Doanh nhân Vũ Thanh Hương: Không vô tình bỏ đói tinh thần của mình

01-12-2016 17:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từng bị bệnh đau dạ dày hành hạ nhiều năm trời, tới mức nhìn thấy những món ngon mà đành nuốt nước miếng lắc đầu vì những cơn đau ám ảnh...

Từng bị bệnh đau dạ dày hành hạ nhiều năm trời, tới mức nhìn thấy những món ngon mà đành nuốt nước miếng lắc đầu vì những cơn đau ám ảnh, tới nay chị Vũ Thanh Hương, một doanh nhân Việt đang kinh doanh tại Cộng hòa Czech, đã khống chế được căn bệnh dai dẳng và có thể bình tĩnh ăn ngon, sống khỏe, vui. Ngoài một số thuốc đặc biệt sử dụng, thì theo chị Hương, nguồn thức ăn góp phần quyết định tới sự thay đổi sức khỏe của chị.

Mỗi lần tới thị trấn Zdice, một vùng ngoại ô Thủ đô Praha (Cộng hòa Czech) tôi rất thích ghé cửa hàng tạp phẩm do chị Vũ Thanh Hương làm chủ. Bà chủ kiêm nhân viên bán hàng luôn nở nụ cười tươi, xóa tan lạ lẫm sơ giao và câu chào “Ahoj” quen thuộc của người Czech luôn được chị thốt lên với giọng đầy vui vẻ. Chị Hương luôn biết cách tạo không khí thân thiện nhất trong cửa hàng, cũng như sự vui vẻ tự nhiên của chị truyền cảm xúc cho từng món hàng trong tiệm, khiến chúng dù được bày biện rất chật chội, nhưng luôn ngời lên sức hút của cuộc sống, khiến người ta muốn chạm tới, muốn mang về nhà dùng.Vũ Thanh Hương

Ca sĩ Tuấn Hiệp và chị Vũ Thanh Hương.

Có lẽ vì cái duyên bán hàng đó mà cửa hàng tạp phẩm của chị Hương luôn có khách địa phương lui tới, và tôi rất thèm khả năng nói tiếng Czech trơn tru của chị. Có những ông Tây muốn du lịch, cũng tìm đến cửa hàng chị để mua ba lô, sẵn sàng lắng nghe tư vấn của chị. “Ông muốn chiếc ba lô này ư, trông nó gọn gàng đấy nhưng lại có màu xanh lá quân nhân. Chắc ông không muốn người ta nghĩ ông là quân nhân chứ? Ngày nay cứ cái gì dính dáng tới chiến tranh là người đời e ngại lắm”. Chị Hương vui vẻ nói với khách Tây và ông này rất cảm kích với am hiểu thực tế đó của chị, liền chọn ngay một ba lô khác, trả tiền và cảm ơn chị thật nhiệt tình. Cửa hàng tạp phẩm của chị có tới hàng ngàn món, mà chị vẫn nhớ từng món nằm ở đâu, dễ dàng chọn ra khi khách cần. Không chỉ bán hàng tạp phẩm, cửa hàng chị còn nhận dịch vụ sửa chữa quần áo. Chính vì sự đa năng và khả năng đáp ứng cao, sự thân thiện tự nhiên của bà chủ khiến cửa hàng tạp hóa của người Việt ở Zdice luôn là điểm đến ưa thích của nhiều khách địa phương. Họ thích đến đây vì có thể tìm được nhiều thứ mình cần, sửa chữa được những món đồ mình thích và còn vì nụ cười tươi, câu chào “Ahoj” ngọt ngào của người chủ nữ duyên dáng, vui tính.

Tranh thủ lúc vãn khách, chị Hương đứng giữa lối đi ở quầy hàng để tập bài dịch cân kinh. Chị cho rằng bài tập vẩy tay này tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh dạ dày của chị nói riêng. Chị từng mắc bệnh đau dạ dày cách nay gần 10 năm. Khi đó gia đình chị có thêm 5 người bạn đến ở tạm để đi bán hàng. Họ đều là đàn ông nên thích ăn nhậu. Các món ăn thời gian đó ở nhà chị luôn có măng chua, bún, xương hầm... Do ăn nhiều măng chua, lại thêm ham việc, có lúc đến giờ ăn nhưng cửa hàng đông khách quá mà chị bỏ bữa luôn, dần dần chị bị viêm loét dạ dày. Không chỉ đau, mà chị còn khó có thể ăn một món rất ngon của Czech là xúc xích Klobasa. Các món khác của Việt Nam như dưa chua, thịt nướng, hải sản... chị cứ ăn vào là đau bụng quằn quại. Vì thế chị tự cấm mình ăn những món đó. Chị từng đi bệnh viện ở cả Việt Nam và Czech để khám chữa bệnh, nhưng bệnh chỉ thuyên giảm chứ không khỏi.

Những khi bị cơn đau hành hạ, chị Hương tự vấn cả quá trình ăn uống trong một thời gian dài, thấy rằng phần lớn căn nguyên bệnh cũng như sự thay đổi sức khỏe là do những gì mình ăn vào. Người phương Tây có câu “You are what you eat” (hàm ý rằng thức ăn tạo nên con người bạn). Vì vậy, cứ ham ăn những món khoái khẩu, món ngon mặc dù không phù hợp cơ thể, mà trực tiếp nhất là dạ dày, thì sớm muộn ắt sinh bệnh, sức khỏe bị bào mòn. Nhưng khống chế được sự thèm ăn cũng cần nghị lực hàng ngày. Rất có thể hôm nay vượt qua nhưng ngày mai lại thất bại. Chỉ cần tắc lưỡi, ăn một miếng có sao, mà cho phép mình ăn vào món biết rõ là kỵ với dạ dày, thì nhất định sẽ gánh hậu quả tai hại.

Chị Vũ Thanh Hương tại chợ Sapa - khu cho người Việt tại Praha

Chị Vũ Thanh Hương tại chợ Sapa - khu cho người Việt tại Praha (Czech).

Cùng với việc kiêng khem trong ăn uống, chị Hương kiên trì dùng thuốc theo chỉ định. Bệnh của chị thuyên giảm hẳn. Những cơn đau đã hết, chị tiêu hóa tốt hơn và lên cân. Thậm chí qua một thời gian, chị Hương thử ăn lại những món trước đây rất kỵ như Klobasa, dưa chua, thịt nướng, hải sản, cũng không thấy bị đau bụng dữ dội như trước nữa. Tất nhiên, dù khỏi bệnh rồi, nhưng với những món cần kiêng kỵ trước đây, bây giờ nếu có ăn, chị cũng ăn rất ít, chỉ vài miếng nhỏ, chứ không ăn cho đã miệng.

Việc kinh doanh thì luôn căng thẳng thần kinh và điều đó ắt ảnh hưởng tới dạ dày. Nhưng chị Hương đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi khởi sự kinh doanh tại Czech vào năm 1997. Hiện nay, công việc kinh doanh của chị Vũ Thanh Hương tại Cộng hòa Czech đã đi vào giai đoạn ổn định, không quá sức và tất bật như trước. Hơn nữa, có kinh nghiệm hơn, chị biết cách tự điều chỉnh cách làm việc để sao cho việc mình làm hàng ngày không là gánh nặng, mà trở thành sở thích, thậm chí là tình yêu. Chính vì thế, mà nụ cười và sự ấm áp luôn tỏa ra từ chị, từ không gian cửa hàng ở Zdice, khiến những khách hàng bản xứ quen chân tới cửa hàng của chị.

Ngoài thời gian làm việc, chị Hương là người ham học hỏi cái mới, thích gặp gỡ bạn bè vừa tám chuyện vừa tranh thủ nạp thông tin, kiến thức mình chưa biết. Đi du lịch vừa là cách để chị làm giàu tâm hồn, vừa lên giây cót tinh thần, và khi về với việc kinh doanh, sẽ có nhiều ý tưởng hơn. Sống ở châu Âu, chị tranh thủ đi nhiều nước như Ba Lan, Thụy Điển, Hungary, Bungary, Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Nam Tư,... Dù vẫn biết cứ đóng cửa hàng là dòng tiền ngừng chảy vào túi mình, nhưng không giống như những người làm kinh doanh khác, quá bị công việc thúc ép đến nỗi không dám du lịch, chị Hương sẽ lên đường ngay khi có cơ hội. Chị cũng không bỏ qua những chương trình ca nhạc, kịch, hòa nhạc, phim ưa thích. Với chị Vũ Thanh Hương, thì đó là những món ăn cho tâm hồn, không nên bỏ đói tinh thần của mình để tránh tình trạng suy yếu mà mắc bệnh. Nhiều người càng có tuổi, càng trở nên khó tính, không hài lòng với bất cứ điều gì, đó là do họ đã vô tình bỏ đói tinh thần của mình quá lâu đến mức mắc bệnh tinh thần mà không hay biết. Họ không thể hạnh phúc nổi với những điều bình thường hàng ngày. Còn với chị Hương, mỗi ngày là một niềm vui, vì thế chị luôn tươi cười, tìm những câu chuyện vui để kể và có thể biến bất cứ điều gì bình thường thành hài hước. Tôi cho rằng đó là nét tính cách thật giá trị của chị. Quả vậy, sống ở đất nước Czech, mà không thấm được nét tính cách hài hước điển hình của người Czech thì quá uổng. Dân tộc Czech là một dân tộc hài hước nhất thế giới. Một hình ảnh quá đỗi quen thuộc là những buổi tối tuyết rơi giá lạnh, người Czech từ trẻ tới già tụ tập quanh lò sưởi, uống rượu vang và tám chuyện, cười nghiêng ngả thâu đêm. Thời những năm 70-80 thế kỷ trước, dân du học và lao động Việt sang châu Âu kết luận “Giàu đi Đức, trí thức đi Nga, ba hoa đi Tiệp (nay là Cộng hòa Czech). Họ hàm ý rằng người Czech vô cùng hài hước, thích tám chuyện và thực sự phải có trí tuệ cao mới có thể hài hước được. Chị Hương có may mắn được làm việc và kinh doanh ở một đất nước với những con người có khiếu hài hước cao như thế, một thứ vitamin làm khỏe tâm hồn.


Kiều Mai
Ý kiến của bạn