi.

Năm 2009, lễ hội truyền thống đình Đầm Hà được chính quyền huyện phục dựng lại sau 52 năm bị gián đoạn. Năm 2011, Cụm di tích Đình-Miếu, Chùa Đầm Hà được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Theo đó, đình Đầm Hà được đầu tư xây dựng, tôn tạo bằng nguồn ngân sách của huyện và nguồn xã hội hóa và phục dựng theo kiến trúc truyền thống, bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kiến trúc cổ mặt chữ Đinh, bốn mái.

Trước đây, mỗi dịp hội Đình thường kéo dài 6 ngày nhưng nay đã rút ngắn xuống còn 3 ngày nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng và đủ các nghi thức. Đồng thời, lễ hội được tổ chức cùng với Tuần lễ văn hóa thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà, đem đến một không gian văn hóa đặc sắc dịp đầu năm tại địa phương.

Năm nay, lễ hội đình Đầm Hà kéo dài từ 15 đến 17 tháng Giêng với các nghi lễ độc đáo như lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về Đình; sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế…

Theo người dân địa phương, mỗi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con người nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong mưa thuận gió hòa.

Đặc biệt ở lễ hội này có cả ba loại hình diễn xướng dân gian hát ca trù, múa cửa đình và xướng đào. Đây là sự kết hợp của các điệu hát, điệu múa trong lúc tế. Các hoạt động hát, múa diễn ra trong suốt thời gian tổ chức lễ hội để phục vụ dân làng, ca ngợi quê hương đất nước và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho năm mới. Bên cạnh những nghi lễ chung trong các lễ hội đình truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc bộ, lễ cáo trạng - một trong những nghi lễ đặc sắc, tạo nên nét riêng, độc đáo của lễ hội đình Đầm Hà cũng được duy trì. Nghi thức này nhằm tôn vinh công lao học tập, ý chí nỗ lực rèn luyện của những người dân Đầm Hà và là dịp để chính quyền và nhân dân trong và ngoài huyện bày tỏ lòng biết ơn thành kính đối với Thành Hoàng.

Tự hào và ý thức hơn trong việc giữ gìn lễ hội

Trước sự kiện đình Đầm Hà được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, người dân địa phương vô cùng tự hào, phấn khởi và nô nức kéo về dự hội đình. Người dân Đầm Hà dù làm ăn sinh sống ở xa nếu được thăng quan tiến chức hay học hành đỗ đạt, dù rất bận cũng đều về dự "lễ cáo trạng" trong ngày hội đình. Đây là hình thức khuyến học, khuyến tài được dân làng quy định trong lệ làng từ rất sớm, nay vẫn được người dân Đầm Hà tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Độc đáo lễ hội Đình Đầm Hà, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 4.

Đình Đầm Hà được tôn tạo, xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống.

Bà Đinh Thị Dần (khu phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho hay, vào ngày Rằm tháng Giêng, dân làng sẽ rước thần từ miếu Rừng Nghè về đình. Trong 3 ngày lễ hội, dân làng sẽ vui chơi, ca hát, thực hiện các nghi lễ tế thần. Đến ngày 17 tháng Giêng sẽ tổ chức nghi lễ tiễn thần về miếu Rừng Nghè. Năm nay, Lễ hội Đình Đầm Hà đón sự kiện lớn nên chúng tôi rất tự hào và phấn khởi.

Theo Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường, Đầm Hà là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Hiện trên địa bàn huyện Đầm Hà có 8 di tích được kiểm kê và xếp hạng, 3 nghệ nhân dân gian, 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê để lập hồ sơ đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh. Toàn huyện có 2 lễ hội truyền thống: Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Tràng Y và một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Trong đó, Lễ hội đình Đầm Hà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân ven biển. Lễ hội đình Đầm Hà đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Đầm Hà.

Nằm trong chuỗi sự kiện lễ hội Đình Đầm Hà, nhiều hoạt động văn hóa du lịch cũng được BTC lễ hội triển khai phục vụ người dân và du khách về dự hội như cờ người, kéo co, đẩy gậy, chọi gà,..v.v.. các hoạt động mà lễ hội Đình, hoạt động phố ẩm thực đêm thị trấn Đầm Hà.

Quảng Ninh: Lần đầu tiên tổ chức lễ hội mở cửa biển ở Cô TôQuảng Ninh: Lần đầu tiên tổ chức lễ hội mở cửa biển ở Cô Tô

SKĐS - Trên cơ sở tín ngưỡng thờ ngư ông của người dân vùng biển, chính quyền huyện Cô Tô, Quảng Ninh đã tổ chức lễ 'Mở cửa biển lần thứ nhất' tại xã Thanh Lân của huyện.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Lễ hội Mở cửa biển lần đầu được tổ chức tại xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô.

Thế Nam
Ý kiến của bạn