Độc đáo củ riềng

SKĐS - Theo y học cổ truyền, riềng có vị cay, mùi thơm, tính ẩm vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu hóa thức ăn.

Công dụng đa dạng

Riềng có tên là phong khương, cao lương khương, tiểu lương khương. Cái tên cao lương khương có nghĩa là gừng (Khương) mọc ở đất Cao Lương mà thành tên. Người ta kinh doanh riềng qua các nước ở phía Đông và đến tận Bắc châu Âu từ thế kỷ thứ 12. Cũng có người cho rằng, tên của nó xuất xứ từ tiếng Ả Rập sau đó được đổi tên thành riềng, có nghĩa là gừng cay nhẹ và được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Riềng chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành mà ít để lại sẹo.

Thành phần hóa học của riềng có khoảng 1% tinh dầu, có mùi thơm long não, chủ yếu có xineola và metylxinnamat. Ở dạng tươi sống, riềng có mùi hương gần giống như gừng, nhưng không cay nồng như gừng. Riềng là vị thuốc phổ biến thường dùng trong dân gian, sau khi đã loại bỏ phần rễ, lá, thân của cây thì được rửa sạch, cắt lát phơi khô. Một số nơi, người ta dùng rễ phơi khô làm thuốc theo cách đào rễ, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con rồi cắt thành từng đoạn 2 - 3cm đem phơi khô. Hỗn hợp riềng và nước lá chanh được dân ta dùng như thuốc bổ. Riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Riềng chứa các hoạt chất mang đặc tính kháng viêm nên rất có ích trong việc điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp và giúp vết thương mau lành mà ít để lại sẹo. Bên cạnh đó, nó cũng còn có khả năng điều trị chứng khó tiêu, giúp làm giảm khó chịu gây ra do viêm loét dạ dày. Riềng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm thiểu các tác hại gây ra bởi các gốc tự do và những độc tố khác trong cơ thể. Từ đó, góp phần phòng ngừa và điều trị các căn bệnh về da như: ghẻ, lang ben, lở loét và sưng viêm.

Ngoài ra, riềng có tác dụng tăng cảm giác ngon miệng, điều trị ho gà, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, mật, ruột co thắt và đau thắt ngực, giúp long đờm, giảm đau cổ họng, trị tiêu chảy, hạ cholesterol và triglyceride trong máu.

Theo y học cổ truyền, riềng có vị cay, mùi thơm, tính ẩm vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu hóa thức ăn. Riềng tẩm rượu, sấy khô, rồi tán nhỏ và trộn đều uống chữa đau dạ dày, nhất là khi bệnh đã thành mạn tính. Củ riềng già, chuối xanh và một ít vôi bột cũng là bài thuốc trị hắc lào công hiệu. Khi kết hợp với một số thảo mộc khác như: trần bì, sa nhân, đại táo, quế, nụ sim, thanh bì, bột thảo quả… cũng là những bài thuốc phổ biến trong dân gian.

Bài thuốc thường sử dụng

Trị đau bụng do hàn, nôn ra nước trong, đau bụng do sa đì (sán khí):

Lương phụ hoàn: cao lương khương, hương phụ lượng bằng nhau, tán bột mịn gia nước gừng, cho tí muối làm thành hoàn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng hàn.

Cao lương khương 10g, ngũ linh chi 6g, tán bột mịn trộn đều uống. Trị đau lóet dạ dày tá tràng. Trường hợp xuất huyết không dùng.

Cao lương khương thang: cao lương khương 6g, hậu phác 10g, đương quy 10g, quế tâm 4g, sinh khương 10g, sắc nước uống. Trị đau bụng ngực, đau bụng quặn do cảm lạnh.

Trị nôn ói do vị hàn:

Cao lương khương 10g sao qua tán bột mịn, uống với nước ấm.

Cao lương khương 8g, đại táo 1 quả sắc với 300ml nước còn 1/3 chia uống trong ngày.

Cao lương khương, bạch linh, đảng sâm đều 10g, sắc uống trị chứng nôn hư hàn.

Liều lượng dùng và chú ý: liều thường dùng: uống 3 - 10g.

Không dùng đối với chứng nhiệt thịnh, âm hư. Sách Bản thảo kinh sơ viết: “Vị hỏa sinh nôn, thương thử hoắc loạn, tiêu chảy hỏa nhiệt tâm hư gây đau, kị dùng”.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn