Điều này gây tâm lý bất an cho người lao động, bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội, bảo đảm việc làm bền vững của nước ta... Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng này?
Lý giải cho hành động này, doanh nghiệp viện dẫn lý do là phải tiết kiệm chi phí trả lương, bảo hiểm xã hội cho công nhân có thâm niên nghề, năng suất lao động không cao, ít có khả năng tăng ca nhiều,... Đồng thời nhiều doanh nghiệp đang thực hiện việc đưa những công nghệ mới vào sản xuất nên giảm dần lao động thủ công, thay vào đó sẽ tuyển dụng lực lượng lao động trẻ hơn, với chi phí lương, bảo hiểm thấp hơn nhưng có năng suất lao động cao hơn.
Ở vị thế “chiếu trên”, việc làm của doanh nghiệp là không hề phạm pháp. Doanh nghiệp kinh doanh là để sinh lợi nhuận và tính toán làm sao để tạo ra lợi nhuận nhiều nhất. Nên việc tiết giảm chi phí là việc buộc phải tính đến. Doanh nghiệp muốn cho công nhân nghỉ việc trước thời hạn chỉ cần báo trước 45 ngày, chỉ trả các khoản trợ cấp thôi việc... là xong và không vi phạm hợp đồng lao động hay Luật Lao động.
Qua một thống kê tại Hà Nội trong 4 tháng đầu năm 2017 cho thấy, có tới 89% lao động (10.441 người) trên 35 tuổi đến đăng ký thất nghiệp. Trong đó, chủ yếu do doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, lao động không phù hợp với công việc... Họ thường là những người tham gia lao động với cường độ lao động cao và phải tăng ca thường xuyên, làm thêm giờ, điều kiện lao động không tốt, cùng với thời gian và tuổi tác, sức khỏe ngày càng giảm sút, độ nhanh nhạy kém đi, rất khó để tăng năng suất lao động. Công nhân làm việc trong những ngành như da giày, dệt may, điện tử, mà đặc biệt là lao động nữ có khả năng bị doanh nghiệp cho nghỉ việc cao nhất. Bởi đây là những ngành có thời gian đào tạo nhanh và nhiều công đoạn có thể được thay thế bằng hệ thống robot, tự động hóa... Người sử dụng lao động có lợi thế hơn rất nhiều so với người lao động nên họ có thể dễ dàng tuyển dụng lao động mới.
Việc thải loại công nhân luống tuổi của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách an sinh xã hội, bảo đảm việc làm bền vững của nước ta, xói mòn niềm tin của người lao động... Bởi đối tượng công nhân trong độ tuổi 35-40 rất khó xin được việc làm mới ở các doanh nghiệp khác. Đời sống của họ bị ảnh hưởng không nhỏ. Để tạo việc làm cho đội ngũ lao động tuổi 35-40 thì phải đào tạo, chuyển đổi ngành nghề với sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động. Ngoài ra, công tác định hướng chọn ngành nghề làm việc cho công nhân cũng cần được chú trọng để người lao động không bị sốc khi bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có nhiều yếu tố và sự phối hợp của nhiều cơ quan.
Thực tế cho thấy, người lao động muốn có thu nhập ổn định và tích lũy thì phải làm thêm, tăng ca. Vì vậy, họ bị vắt kiệt sức lao động. Về lâu dài, lao động suy giảm sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động cao, hệ lụy theo đó là ở độ tuổi nhất định (tầm 35-40 tuổi), lao động không thể đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp đưa ra. Cơ hội tìm việc làm khác là rất khó. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan chức năng cần yêu cầu các
doanh nghiệp không được tăng số giờ làm thêm của người lao động (không quá 200 giờ làm thêm mỗi năm). Đây cũng là cách để bảo vệ cho người lao động bảo đảm giữ sức khỏe và việc làm sau lứa tuổi 35- 40.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp có nhiều cách lách luật loại người lao động khi có tuổi ra khỏi khu vực lao động của doanh nghiệp, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách về quan hệ lao động theo hướng đảm bảo việc làm bền vững và xây dựng môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho cả người lao động và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Đây là một thách thức trong hoàn thiện pháp luật. Khâu tổ chức thực hiện pháp luật, các chính sách về lao động cũng cần phải tăng cường. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý thông tin kịp thời những hành vi vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Luật Bảo hiểm xã hội.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng tìm giải pháp khắc phục, không còn cách nào khác là người lao động phải tự cứu mình. Và, để đáp ứng đòi hỏi khắt khe của doanh nghiệp, người lao động phải tự hoàn thiện bản thân, tự học hỏi, học nghề thuần thục để chứng minh năng lực, đặc biệt là kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm việc. Mặt khác, người lao động phải tìm hiểu Luật Lao động để khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp không bị “bẫy” và nhận phần thiệt về phía mình.