Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó, chung tay ủng hộ chống dịch COVID-19

17-09-2021 10:37 | Doanh nghiệp

SKĐS - Dù sản lượng và doanh thu vận tải hành khách trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhiều nhà xe đã linh hoạt trong phương án duy trì hoạt động và chung tay phòng, chống dịch bệnh.

"Những chuyến xe 0 đồng"

Khi dịch COVID-19 trong tỉnh diễn biến phức tạp, bằng tấm lòng thiện nguyện, nhiều doanh nghiệp vận và tài xế đã tham gia chuyên chở hàng hóa thiết yếu ủng hộ các vùng dịch, người từ khu cách ly trở về hay đội ngũ y, bác sĩ đi lấy mẫu... 

Anh Nguyễn Quang Duy là một trong số hội viên của Hội từ thiện Tấm lòng vàng Bắc Ninh cho hay: "Do sẵn phương tiện nên anh em trong đội luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ để cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con trong các khu cách ly. Nhiều buổi chúng tôi làm thông trưa vì có đoàn hỗ trợ rau hay lương thực gọi ra chở và bốc dỡ hàng".

Để đủ điều kiện vận chuyển hàng cứu trợ, các tài xế luôn chấp hành quy định về công tác bảo hộ, phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế, 3 ngày xét nghiệm 1 lần. "Nhóm có vài chục chiếc xe các loại: Xe con, xe tải, xe khách luôn sẵn sàng nổ máy không kể giờ giấc để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch ở các địa phương. Với mục tiêu tất cả vì tuyến đầu chống dịch, anh em trong nhóm không quản ngại ngày đêm vất vả trên những cung đường. Kinh phí xăng, dầu chở các chuyến hàng ủng hộ vùng dịch, chúng tôi tự nguyện bỏ ra với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để dịch bệnh qua mau, cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường", anh Duy chia sẻ.

Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó, chung tay ủng hộ chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chuyến xe chở quà và thực phẩm thiết yếu đến với công nhân xa quê ở vùng dịch Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải du lịch Hưng Long (tuyến Hà Nội – Quảng Bình) cho biết, trong thời gian tạm dừng hoạt động vận tải hành khách do dịch COVID-19, công ty đã sẵn lòng để tỉnh Quảng Bình trưng dụng đội xe giường nằm phục vụ các chốt kiểm soát sử dụng khi trời mưa gió và hỗ trợ vận chuyển lương thực miễn phí đến người dân vùng dịch.

"Việc tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sứ mệnh của doanh nghiệp chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền. Chống dịch tốt cũng chính là giúp doanh nghiệp vận tải sớm được hoạt động trở lại", bà Hoà bày tỏ.

Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó, chung tay ủng hộ chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Xe giường nằm Hưng Long tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Quảng Bình để giúp lực lượng làm nhiệm vụ có chỗ tránh trú mưa gió..

Về phía doanh nghiệp vận tải Phương Trang, sau khi nhận lời kêu gọi của Chính phủ đã tổ chức hơn 5.000 chuyến xe miễn phí tham gia vận chuyển người lao động, người dân từ TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương. Những chuyến xe đầu tiên sẽ lăn bánh vào ngày 20/7, đưa những người dân đầu tiên từ TP HCM về TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhà xe này cũng tặng 120.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 của Hàn Quốc cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, 20 máy xét nghiệm COVID-19 loại Realtime RT-PCR cho Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Đà Nẵng và đóng góp hơn 50 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh, thành chống dịch.

Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó, chung tay ủng hộ chống dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Các chuyến xe miễn phí của Doanh nghiệp vận tải Phương Trang đưa người dân từ vùng dịch về quê.

Còn theo ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Vận tải du lịch Hà Tĩnh, khi nhiều thôn, khu phố ở TP Hà Tĩnh bị phong tỏa, biết các cá nhân, tổ chức cần phương tiện để vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân thì nhanh chóng điều xe hỗ trợ.

Trong nhiều tuần qua, đơn vị này đã huy động hàng chục lượt xe chở các cá nhân, tổ chức đưa nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa hay các suất ăn, phần quà cho đơn vị phòng chống dịch.

Hay như khi nắm thông tin về việc cán bộ và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cần phương tiện di chuyển đi Hương Sơn và Lộc Hà để hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 diện rộng thì đã có nhiều nhà xe ở TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Thạch Hà… liên hệ ngay để giúp đỡ.

"Thời gian qua, anh em cán bộ y tế đã rất vất vả trong việc truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thì việc hỗ trợ của chúng tôi không là gì so với công sức họ đã bỏ ra", Giám đốc Công ty CP Vận tải du lịch Hà Tĩnh bày tỏ.

 Doanh nghiệp vận tải cần "liều thuốc kịp thời"

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, với chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ là "phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân", các doanh nghiệp vận tải hàng trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương giãn cách xã hội, "khoanh vùng dập dịch".

Doanh nghiệp vận tải nỗ lực vượt khó, chung tay ủng hộ chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đây được xem như là “liều thuốc” giúp các doanh nghiệp vượt khó sau đại dịch.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Từ ngày 1/4/2020 đến nay đã có 4 đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phương tiện hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế cũng như trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.

Vì thế, Bộ GTVT đã có kiến nghị Chính phủ hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính để các doanh nghiệp vận tải khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm thuế, phí; giãn nộp thuế nợ đọng; tăng chu kỳ kiểm định xe kinh doanh vận tải lên 24 tháng; lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát...

Đánh giá những hỗ trợ chia sẻ khó khăn ban đầu kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, các đơn vị vận tải đã giảm bớt được phần nào về gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

"Từ ngày 1/7 cho đến hết năm 2021, các đơn vị vận tải tiếp tục được giảm 30% phí đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải; xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%, Giảm phí đường bộ giúp đơn vị vận tải bớt được chi phí. Khi xe nào đi đăng kiểm chỉ phải nộp 70% số phí còn lại", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải cũng kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng; cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi nộp chậm); tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. 

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn