Doanh thu sụt giảm vì dịch COVID-19, người kinh doanh được đề xuất miễn tiền nộp thuế

23-09-2021 16:09 | Thị trường
google news

SKĐS - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, địa bàn... được đề xuất miễn tiền nộp thuế.

Hộ kinh doanh khó khăn do COVID-19 được hỗ trợ từ gói 26.000 nghìn tỷ đồng

Ông Hùng gắn bó với nghề kinh doanh ăn uống hơn 15 năm. Theo ông Hùng, chưa bao giờ cửa hàng gặp giai đoạn khó khăn như hiện nay vì dịch COVID-19. Lần thì đóng cửa do giãn cách, lần chỉ bán mang về. Thu nhập giảm sút, hầu hết nhân viên gắn bó với quán phải bỏ về quê, chờ ngày hết dịch quay trở lại.

Tương tự như hoàn cảnh của ông Hùng, tổ hợp quán cà phê, karaoke của anh Phạm Văn Hải (huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng phải đóng cửa phòng chống dịch bệnh. Nhờ có tiền tích luỹ nên anh Hải vẫn có tiền duy trì mặt bằng, chờ ngày hết dịch mở cửa lại. Anh Hải cho biết hộ kinh doanh của anh thuộc diện được hỗ trợ, anh Hải cũng rất mong chờ sự hỗ trợ từ các ban, ngành.

Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu xây dựng để Chính phủ kịp thời ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn.

Đến thời điểm này, dù đã có hàng chục triệu người lao động được hưởng lợi từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng nhưng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), một số thủ tục vẫn gây khó cho DN. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là nới lỏng các thủ tục để DN và người lao động dễ dàng tiếp cận với gói hỗ trợ hơn.

Doanh thu sụt giảm vì dịch COVID-19, người kinh doanh được đề xuất miễn tiền nộp thuế - Ảnh 1.

Cá nhân kinh doanh có doanh thu bị sụt giảm mạnh trên 50% do dịch COVID-19, thì sẽ được xác định lại mức thuế phải nộp.

Nhìn nhận về những hạn chế sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, một số quy định đang cản trở DN vay vốn để trả lương người lao động.

"Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020 mới được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cũng sẽ được bãi bỏ.

Đặc biệt trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động có giao kết hợp đồng không thể đi làm hồ sơ để nhận hỗ trợ đang chiếm số đông ở TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp này nhằm giúp người lao động sớm được hưởng chính sách hỗ trợ.

Để tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn triển khai chính sách hỗ trợ, "cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 23 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt, tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Doanh thu sụt giảm vì dịch COVID-19, người kinh doanh được đề xuất miễn tiền nộp thuế - Ảnh 2.

Các hộ kinh doanh sẽ được hướng dẫn, tiếp nhận xử lý ngay đơn xin ngừng, nghỉ để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc xác định lại mức thuế cần nộp thuế.

Đề xuất miễn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Nhằm tiếp tục giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp do dịch COVID-19, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Trường hợp cá nhân hoặc hộ kinh doanh đã nộp số thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III và quý IV năm nay sẽ được cơ quan thuế bù trừ số tiền thuế nộp thừa với những khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo; xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, trong quý III và quý IV năm 2021. Những cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số vẫn phải nộp thuế bình thường.

Về căn cứ xác định số thuế được miễn, đối với trường hợp cơ quan thuế phải ra thông báo thuế, cơ quan thuế căn cứ số thuế phải nộp trong quý III, quý IV năm nay trên thông báo thuế để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với trường hợp cơ quan thuế không phải ra thông báo thuế thì người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ) căn cứ số thuế phải nộp theo tờ khai thuế để xác định số thuế được miễn của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường hợp thuộc diện khai theo kỳ thanh toán hoặc khai theo năm (cho thuê tài sản, xây dựng nhà tư nhân, khai từng lần phát sinh khác) thì số thuế được miễn là số thuế phải nộp tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh trong quý III, quý IV năm nay.

Trường hợp trên hợp đồng không xác định được doanh thu thực tế phát sinh của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021 thì việc xác định theo doanh thu bình quân tháng của năm 2021. Doanh thu bình quân tháng là doanh thu của cả năm chia (:) 12 tháng.

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành kinh tế.

Trước tiên là hoạt động vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Tiếp đến, hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí. Các hoạt xuất bản phần mềm và các hàng hóa, dịch vụ thực hiện trên nền tảng trực tuyến không thuộc đối tượng được giảm 30% thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu cũng được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định nêu trên thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kê khai các hoạt động được giảm mức thuế giá trị gia tăng theo Phụ lục giảm thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Nghị định này cùng với tờ khai thuế giá trị gia tăng.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Lê Na
Ý kiến của bạn