Hà Nội

Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường đang gặp khó do đại dịch

24-10-2021 14:35 | Doanh nghiệp

SKĐS - Những tháng cuối năm là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp ở Hà Nam tìm kiếm thị trường tiềm năng mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ sau thời gian dài hoạt động cầm cự do đại dịch…

Bảo đảm duy trì lực lượng lao động xanh

Từ đầu năm 2021 đến nay, hầu hết doanh nghiệp Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19. Tính từ ngày 19/9 đến ngày 24/10, địa phương này ghi nhận 841 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 163 trường hợp phát hiện tại khu công nghiệp. Diễn biến dịch bệnh tại đây được đánh giá phức tạp, mọi phương án cho công tác phòng, chống dịch đã được doanh nghiệp kích hoạt ở mức cao nhất.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Nam chia sẻ, trong giai đoạn nước rút này, các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực tìm lời giải cho bài toán "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong điều kiện khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào và công nhân lao động do dịch bệnh. Trước thực tế này, giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện là áp dụng linh hoạt các hình thức để bảo đảm duy trì lực lượng lao động xanh, phổ biến là mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". 

Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh Hà Nam mới thu hút được 31 dự án đầu tư mới, bằng 49,2% so với cùng kỳ năm 2020. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất tương đối ổn định nhưng doanh thu khó đạt so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, tồn kho nhiều; doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để test COVID-19 cho lao động, lái xe qua các chốt kiểm dịch. Bên cạnh đó, hầu hết nguồn nguyên vật liệu đầu vào ở một số ngành như than, thạch cao, phôi sắt thép, các loại ngũ cốc phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi… đều tăng cao cũng là thách thức với các doanh nghiệp sản xuất. 

Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường đang gặp khó do đại dịch - Ảnh 1.

Chủ động phòng, chống dịch từ các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh, trong đó việc xây dựng tổ an toàn COVID-19 chính là để phát huy vai trò, trách nhiệm phòng, chống dịch của người lao động. Ảnh: Chu Uyên

Năm 2021, sản xuất thức ăn chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu thị trường ở một số thời điểm bị chững lại. Nguồn nguyên liệu nhập từ các nước bị gián đoạn, chi phí tăng cao. Tuy nhiên, bằng việc tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này đã ký kết được nhiều đơn hàng mới, kỳ vọng doanh thu trong quý IV sẽ được cải thiện.

Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) là một ví dụ. Dịch bệnh COVID-19 đã khiến doanh thu của công ty trong 9 tháng năm 2021 giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Giải pháp để cải thiện doanh thu trong những tháng cuối năm của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương là tăng cường lực lượng làm tốt công tác khai thác thị trường, trong đó, tập trung vào các tỉnh "vùng xanh" như: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… để thay thế cho thị trường ở các khu vực "vùng đỏ" đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. 

Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Pháp chế, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương cho biết: Bảo đảm an toàn phòng dịch là yếu tố quan trọng trước tiên để duy trì hoạt động sản xuất. Vì vậy, ngoài việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" đối với hơn 20 lao động thường trú tại Hà Nội, công ty triển khai cho 100% lao động trong tỉnh ký cam kết chấp hành nghiêm phương án "1 cung đường, 2 điểm đến" (chỉ từ công ty về nhà); đồng thời bố trí phòng cách ly tạm thời đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19. Song song với đó, công ty đang huy động toàn bộ nhân lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm và tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường truyền thống đang gặp khó do đại dịch. Phấn đấu, doanh thu năm 2021 đạt từ 75% trở lên so với mục tiêu đề ra. 

Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường đang gặp khó do đại dịch - Ảnh 2.

Những tháng cuối năm là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp ở Hà Nam tìm kiếm thị trường tiềm năng mới nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ. Ảnh: Bảo Nguyên

Cơ hội "vàng" để tăng sản lượng tiêu thụ 

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (TP Phủ Lý) khẳng định: Cuối năm luôn là cơ hội "vàng" để Morice Noodles Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ. Nguồn hàng sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 của công ty hiện đã cơ bản bảo đảm với sản lượng quý IV tăng khoảng 30% so với quý III. Công ty cũng xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp để khôi phục, phát triển sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát như: Đầu tư, lắp đặt hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường để đa dạng hóa các mặt hàng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân lao động; chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm… 

Bước vào cao điểm sản xuất cuối năm, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững lượng khách hàng truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang tích cực nghiên cứu, mở rộng thị trường mới để tăng doanh thu, tìm kiếm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các giai đoạn tiếp theo. Với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các cấp ngành tỉnh Hà Nam, đặc biệt là phía Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), các doanh nghiệp ở tâm dịch Hà Nam kỳ vọng sẽ có đà tăng trưởng vào các tháng cuối năm 2021.

Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiềm năng mới thay thế cho thị trường đang gặp khó do đại dịch - Ảnh 3.

Công nhân, người lao động trong các KCN ở Hà Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Bảo Nguyên

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam, có thể nói, chưa bao giờ có chính sách vay vốn được Ngân hàng CSXH triển khai nhanh đến thế. Quyết định 23 được Thủ tướng Chính phủ ký chiều hôm trước, hôm sau hệ thống Ngân hàng CSXH cả nước tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã kịp thời báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố phối hợp cùng Ngân hàng CSXH tăng cường tuyên truyền và tập trung tiếp cận, rà soát bảo đảm cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng nhằm sớm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất một cách hiệu quả, thiết thực, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam đã phát động phong trào thi đua giải ngân nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Đồng thời, yêu cầu các phòng giao dịch ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH, Liên đoàn Lao động, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp tìm hiểu các doanh nghiệp đang hoạt động, nắm bắt tình hình sử dụng lao động cũng như doanh nghiệp có lao động ngừng việc để chủ động tiếp cận triển khai chương trình hỗ trợ.

"Quá trình thực hiện, để không bỏ sót doanh nghiệp thuộc đối tượng vay vốn khi có nhu cầu, chúng tôi chủ động phối hợp và mong muốn các cấp, ngành, địa phương, Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, phản ánh kịp thời thông tin về các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng, trục lợi chính sách để xử lý theo quy định", ông Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn