Hà Nội

"Độc chiêu" của “dị nhân” mù có biệt tài... buôn bò xuyên biên giới

17-08-2013 10:04 | Xã hội
google news

Dù vĩnh viễn không thấy ánh sáng, nhưng Khổng “mù” có những khả năng kỳ lạ. Thế nhưng, biệt tài mà khiến bất cứ ai biết cũng phải thán phục là đi… buôn bò. Người trong vùng thường ví ông là “dị nhân”.

Dù vĩnh viễn không thấy ánh sáng, nhưng Khổng “mù” có những khả năng kỳ lạ.

Ông có thể một mình luồn khắp nơi mà chẳng bị lạc đường, đào giếng một mình không cần ai trợ giúp, rồi đứng dưới gốc dừa chỉ cho người mắt sáng leo lên cây hái trái… Thế nhưng, biệt tài mà khiến bất cứ ai biết cũng phải thán phục là đi… buôn bò. Người trong vùng thường ví ông là “dị nhân”.

"Độc chiêu" của “dị nhân” mù có biệt tài... buôn bò xuyên biên giới 1
Khổng mù dành tình yêu đặc biệt đối với bò. Ảnh: T.G
 
 
Nổi danh nhờ….mù

Men theo QL.91, rẽ hướng vào ô Tà Ban (khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), xuyên qua con đường ngoằn nghoèo cây phủ rậm rịt, chúng tôi tìm đến nhà lão lái bò mù Trần Văn Khổng (55 tuổi). Người mà hễ nhắc đến trong giới buôn bò thì bất cứ nơi đâu ở huyện Tịnh Biên ai cũng trầm trồ thán phục.

“Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, lời các cụ xưa ví để nói cái quan trọng của đôi mắt. Thế nhưng ngay từ lúc lên 10 tuổi, tôi đã vĩnh viễn không thấy ánh sáng, may mà còn đôi bàn tay và cả khối óc nên bù lại, không thấy đường thì phải học, lúc khó khăn càng cần bản lĩnh để vượt qua. Làm nhiều rồi thành quen, chăm rèn thì thành giỏi. Cho đến giờ, tôi dám khẳng định người sáng mắt làm được cái gì tôi làm được cái đó, chỉ có điều chỉ chậm hơn người ta chút mà thôi”, lão Khổng “mù” mở đầu câu chuyện trải lòng về cuộc đời kém may mắn của mình.

Lão cho biết, thuở nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, nhà đông anh em nên hằng ngày phải làm việc để đỡ đần cho cha mẹ. Trong một lần cuốc đìa bắt giun cho vịt vô tình va phải quả mìn nằm dưới đất, phát nổ vang trời khiến bản thân ngất lịm. Khi tỉnh lại thì đã nằm trong bệnh viện, bác sỹ bảo viên đạn găm vào khiến con mắt bên phải nổ tròng. Điều trị chưa khỏi hẳn thì ông lại lao vào làm việc, đi chăn vịt ngoài đồng hơi đất độc bốc vào làm phù luôn con mắt còn lại. Gia đình đưa lên Bệnh viện Cần Thơ khám, bác sỹ bảo viên đạn găm chạm dây thần kinh nên con mắt này cũng chắc chắn sẽ mù tiếp. “Đúng như dự đoán không lâu sau thì mù hẳn, từ đó tôi sống trong bóng tối”, ông Khổng kể.

Dù mù nhưng chưa bao giờ, ông mặc cảm hoặc bi quan về cuộc đời. Ông bắt đầu tập tành từ đầu để chuẩn bị cho tương lai khi phải sống chung với bóng tối. “Tôi tập đi, phán đoán, tập cấy lúa, làm cỏ, cuốc đất, nuôi lợn, gà, ngỗng… để thêm thu nhập”, ông Khổng nói. Lúc có chút vốn trong tay, Khổng “mù” quyết định đi buôn bò cày, bò kéo và bò thịt, điều này khiến ai nấy đều vô cùng ngạc nhiên. Bởi muốn mua hay bán được bò đều phải đi rất xa lên bưng (vùng cao) xuống biền (đồng trũng), đặc biệt vùng Bảy Núi vốn lắm ngõ ngách, đồi đất dốc chênh vênh rất khó đi, nhưng Khổng “mù” không ngại, cứ cần mẫn kiên trì tập. Chẳng mấy chốc, đường từ ô Tà Ban ra đến chợ Tà Ngáo, chợ biên giới Tịnh Biên và nhiều chợ bò trong huyện, ông đều thuộc nằm lòng.
 
“Quái kiệt” mù vượt biên đi buôn bò

Người dân nơi đây còn tôn xưng ông là “quái kiệt” trong lĩnh vực xem tướng và buôn bò. Có người lần đầu tiên nghe về lão mù cầm tiền đi buôn bò thì mỉa mai rằng, “chắc lão cũng chỉ là hạng thầy bói xem voi”, kẻ hoài nghi cho rằng Khổng “mù” phán lung tung. Thế nhưng phải tai nghe, mắt thấy lão lôi kiến thức và độ hiểu biết về bò để phân tích thì mới gật đầu thán phục. Không chỉ riêng lĩnh vực buôn bò Khổng “mù” mới sành sỏi mà tất cả những công việc khác trong cuộc sống đời thường lão cũng làm rất “lành nghề”, đôi khi hơn cả người bình thường.
 
"Độc chiêu" của “dị nhân” mù có biệt tài... buôn bò xuyên biên giới 2

Hôm chúng tôi đến nhằm lúc Khổng “mù” đang cắt cỏ ngoài vườn để vỗ béo cho đôi bò đực vừa “bắt” từ Campuchia về. Dưới cái nóng ran, đôi càng tay lão mù đưa lưỡi liềm thoăn thoắt, phút chốc đã được bó cỏ lớn, rồi lão nhanh chóng đi thẳng vào chuồng bò, phân chia vào máng cho từng con. “Con đỏ đậm màu phèn thì hiền hơn, con như cái “thằng” lông bạc này trông thế mà dữ dằn, ai là người lạ thì đố mà đến gần nó được. Nhưng dù có hung hăng cỡ nào thì gặp tôi, chúng cũng phải thuần phục à (!)”, Khổng “mù” cười rồi đến bên con bò mộng màu trắng vuốt tay trìu mến.

“Vì sao mắt không thấy mà ông vẫn phân biệt được màu lông từng con bò (?)”, tôi hỏi. Lão nông mù cười rồi buông giọng giả lả trả lời: “Người mù như tôi được cái tai thính, nhớ lâu. Ban đầu, nhờ vợ tôi chỉ màu lông từng con sau đó sờ thân, nghe chúng thở, tiếng kêu và thái độ háu ăn thì lần sau biết ngay là con nào”. Để buôn được bò phải biết xem tướng con bò, người tỉnh thì quan sát bằng mắt thường, nhưng mù như ông thì chỉ còn cách là sờ qua lông, da và một số đặc điểm trên thân để ra giá. Ông tìm những người nuôi bò giỏi hỏi xem loài bò cày giỏi, kéo xe khỏe thì có những đặc điểm gì, bò thịt thì hình dạng như thế nào…, sau đó về nghiệm ra, đúc rút những điểm cơ bản. Khi đã thuộc làu, ông bắt đầu đi mua bò bán kiếm lời. “Lần đầu tiên, tôi đi mua bò thịt ở mãi trong một sóc gần biên giới. Tôi sờ mông, đùi, lông rồi áng chừng lượng thịt và đưa ra giá tương ứng. Một tay buôn có thâm niên cũng đến xem, ông ta nói rằng tui bị hớ vụ này chắc chắn vỡ nợ. Mặc kệ lời gièm pha, tôi cứ mua về chăm bẵm mấy hôm bán trao tay thì có lời luôn 3 triệu đồng”, lão Khổng cười sảng khoái kể về lần buôn bò đầu tiên của mình.

Lấy được vợ  nhờ giỏi buôn bò

“Ông ấy thẳng tính lắm, gặp mối lái nào cò con thì cạch mặt ngay, không có giao lưu buôn bán lần hai nữa. Cũng chính vì sự thẳng thắn ấy mà người sáng mắt như tôi vượt qua điều tiếng làng xóm và sự ngăn cấm của gia đình, quyết định về nâng khăn sửa túi cho một người mù như ổng”, bà Nguyễn Thị Lệ tự hào nói về người chồng mù của mình sau bao năm chung sống.
Lão bảo, làm cái gì cũng cần có cái tâm, giỏi chưa đủ vì nếu đem điều này mà so sánh thì biết bao nhiêu người mắt sáng đi buôn bò giỏi hơn lão. Khổng “mù” hơn người ta ở chỗ, không chỉ yêu bò mà còn có cái tâm với nghề. Dẫu biết đã đi buôn ai cũng đều hướng đến “mua may, bán đắt”, nhưng lão không bao giờ chụp giật để “một vốn bốn lời”. “Khi mua được rồi thì bán làm sao để nhỉnh hơn vốn là được, chứ không vì lợi mà tham lam quá, lần sau sẽ mất khách”, Khổng “mù” cho biết. Chính vì quan điểm buôn bán như thế mà mấy chục năm làm nghề, lão cũng chẳng nhiều tiền để xây nhà cao cửa rộng, chỉ đủ ăn nuôi con trưởng thành, có ít vốn gói ghém dành lúc vợ chồng về già mà thôi.

Những năm làm nghề buôn, lão đúc kết: “Bò thịt thì đùi to, chân ngắn, mông nở xương nhỏ. Tuy nhiên, người chọn mua cần phải tránh nhầm lẫn bò nhà được chăm sóc và bò thả hoang trên rừng. Hai con cùng chung đặc điểm nhưng nếu bò nhà thì sẽ nhẹ thịt hơn, vì chúng được chăm sóc thịt thường nhão như heo công nghiệp, trong khi bò hoang ăn cỏ tự nhiên chắc thịt và nặng hơn, da lắm sẹo, lông xù do va phải gai rừng nên không mượt lông như bò nhà. Đối với bò cày thì chọn loại chân cao, móng bè lớn để tránh lún khi đi vào đồng ruộng ở vùng bưng, bò kéo vùng cao thì móng chân nhỏ để đi nhanh”. Chưa hết, Khổng “mù” có thể “sờ” bò mà đọc ra con nào hung dữ. Ví dụ như bò dữ thì có xoáy lùi (giữa lưng kéo dài ra sau), lưỡi có vệt lang, mắt xếch… loài này rất khó thuần, thuần được cũng có ngày phản chủ. Điều đặc biệt là dù bò hung hay hiền chỉ cần Khổng “mù” nắm chão, vuốt ve là ngoan ngoãn nghe lời ngay. Trong khi với người khác, nó có thể lồng lên dũi sừng và đá lại rất nguy hiểm. “Có thể do buôn bò lâu năm nên át được vía chúng thì phải, vì đến nay hơn 30 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ bị bò phản lại cả”, lão lái bò mù vui vẻ nói.

Nhưng biệt tài của lão chỉ được người dân thán phục là khả năng vượt biên đi buôn bò. Lão từng một mình cầm tiền sang Campuchia đi buôn, khiến người dân biết chuyện chẳng mấy ai tin, nhưng đó là sự thật. Hơn 30 năm làm nghề xem tướng, buôn bò, danh tiếng của lão “thầy bò mù” đã vượt ra khỏi biên giới. Đến nỗi, nhiều tay buôn bò mắt sáng cũng phải khăn gói đến nhờ cậy lão chỉ dẫn thêm các ngón nghề đi buôn.
 
Theo Kỳ Anh (GiadinhNet)


Ý kiến của bạn