Hà Nội

Doanh nghiệp vận tải xếp hàng xin tăng giá vé xe tết

26-12-2013 15:44 | Thời sự
google news

Sau khi giá xăng dầu tăng gần 600 đồng/lít, vừa qua và Bộ Tài Chính ban hành Thông tư tăng mức phí sử dụng đường bộ.

Sau khi giá xăng dầu tăng gần 600 đồng/lít, vừa qua và Bộ Tài Chính ban hành Thông tư tăng mức phí sử dụng đường bộ.

Trao đổi với PV, ngày 24/12, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết: “Tới thời điểm hiện nay tại bến xe Mỹ Đình có 7 doanh nghiệp xin tăng giá vé dịp Tết Nguyên đán sắp tới, với mức tăng từ 5-13% .Có thể sau Tết doanh nghiệp điều chỉnh trở về hoặc giữ nguyên mức giá đó”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng chỉ rõ, điều chỉnh giá vé do các doanh nghiệp vận tải chủ động cân đối thu chi để đưa ra mức giá sao cho phù hợp quy định nhà nước, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Xăng dầu là yếu tố quan trọng cấu thành chi phí trong giao thông vận tải. Đối với việc các chi phí tăng như vậy thì giá vé cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, trước tình trạng phí chồng phí như hiện nay các doanh nghiệp vận tải như đang “ngồi trên đống lửa”. Anh Chung – Nhà xe Minh Ngọc cho biết: “Giáp tết giá sẽ tăng hơn ngày thường một chút. Hơn nữa giá xăng tăng, phí cầu đường cũng tăng thì tất nhiên giá vé cũng phải tăng".

Các nhà xe khẳng định sẽ tăng giá vé dịp Tết
Các nhà xe khẳng định sẽ tăng giá vé dịp Tết

TP.HCM: Giá vé tăng trước giá xăng và còn tăng nữa

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông (TP.HCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ hãng xe nào thông báo về việc tăng giá vé sau khi giá xăng tăng thêm gần 600 đồng/lít.

Theo ông Hải, việc tăng giá vé trong thời điểm hiện tại phải được sẽ được các hãng xe cân nhắc bởi việc cạnh tranh vận tải hành khách hiện giờ đang rất khốc liệt. Hơn nữa, trước khi tăng giá vé, các hãng xe phải gửi thông báo và giải trình đến Sở GTVT, sở Tài Chính, cục Thuế TP.HCM… Nếu việc giải trình hợp lý thì mới được phép tăng giá.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, một số hãng xe chạy tuyến TP.HCM đi miền Trung, Tây Nguyên đã tăng giá vé từ đầu tháng 12 với lý do để bù đắp chi phí xăng dầu và lệ phí cầu đường tăng lên.

Cụ thể, các hãng xe chạy tuyến TP.HCM – Quãng Ngãi như Bình Tâm, Thiên Trang, Sao Vàng đã tăng giá vé lên gần 10%. Theo đó, vé ghế ngồi từ 320.000 đồng tăng lên 240.000 đồng, vé giường nằm từ 370.000 đồng lên 390.000 đồng.

Ông Lê Đức Thành, giám đốc hãng xe Thành Bưởi cho biết: “Có một số doanh nghiệp vận tải đang có ý định tăng giá cước đến 20% sau khi xăng tăng giá”.

Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM đã tăng giá vé từ đầu tháng 12
Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM đã tăng giá vé từ đầu tháng 12

Hiện công ty Thành Bưởi đang có hơn 100 đầu xe khách. Ước tính lần điều chỉnh giá xăng dầu này, công ty phát sinh chi phí đầu vào khoảng 100 triệu đồng/tháng. Việc giá xăng dầu tăng lên gần 600 đồng/lít vừa qua cùng với việc điều chỉnh mức thu phí đường bộ vào thời điểm đầu năm 2014 thực sự sẽ tạo nên một gánh nặng “kép” đối với doanh nghiệp vận tải.

“Từ đầu năm đến nay, công ty mới chỉ một lần điều chỉnh giá cước, nên nếu để bù đắp đủ phát sinh do tăng giá xăng dầu tăng trong năm qua thì phải tăng tối thiểu 10% giá cước “, ông Lê Đức Thành nhấn mạnh.

Ông Lê Trung Tính, Tổng thư ký hiệp hội vận tải hành khách và du lịch TP.HCM cho hay, việc tăng giá xăng vừa qua chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Còn việc giá vé taxi, xe khách cự ly ngắn, xe khách đường dài tăng lên bao nhiêu thì phải chờ báo cáo cụ thể của các doanh nghiệp vận tải.

Hiện tại, hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin tăng giá của bất cứ doanh nghiệp nào của các hãng xe. “Tôi nghĩ các doanh nghiệp đang tính toán và sẽ thông báo việc tăng giá cước trong một vài ngày tới”, ông Tính thông tin.

Đường về quê xa hơn

Việc giá vé xe khách dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới đã khiến cho không ít hành khách cảm thấy bức xúc, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Tâm (quê Quảng Ngãi) bày tỏ: “Dường như các doanh nghiệp vận tải luôn tìm cớ để tăng giá vé xe, nhất là đổ cho phí cầu đường, xăng dầu tăng giá. Tại sao họ không bao giờ nghĩ đến quyền lợi của hành khách đi xe chứ?”

Chị Tâm tính toán, vừa rồi các hãng xe chạy tuyến TP.HCM – Quãng Ngãi đã tăng giá 10% rồi. Nếu bây giờ lại tiếp tục tăng thêm 10-20% nữa thì giá vé sẽ tăng lên rất nhiều. Như vậy thì hành khách sẽ không gánh nổi.

Tương tự, Lê Đình Thân (SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), quê ở TP Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu cũng tỏ ra lo lắng: “Vũng Tàu là thành phố du lịch nên giá vé bị các hãng xe liên tục tăng lên trong thời gian qua. Nếu giờ lại tăng thêm nữa thì thật phi lý”.

Hầu như tuần nào Thân cũng dành thời gian để về thăm gia đình. Nhưng thói quen này có thể bị ảnh hưởng nếu như giá vé xe tăng lên trong nay mai.

Hiện giá vé từ TP.HCM đi Vũng Tàu đang ở mức 95.000 đồng. “Mỗi lần đi về mất gần 200.000 đồng tiền vé, đấy là chưa kể tiền xe từ nhà trọ đến bến xe. Nếu giá vé tiếp tục tăng thì sinh viên em sẽ khó về quê hơn”, Thân chia sẻ.

Không chấp nhận tăng giá vé nếu không nêu rõ yếu tố đầu vào

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình đưa ra các biện pháp quản lý tình trạng tự ý tăng giá vé xe trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo ông, sau khi đăng kí giá vé xe, các nhà xe phải niêm yết giá vé công khai trên các phương tiện vận tải và bến xe sẽ công khai giá vé trên bảng điện tử.

Bên cạnh đó ngoài các lực lượng làm việc ở bến xe, bến Mỹ Đình sẽ phối hợp với lực lượng chức năng khác như thanh tra giao thông, công an thường xuyên đi kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện được hoặc nhận được phản ánh của người dân về việc nhà xe tự ý tăng giá vé so với giá niêm yết, bến xe sẽ xử lý theo quy định.

"Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng Ban quản lý có thể đình chỉ, tạm dừng cung cấp dịch vụ đối với phương tiện đó", ông Tuấn nói.

Tại TP.HCM, Sở GTVT vừa gửi văn bản yêu cầu các bến xe TP.HCM gồm miền Đông, miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga không chấp nhận các doanh nghiệp vận tải tăng giá vé xe đò kể từ ngày 10/12, nếu doanh nghiệp không nêu rõ yếu tố đầu vào (giá nhiên liệu, vật tư...) làm tăng giá.

Theo Sở GTVT TP.HCM, các doanh nghiệp vận tải đã được cơ quan thẩm quyền tỉnh thành khác cho phép tăng giá vé xe đò thì chỉ áp dụng tại các địa phương trên, không được áp dụng tăng giá vé tại TP.HCM.

Quy định trên không áp dụng với việc tăng giá vé nhằm bù đắp chiều xe chạy rỗng trong những ngày cao điểm tết đã được Sở GTVT xác định trong kế hoạch phục vụ tết. Sở dĩ Sở GTVT không chấp nhận việc tăng giá vé xe đò vì UBND TP.HCM đã có chỉ đạo bình ổn giá trong dịp tết.

Theo Đất Việt


Ý kiến của bạn