Nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc đang đứng trước thực trạng hoạt động kinh doanh suy thoái. Chỉ số mua hàng công nghiệp PMI tháng 7 ở mức thấp nhất kể từ hai năm nay - số liệu do Văn phòng Tư vấn tài chính Markit vừa công bố càng khẳng định thêm xu hướng hụt hơi của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp phải cảnh giác, xem xét lại chiến lược đầu tư.

Doanh số bán xe hơi tại thị trường Trung Quốc sụt giảm.
Xe hơi là một trong những ngành công nghiệp mà hậu quả để lại là rõ ràng nhất. Theo dự đoán của Hiệp hội Sản xuất xe hơi Trung Quốc (CAAM), doanh thu của thị trường này trong năm nay sẽ “chỉ” tăng 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% năm 2014 và 14% của 2013. Năm 2014, các công ty đã bán được 23,5 triệu xe hơi, so với gần 6 triệu chiếc vào năm 2005. Hơn một trăm mác ôtô nước ngoài và Trung Quốc cạnh tranh tại thị trường được coi là rất tiềm năng này. Một nghiên cứu của Văn phòng Tư vấn McKinsey cho thấy, các hãng xe hơi thu được tới 40% tổng lợi nhuận tại Trung Quốc, trong khi họ chỉ bán tại đây 22% tổng số hàng.
Tình hình từ những tháng gần đây cho thấy Trung Quốc không còn là một miền đất hứa. Doanh số tại thị trường Trung Quốc của công ty xe hơi đứng đầu thế giới Volkswagen (Đức) vào tháng 6 sụt 3,9% so với tháng 1/2015, mức giảm lớn nhất kể từ một thập niên. Tình hình hàng bán ra chậm khiến nhiều đại gia như BMW (Đức) hay Nissan (Nhật Bản) buộc phải hạ dự báo tăng trưởng. Ngành luyện kim và các sản phẩm sắt thép cũng là khu vực chịu nhiều hệ quả. Tập đoàn đứng thứ hai Nhật Bản JFE Holdings phải hạ thấp dự kiến tăng trưởng hồi cuối tháng 7, do tốc độ tăng trưởng chững lại và tình trạng thép dư thừa tại quốc gia tiêu thụ thép số một thế giới. Các công ty của Mỹ sản xuất thang máy và các hệ thống điều hòa nhiệt độ đang sẵn sàng chờ đợi tình hình tồi tệ hơn so với dự đoán.
Lo ngại nhất vẫn là các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu trước viễn cảnh hụt hơi của nền kinh tế, vốn tiêu thụ đến 51% lượng than toàn cầu, 50% quặng đồng hay 11% dầu mỏ. Thiệt hại nặng nhất có thể là Brazil, với 20% hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiếp đó là Nga, Chilê, Argentina, hay Australia và các quốc gia vùng Vịnh. Nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm cũng sẽ kéo giá nguyên nhiên liệu xuống mạnh, như vậy gián tiếp có lợi cho các nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đối với các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay New Zearland, mức sụt giá này không bù lại được thiệt hại do xuất khẩu giảm, bởi tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước này vốn rất lớn (10,1% GDP Hàn Quốc, 16,7% GDP Singapore hay 4,2% GDP New Zearland).
Theo nhà kinh tế Mark Williams thuộc Văn phòng Tư vấn kinh tế vĩ mô Capital Economics, nhìn chung trong thời gian mấy thập niên vừa qua có đến “một phần ba tổng lượng tăng trưởng kinh tế toàn cầu là đến từ Trung Quốc, tuy nhiên mối quan hệ giữa quốc gia này với phần còn lại của thế giới đã thay đổi rất lớn”, với sự sụt giảm mạnh của xây dựng và công nghiệp nặng, các khu vực vốn là trụ cột truyền thống của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
(Theo Bloomberg, Les Echos)
Quỳnh Anh