Ngày 1/3, ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bùng phát, khu kinh tế đã có cuộc làm việc với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh để giải quyết phần nào thực trạng này.
Trước Tết Nguyên đán, 132 doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý KKT Đông Nam là hơn 34.700 người. Tuy nhiên, tuần làm việc thứ 2 (từ 13-23/2) chỉ còn 50-60% vào tuần làm việc. Cá biệt, một số doanh nghiệp chỉ có 30-40% người lao động trở lại đi làm.
Tại Khu công nghiệp Vsip (đóng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên), thời điểm trước Tết, 21 doanh nghiệp đang sử dụng 13.000 lao động. Sau Tết, số lao động này chỉ còn hơn 7.000 người. Lý do chính là vì nhiều công nhân mắc COVID-19 và thuộc diện F1 phải cách ly, một số khác lo lắng vì dịch bệnh nên nghỉ làm.
Tại Công ty TNHH Luxshare-ICT, người lao động trở lại làm việc chỉ khoảng hơn 2.000 trên tổng số hơn 7.000 lao động. Điều này dẫn đến tình trạng các đơn hàng không thể hoàn thành, công ty phải điều động nhân sự từ các đơn vị khác để bổ sung.
Bước đầu giải quyết việc này, Ban quản lý KKT Đông Nam đã kết nối với doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn nhằm giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động khẩn cấp. Trước mắt các trường sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp để đưa sinh viên, học viên của mình thực tập ngắn hạn tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo Công ty TNHH Luxshare ICT bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác lâu dài với các trường trong tuyển dụng thực tập sinh và lao động kỹ thuật. Doanh nghiệp cũng đã trình bày cụ thể những chính sách, chế độ, lương thưởng dành cho thực tập sinh. Ngoài ra, sẽ bố trí, hỗ trợ nơi ở trong ký túc xá cho thực tập sinh và cán bộ quản lý đi cùng.
Đại diện các trường đều xem sự kết nối này là một tín hiệu vui trong công tác phối hợp giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, sự kết nối tại địa phương sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại địa phương, các trường dễ dàng hơn trong quản lý, tiết kiệm chi phí đi lại cho sinh viên.
Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thông tin, sự kết nối này là một tín hiệu vui, mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai. Tuy nhiên, để sự phối hợp có tính hiệu quả, lâu dài, doanh nghiệp và nhà trường cần có kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường. Doanh nghiệp cần có các thiết bị hỗ trợ nhà trường trong công tác đào tạo, để trường đào tạo cho sinh viên khi vào doanh nghiệp không bỡ ngỡ.
Ông Trị chỉ đạo, để sớm giải quyết vấn đề thiếu lao động, trước mắt, doanh nghiệp và các trường cần chủ động làm việc với nhau để thống nhất những nội dung cụ thể, rõ ràng về chế độ, chính sách, và yêu cầu tuyển dụng… Về lâu dài, đề nghị công ty có kế hoạch phối hợp cùng với các nhà trường trong vấn đề đào tạo, tuyển sinh đề phù hợp với đơn vị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
F0 lâu khỏi co uống nước dừa, nước cam, quả có múi? | SKĐS