Mỗi lần đến Mỹ, sau khi hoàn tất những công vụ được giao, tôi cũng giống như bao nhiêu người khác ở Việt Nam sang, thẳm sâu trong tình cảm của mình dù chỉ một lần mong đến Cali thăm khu Little Sài Gòn, trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ ở quận Cam, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ, có rất đông bà con người Việt mình cư ngụ, sinh sống. Có thể nói Little Sài Gòn là những con phố đẹp đầy màu sắc bóng dáng quê hương của cộng đồng người Việt sống xa xứ. Trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ bề thế mấy tầng lầu buôn bán tấp nập chẳng thiếu một thứ gì…
Đặt chân tới đây, Việt Nam - Hoa Kỳ cách xa nhau quá nửa vòng trái đất, ngồi mười mấy giờ bay ê ẩm, không hiểu sao tôi cứ bồng bềnh một cảm giác như mình đang đứng giữa một cái chợ thuần Việt nào đó ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Đà Nẵng hay ở Hà Nội… Tấp nập, chen chúc người đi đông vui như hội. Chẳng nhận biết được ai đi dạo chợ xem hàng hỏi giá vừa từ Việt Nam qua hay từ những bang nào của Mỹ tới đây để thưởng ngoạn, để được đắm mình trong cái không khí chợ Việt rất riêng tư chẳng giống bất cứ ở nơi nào. Đủ các giọng nói. Đủ các hạng người. Vồn vã. Thân tình. Cởi mở. Chẳng còn bắt gặp những cặp mắt gai gai ngơ ngác ngó nhìn nhau như những người xa lạ khi lần đầu chúng tôi đến Mỹ cách đây mấy năm trước.
Khách đọc báo Sức khỏe&Đời sống tại phòng chờ sân bay ở Mỹ. Ảnh: Đỗ Quảng |
Anh Nam, Việt kiều Mỹ đọc báo Sức khỏe&Đời sống tại sân bay Los Angeles(Hoa Kỳ). |
Vừa nói vừa bỏ mấy thứ lên xe, riêng báo thì bác tài cầm tay giữ lại. Trong lúc chờ đủ người ra xe, liếc nhanh cái bìa báo Tết Canh Dần của báo Sức khỏe&Đời sống, anh Nam cứ tấm tắc khen bìa báo trình bày trang nhã, đẹp mà sâu sắc quá. Khuê Văn Các mờ chìm hư hư thực thực, nổi bật con số 1000 trên nền đỏ thắm tượng trưng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với Cột Cờ Hà Nội, Tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám…, nhìn vào càng làm con tim những đứa con xa Tổ quốc bùi ngùi, nôn nao nghĩ về quê nhà, da diết nhớ Hà Nội. Anh khoe mấy số báo Xuân các năm trước: Sức khỏe&Đời sống, Văn nghệ, Người Hà Nội, mà bạn bè, các bác, các anh mang sang cho, anh vẫn để ở kệ sách, coi nó như một thứ quà tinh thần đối với những đứa con ở xa. Đọc rồi, đọc hết cả rồi, đọc không bỏ sót một bài nào, nhưng lúc rảnh rỗi hiếm hoi ở nhà một mình lại đem ra lật giở từng trang ngắm nhìn từng bức ảnh, từng cái tranh minh họa, nhâm nhi đọc lại những bài, những chuyện mà mình yêu thích. Nơi xứ người xa lắc xa lơ, qua từng con chữ, từng trang báo thôi mà cảm thấy đất nước quê hương vời vợi ở ngay trước mặt mình. Hàng xóm sang chơi biết có báo Tết bên nhà, có vị ngồi đọc ngấu nghiến, có vị mạnh dạn hỏi mượn về đọc. Anh Nam vui chuyện hóm hỉnh kể: “Lúc đầu cầm tờ báo Sức khỏe&Đời sống và mấy tờ báo khác trên tay, có người lấm lét nhìn trước ngó sau như bị ma ám, như bị ám ảnh một điều gì”. Anh tếu táo nói với họ rằng: “Ớn quá đi chú Hai ơi, có chi mà chú sợ. Chiến tranh lùi xa mấy chục năm rồi. Tổng thống George Bush đã mời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết qua thăm Mỹ đó thôi. Chú và tôi, cả triệu bà con người Việt ở Mỹ chưa quên cái đêm 22/6 (2007) lịch sử ở Khách sạn Saint Regis, phố biển Dana Point, trước đông nghẹt bà con Việt kiều, trong đó có cả tướng Nguyễn Cao Kỳ vừa ở Việt Nam trở về để kịp đón người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sang thăm Mỹ, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói rằng dù quá khứ như thế nào đi nữa, mọi người hãy thương yêu nhau, đoàn kết với nhau vì chúng ta là người Việt Nam, cùng một mẹ hiền Việt Nam. Có chú, có tôi cùng nghe nhé. Anh Nam lật tờ báo ra: Đây chú coi, ngay trang đầu tờ báo Xuân, trong lời chúc năm mới báo Sức khỏe & Đời sống, ông Chủ tịch nước cũng không quên gửi lời chúc Tết bạn đọc người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Chú Hai ơi, đã qua cái thời bom đạn chiến tranh khốc liệt. Quá khứ khép lại, xóa bỏ hận thù…Cái thời sống ở bên trời Tây này, sợ ma sợ quỷ đêm đêm gõ cửa kêu loa hù dọa cũng qua rồi”.
Quán ăn tại khu trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ rất đông khách người Việt. Ảnh: Đỗ Quảng |
Giọng đã vui trở lại, anh Nam cho biết bấy lâu cứ ngỡ chú Hai ngại đọc báo “Việt cộng”, giờ thì không phải đã quen mà là nghiền rồi. Báo Tết, báo Xuân mấy năm trước các bạn Việt Nam qua cho, chú Hai mượn về đọc nhầu nhĩ, chẳng bỏ sót một bài nào, một khổ thơ nào, một đôi câu đối nào… Hôm nay biết ông hàng xóm đi đón bạn từ trong nước sang, thế nào tối cũng qua nhà hỏi chuyện tình hình tin tức Việt Nam, có báo thì mượn đọc. Anh Nam rỉ tai tôi: “Lát nữa ra Trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ thế nào bác Cả cũng gặp chú Hai nghiền báo!”. Anh kể, sáng nào ông ấy cũng có mặt ở đây. Trên đường đi làm, con trai chở xe đưa bố ra chợ ăn sáng, khi tô phở bò, đĩa cơm tấm, trà đá, cà phê ngồi tựa lưng ghế đá mua báo đọc. Mỏi mắt thì xem đá gà, tán gẫu giải khây đủ thứ chuyện trên trời dưới biển với mấy ông bạn già xài lương trợ cấp xã hội cười nói ồn ả trong mấy cái quán có mái lá tròn che nắng, che mưa. Đến giờ tan làm, trên đường về con lại ghé xe qua chợ rước bố về nhà…
Nhà báo Đỗ Quảng tặng báo Tết chú Hai (tức Hồng) - Việt kiều tại Mỹ, quê gốc Hà Nội. |
Vâng! Chú Hai ấy năm trước tôi cũng đã gặp ở Trung tâm thương mại này - một ông già nom hiền lành, đăm chiêu, ít lời. Ngắm nhìn mấy anh em trong đoàn chúng tôi đứng xem chó cảnh bày bán, chú Hai đến gần tôi, cất lời đủ nghe, giọng Bắc đặc sệt:
- Xin lỗi, mấy cậu ở Việt Nam qua Mỹ thăm thân hay đi du lịch?
- Đi dự hội thảo bác ạ!
- Vậy hả. Mấy cậu quê đâu?
- Hầu hết là ở Hà Nội.
- Tôi cũng Hà Nội gốc đây. Nhà phố Hàng Đường. Từ nhà chạy bộ vài phút là ra tới Hồ Gươm. Nhớ quá. Tôi dạt tới chân trời góc biển nào cũng không bao giờ phai nhạt trong tâm trí mình cái cảnh quanh hồ liễu rủ, Tháp Rùa rêu phong, mùa hè phượng vĩ đỏ rực. Phiêu bạt mấy chục năm rồi vẫn chưa về thăm được. Nhớ quá!
- Bác năm nay…
- Ngoài 80 rồi. Đến cõi rồi.
Trước khi nhắm mắt chỉ ao ước được về nhìn lại Hà Nội một lần là thỏa nguyện.
Xe đã chuyển bánh rồi. Cứ mong sớm gặp lại ông già Việt kiều người hàng xóm thân tình của anh Nam để được trò chuyện, để được một lần nữa tặng ông số báo Tết.
Phóng sự của ĐỖ QUẢNG