Doanh nghiệp Trốn đóng BHXH, BHYT 4.365 tỷ đồng: Coi thường pháp luật, ăn chặn người lao động?!

20-07-2010 11:12 | Thời sự
google news

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2010, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong cả nước lên đến 4.365 tỷ đồng.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2010, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong cả nước lên đến 4.365 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân để doanh nghiệp chậm và không đóng BHXH, BHYT cho người lao động là doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của lãi suất nợ bảo hiểm thấp hơn lãi suất ngân hàng để cố tình chây ì, nhằm trục lợi...

Hơn hai lần vi phạm

Một trong những nơi có tình trạng trốn đóng BHXH nhiều là các tỉnh khu vực phía Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện chỉ có 33.000/137.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có đóng BHXH cho người lao động. Gần 20 doanh nghiệp đang nợ BHXH thành phố trên 1 tỷ đồng, trong đó có doanh nghiệp nợ tới 7 tỷ đồng. Tổng số nợ BHXH tại đây là trên 50 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, trên 500 doanh nghiệp nợ BHXH trên 1 tháng với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng, trong đó có 22 doanh nghiệp nợ dây dưa kéo dài từ năm 2008 đến nay với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Từ năm 2008 đến nay, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã kiện 128 doanh nghiệp ra tòa. BHXH Đồng Nai cũng đã lên danh sách chuẩn bị khởi kiện 21 doanh nghiệp, trong đó trước mắt đã hoàn tất thủ tục khởi kiện Công ty TNHH K&P và Công ty TNHH hóa chất Dyvina ở TP. Biên Hòa; BHXH Bình Dương đã đưa vào danh sách 16 doanh nghiệp nợ đọng từ 800 triệu đồng đến 3 tỷ đồng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian dài để kiện ra tòa...

Còn tại Hà Giang, là một trong những tỉnh nghèo phía Bắc thì tình trạng doanh nghiệp không đóng BHXH, BHYT cũng diễn ra phổ biến. Qua thanh tra công tác đóng BHXH, BHYT cho người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Thanh tra Nhà nước cho kết quả chỉ có 217/906 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh tham gia đóng BHXH và BHYT cho 5.929 lao động, chiếm 24%. Trong số 217 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia đóng BHXH và BHYT bắt buộc, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc nộp BHXH, BHYT hàng tháng kịp thời; có doanh nghhiệp còn chậm đóng, nợ đọng...

 Người lao động cần hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT để tự bảo vệ mình.

Sẽ xử lý nghiêm nếu có thỏa thuận cho nợ bảo hiểm

        Trong tổng số nợ BHXH, BHYT, nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 2.360 tỷ đồng, chiếm 54%, nợ từ 3 tháng trở lên là 2.005 tỷ đồng, chiếm 46%. Nợ BHYT chiếm 27% tổng số nợ.

Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng là do nhiều doanh nghiệp tuy đã hết niên độ quyết toán nhưng chưa dồn tiền trả nợ BHXH và đóng khoản BHXH phát sinh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường phải vay ngân hàng với lãi suất cao trong khi nợ BHXH chỉ bị lãi chưa đóng, chậm đóng là 10,5%/năm (tương đương với 0,875%/tháng) nên việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để cố tình nợ tiền BHXH của người lao động. Một nguyên nhân nữa liên quan đến số nợ đọng của BHYT là do nhiều địa phương chưa chuyển BHYT cho người nghèo, người hưởng ưu đãi theo Pháp lệnh Người có công và kinh phí hỗ trợ cho học sinh 6 tháng đầu năm về cơ quan BHXH. Để khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm, BHXH Việt Nam sẽ kiểm tra, rà soát nếu phát hiện có sự thỏa thuận cho nợ BHXH sẽ kỷ luật nghiêm khắc, xử lý theo pháp luật, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ, chỉ đạo quyết liệt hơn về thực hiện công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là với các địa phương có tỷ lệ thu thấp.

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay hơn như khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, kéo dài cũng được BHXH các tỉnh, thành phố chú trọng hơn. Ngoài việc phải chịu một khoản tiền lãi phạt chậm đóng, với những doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra lao động để xử phạt vi phạm hành chính theo các mức độ khác nhau, từ cảnh cáo để rút giấy phép hoạt động. Cơ quan này cũng sẽ đánh giá tình hình xử lý vi phạm và tiến hành khấu trừ nợ BHXH từ tài khoản của doanh nghiệp nợ từ 1 tỷ đồng trở lên đã xử phạt hành chính nhưng chưa khắc phục. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị kiện ra tòa án giải quyết và công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù đã có những biện pháp mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vì thế vấn đề đặt ra ở đây là, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh... ở các doanh nghiệp. Tránh tình trạng, các cơ quan chức năng ra sức bảo vệ người lao động, còn các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp mặc dù biết việc không đóng BHXH và BHYT cho người lao động là doanh nghiệp đang vi phạm quyền lợi của người lao động, song không dám lên tiếng đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp này.

Thanh Phúc


Ý kiến của bạn