Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp cuối năm nay. Bà có thể cho biết một số bất cập mà luật cần phải sửa đổi để gia tăng quyền lợi cho người lao động?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện nay, pháp luật về BHXH có một số quy định chúng ta thấy khá bất cập.
Đó là theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP, Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014 thì người lao động (cá nhân) làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; chủ hộ kinh doanh cá thể (cá nhân) và nhân viên đại lý thu bảo hiểm thương mại không phải là người làm việc theo hợp đồng lao động nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Tôi cho rằng quy định này chưa hợp lý vì chủ hộ kinh doanh cá thể cũng là người lao động tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể đó. Tại sao người lao động trong hộ đó được đóng BHXH bắt buộc mà người chủ hộ (cũng là người lao động) lại không được đóng BHXH bắt buộc?.
Trong khi chính nhóm đối tượng này lại rất cần khuyến khích tham gia BHXH bắt buộc vì họ là những người tạo công ăn việc làm cho những người lao động khác. Nếu quyền lợi của họ được bảo đảm thì họ mới yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo tôi, nhân viên của hộ kinh doanh cá thể được tham gia BHXH bắt buộc trong khi chủ hộ lại không được (chỉ được tham gia BHXH tự nguyện) là điều bất hợp lý, thậm chí có thể nói là bất công cho người chủ hộ. Điều này còn có thể dẫn tới hệ lụy vì bản thân không được tham gia BHXH bắt buộc nên chủ hộ sẽ không tạo điều kiện cho người lao động trong hộ kinh doanh của mình tham gia BHXH.
Việc quy định tham gia BHXH chỉ dựa trên hợp đồng lao động là khá cứng nhắc nên dẫn tới tình trạng "bỏ rơi" nhóm đối tượng nên được tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ sản xuất kinh doanh.
- Từ phân tích về những bất cập như trên, vậy bà có đề xuất như thế nào về những nội dung này trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, cần sửa đổi các quy định pháp luật về BHXH để chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể được tham gia BHXH bắt buộc chứ không phải là BHXH tự nguyện như quy định hiện tại.
Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH, do nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách BHXH đối với cả các chủ hộ kinh doanh cá thể là chưa đúng quy định của pháp luật về BHXH, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc giải quyết chính sách BHXH cho người lao động.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về BHXH và thực tiễn nêu trên, nhằm tạo điều kiện để người lao động được tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cảỉ cách chính sách BHXH, chủ hộ kinh doanh cá thể và một số nhóm đối tượng khác sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH; việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH được thực hiện và tuân thủ theo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH, tôi cho rằng, nên chăng chúng ta cũng cần có những giải pháp tháo gỡ theo hướng bảo đảm quyền lợi cho những người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc từ nhiều năm nay.
- Theo bà cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng doanh nghiệp chậm đóng hay trốn đóng BHXH?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH. Tuy nhiên, người lao động lại rất khó hoặc không thể thanh tra, giám sát được việc doanh nghiệp có đóng BHXH cho họ hay không.
Như vậy, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng. Trên thực tế, chúng ta đã có đủ các chế tài để xử lý doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH cho lao động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra có một phần là do việc sản xuất, kinh doanh, thu nhập của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp như cho doanh nghiệp hoãn thời gian đóng BHXH bắt buộc. Việc doanh nghiệp nợ đóng hoặc trốn đóng BHXH cho lao động chủ yếu là do họ vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận thu được.
Nếu tình trạng này còn diễn ra và là vấn đề nhức nhối thì chúng ta phải có giải pháp quyết liệt, mạnh tay trong công tác thanh tra để nâng chế tài xử phạt doanh nghiệp không thực hiện đúng quyền lợi cho lao động.
- Vậy bà có nhìn nhận như thế nào về tình trạng rút BHXH một lần đang có nguy cơ gia tăng?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Theo Luật BHXH hiện nay, người lao động có quyền rút BHXH một lần. Thực tế cho thấy, những người rút BHXH một lần thường là công nhân, người nghèo, bị mất việc làm. Khi họ không còn bất kỳ một nguồn thu nhập nào khác để lo cho cuộc sống thì đành rút BHXH một lần. Mặc dù họ có thể nhận thức là việc làm này sẽ rất thiệt thòi về lâu dài nhưng vì không còn cách nào khác để ổn định cuộc sống trước mắt nên mới chọn con đường rút BHXHmột lần.
Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác truyền thông; rà soát, sửa đổi quy định nâng số năm đóng và thời hạn rút BHXH một lần lên cũng như đưa ra quy định nếu lao động rút BHXH một lần thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều.
Như vậy, người lao động sẽ phải suy nghĩ lại là không rút nữa và tính toán đóng tiếp BHXH. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm hơn đến đời sống hiện tại của người lao động để họ yên tâm ổn định cuộc sống, không nghĩ tới rút BHXH nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga!