Doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm gần 10.000 tỷ đồng

11-02-2017 11:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố “Báo cáo Kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố “Báo cáo Kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”. Theo đó, KTNN cho rằng quyền lợi của người lao động bị xâm hại nghiêm trọng khi doanh nghiệp (DN) nợ đọng gần 10 nghìn tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Theo KTNN, DN tự giải thể phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc có chủ bỏ trốn không có khả năng thu hồi là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng bảo hiểm. Trong khi đó, cho đến năm 2015, cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền để xử phạt các đơn vị, DN vi phạm pháp luật về BHXH mà sau khi phát hiện chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành xử lý nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, có tình trạng người sử dụng lao động cố tình không đóng BHYT, BHXH hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp nên cố tình nợ BHXH, BHYT. Tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An có tình trạng các sở ban ngành chưa quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, còn đứng ngoài cuộc…

Tình hình nợ đọng BHXH có xu hướng ngày càng tăng (ảnh minh họa). Ảnh: TM

Tình hình nợ đọng BHXH có xu hướng ngày càng tăng (ảnh minh họa). Ảnh: TM

Để xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm, theo cơ quan kiểm toán, có một phần nguyên nhân từ việc công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng của cơ quan BHXH chưa được thực hiện đồng bộ, cương quyết; còn trường hợp đã lập biên bản làm việc nhưng chưa có giải pháp, biện pháp kiến nghị, xử lý triệt để. Cơ quan BHXH cũng chưa thực hiện công khai danh tính đơn vị nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng… Điều này khiến cho tình hình nợ đọng bảo hiểm có xu hướng ngày càng tăng cao.

Báo cáo của KTNN cho thấy, công tác thu BHYT còn một số tồn tại. Cụ thể, theo Nghị định 105 năm 2014 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT) thì Ngân hàng Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách xảy ra khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh, thành phố được kiểm toán. Tổng số thẻ BHYT cấp trùng sau kiểm toán là 116.096 thẻ, tương ứng số tiền hơn 54 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, báo cáo của KTNN hoàn toàn khách quan, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của lĩnh vực BHXH, đòi hỏi BHXH Việt Nam phải nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

Lý giải về số tiền cấp trùng thẻ BHYT theo báo cáo của KTNN, ông Phạm Lương Sơn cho biết, nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT. Vì thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn 1 thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. “Tuy nhiên, số tiền cấp trùng không thất thoát mà vẫn nằm trong Quỹ BHYT và theo yêu cầu của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam thực hiện hoàn trả lại ngân sách trung ương và địa phương. Ngoài ra, dù có trùng thẻ, mỗi người cũng chỉ được sử dụng 1 thẻ khi đi KCB nên không có chuyện thất thoát ngân sách từ việc cấp trùng thẻ BHYT”, ông Sơn lý giải.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện BHXH Việt Nam đang hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin hộ gia đình tham gia BHYT tập trung cả nước để cấp mã định danh cá nhân duy nhất cho toàn bộ dân số. Do đó, chắc chắn từ năm 2017 trở đi, việc cấp trùng thẻ BHYT sẽ được hạn chế tối đa.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn