Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự?

27-05-2024 16:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Một trong những vấn đề được nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm thảo luận khi bàn những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đó là việc xử lý chậm, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Công khai doanh nghiệp, công ty trốn đóng, chậm đóng BHXH

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số nội dung, bên cạnh việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần có quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự?- Ảnh 1.

ĐBQH Vương Thị Hương.

Bà Hương cũng nêu quan điểm: "Các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, đề nghị cần có quy định, chế độ công khai rộng rãi về thông tin, tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng BHXH để NLĐ có thể theo dõi cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động".

Đồng quan điểm với bà Vương Thị Hương, ĐBQH Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ kiến nghị bổ sung quy định: "Cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho NLĐ biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống dịch vụ việc làm để NLĐ có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định lựa chọn doanh nghiệp mà mình xin vào làm việc".

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự?- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nêu quan điểm, có sự chưa tương thích giữa Luật BHYT và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật BHYT về xử lý vi phạm, đó là cơ quan tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý, đó là khi chủ sử dụng lao động chậm đóng BHYT sau 30 ngày thì thẻ BHYT của NLĐ tạm thời không có giá trị sử dụng.

Từ đó, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp đã vi phạm.

Cần xử lý mạnh tay khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Còn ĐBQH Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, cần có các mức nộp số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc mà không thể giống nhau như dự thảo đang quy định là đều là 0,03% trên/ngày. 

Đồng thời, cần xác định và làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không? Nếu vi phạm thì có đồng nghĩa với việc đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 trong cùng điều luật.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự?- Ảnh 4.

ĐBQH Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

"Chúng ta cần phân hóa các mức xử lý vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng, do tính chất, mức độ vi phạm giữa chậm và trốn đóng là khác nhau", ông Vũ Mạnh Sơn nói.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, dự thảo luật thiết kế 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, cụ thể Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm về trốn đóng. Tuy nhiên, nội dung, biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản giống nhau, riêng trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự?- Ảnh 5.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam.

Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản, khoản 1 là các biện pháp xử lý quy định tại Điều 39 của luật này, khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đã được giải thích, phân định rõ ràng tại Điều 37 và Điều 38 của dự thảo luật, trong đó có sự phân định theo thời gian, trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng được quy định tại khoản 6 Điều 33 đến hết 60 ngày chưa đóng thì được xác định là chậm đóng, sau 60 ngày tiếp theo vẫn tiếp tục chưa đóng thì xác định là trốn đóng. Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa 2 hệ thống pháp luật.

Quy định hưởng BHXH một lần làm "nóng" nghị trường Quốc hộiQuy định hưởng BHXH một lần làm 'nóng' nghị trường Quốc hội

SKĐS - Tại phiên thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 27/5, nhiều ĐBQH phát biểu, tranh luận sôi nổi liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn