Hà Nội

Doanh nghiệp vẫn kêu “khổ nạn” thủ tục

23-08-2019 07:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng vừa chủ trì cuộc làm việc với 14 bộ, cơ quan về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và việc cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh.

Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng các bộ đã quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn có ý kiến phàn nàn về “khổ nạn” cấp phép, xin - cho, “quy định chung chung ai kiểm tra cũng được”.

Nhiều nơi cắt giảm còn hình thức

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành các văn bản quy định chi tiết, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. “Chúng ta đã cắt giảm khá tốt nhưng nhiều ý kiến cũng nói cần xem xét hết sức thực chất về hiệu quả cắt giảm, nhất là khi các đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ vừa qua”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, cơ quanBộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ.

Thời gian qua, các bộ đã rất quyết liệt, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các phương án, ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Về mặt cơ học đã cố gắng rất quyết liệt, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những ý kiến đề nghị cần xem xét thực chất hơn nữa hiệu quả của việc cắt giảm này. Trước lãnh đạo 14 bộ, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới hàng loạt ý kiến từ nhiều phía. Cụ thể, có ý kiến nói trong 6 tháng đầu năm nay, cải cách quản lý kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, chủ yếu vẫn từ tiền kiểm sang hậu kiểm chứ không phải giảm số lượng mặt hàng cần kiểm tra như yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng. Có ý kiến cho rằng, việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, một số việc đã được giao tại nhiều nghị quyết, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng nhưng các bộ chậm sửa đổi, nhất là việc sửa đổi các văn bản pháp luật; thời gian xử lý thủ tục sau cắt giảm không thay đổi, thậm chí có nơi kéo dài tới 3 tháng mới nhận được văn bản trả lời.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tới 355 văn bản, rất khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới một số ví dụ như mặt hàng radar thu phát sóng (Bộ TT&TT và GTVT quản lý), dàn lạnh (Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ LĐ-TB&XH), nguyên liệu sữa (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế)... “Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, vẫn có tình trạng điều kiện kinh doanh hóa thân vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, “khổ nạn” cấp phép, xin - cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn, rồi thủ tục “chào hỏi” qua biên giới tức thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa...”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.

Quy định chung chung “ai kiểm tra cũng được”

Nhiều vướng mắc cụ thể cũng được Tổ công tác nêu rõ tại buổi làm việc. Với Bộ Công Thương, đó là thủ tục kiểm tra formaldehyte với sản phẩm dệt may. “Hiện có 6 nghìn doanh nghiệp dệt may, nhưng tỷ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyte rất nhỏ, mà lại kiểm tra 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng này, vậy có thể thay đổi phương thức kiểm tra không, như quản lý rủi ro, phân luồng xanh, đỏ, vàng để có hình thức kiểm tra phù hợp?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.

Với Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới quy định các đơn vị sản xuất, lắp ráp ôtô phải có đủ nhân lực, phương án về an toàn vệ sinh lao động theo pháp luật về lao động. Đề nghị Bộ nghiên cứu, xem xét, Tổ trưởng cho rằng đây là quy định dẫn chiếu nhưng chung chung, rất khó cho doanh nghiệp và dẫn tới tình trạng “ai kiểm tra cũng được, hạch kiểu gì cũng được”.

Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại Nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trong quý III năm 2019. “Phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng không vì lý do đấy mà đặt ra rào cản, kìm hãm phát triển”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ đã báo cáo cụ thể về số điều kiện, thủ tục được đơn giản hóa, cắt giảm, đánh giá chất lượng việc đơn giản hóa, cắt giảm qua số ngày công và số tiền tiết kiệm được cho doanh nghiệp và xã hội; phương án tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện, thủ tục trong thời gian tới... Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra.


TS-CT
Ý kiến của bạn