Đến tháng 11/2016, số nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm tự nguyện đã lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, việc tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả chưa cao… Trên thực tế, số nợ BHXH lớn kéo theo việc quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động bị xâm phạm, trong khi họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng doanh nghiệp lại cố tình chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH.
Đây là một số thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức ngày 16/11.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao; do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó còn do công tác phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp ra tòa chưa hiệu quả và các cơ quan quản lý triển khai thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp chưa chủ động thanh tra, hiện chỉ phối hợp cử người tham gia Đoàn Thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị.
Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, số nợ lớn như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động vì họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng lại bị doanh nghiệp chiếm dụng nên không được hưởng quyền lợi của mình. Tại Hội nghị, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo quy chế phối hợp được ký giữa BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, 15 tỉnh được chọn thí điểm triển khai công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, công tác khởi kiện do Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện chưa được như mong muốn.
Ông Mai Đức Chính cũng bày tỏ lo ngại về số nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp hiện đã hơn 14.000 tỉ đồng và đặt câu hỏi về việc triển khai khởi kiện nhằm làm giảm số nợ trên hiện đang có khó khăn, vướng mắc gì? Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại công tác triển khai? Hiện 16 tỉnh chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc ký quy chế phối hợp. Do đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính yêu cầu Liên đoàn Lao động phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất danh sách khởi kiện những đơn vị nợ BHXH trên tinh thần tập trung chọn những doanh nghiệp còn hoạt động, nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với số tiền lớn có khả năng thi hành án, riêng đối với những đơn vị phá sản sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động; Tiến hành nhanh việc chuyển hồ sơ khởi kiện gửi tòa án nhân dân các cấp, nếu hồ sơ nào tòa án không thụ lý phải yêu cầu tòa án có văn bản trả lời với lý do cụ thể; Các tổ chức Công đoàn chưa ký quy chế phối hợp với BHXH tại địa phương phải khẩn trương ký quy chế phối hợp ngay trong tháng 11/2016…
Về phía BHXH Việt Nam, để việc thực hiện công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của ngành BHXH đạt các mục tiêu đề ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong cung cấp thông tin, hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp; chủ động thành lập các Đoàn Thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với số nợ lớn. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác khởi kiện tại một số địa phương, qua đó đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc tồn tại để triển khai tốt công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp.