Bỏ phương án '3 tại chỗ' cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp
Ngày 28/9, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có phương án sản xuất an toàn trong tình hình mới gửi các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Trong đó có nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" và bỏ áp dụng phương án "3 tại chỗ".
Cụ thể, đối với các DN trong các KCN, Ban quản lý đề nghị các DN thành lập tổ xét nghiệm tự nguyện tại DN, phối hợp với các đơn vị đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người lao động định kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các DN chưa có bộ phận y tế có thể phân công cán bộ làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế của DN theo quy định của Nghị định 39/2016 của Chính phủ.
Quản lý chặt chẽ người lao động làm việc tại DN, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát di biến động của người lao động, báo cáo tăng, giảm lao động đến Ban quản lý, UBND các quận, huyện nơi hoạt động.
Đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và các phương án ứng phó khi có các trường hợp ho, sốt, khó thở, F1, F2, ca mắc COVID-19 phù hợp tình hình hoạt động sản xuất an toàn và tổ chức diễn tập tại DN.
Đối với người lao động tại các KCN, Ban quản lý đề nghị: Đối với lao động đang cư trú tại các tỉnh thành phố khác phải tổ chức đưa đón tập trung. Khuyến khích lao động ngoại tỉnh ở lại tạm thời Hà Nội, hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các tỉnh.
Đối với lao động lưu trú trên địa bàn Hà Nội, đối với các vùng có nguy cơ cao (vùng đỏ theo quy định trước đây) phải tạm dừng sử dụng lao động hoặc phải thực hiện "3 tại chỗ" nếu có nhu cầu sử dụng.
Trường hợp nơi lưu trú của lao động có ca F0 hoặc bản thân có lịch sử tiếp xúc với người nghi nhiễm SARS-CoV-2 thì tuyệt đối không đến DN. Trường hợp cố tình vi phạm làm lây lan dịch vào DN thì người lao động chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người sử dụng lao động và trước pháp luật.
Hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa an toàn
Sở Công Thương Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị vận tải thực hiện quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các đơn vị vận tải phải đáp ứng các yêu cầu quy định phòng, chống dịch; trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay… cho người trên phương tiện.
Các đơn vị xây dựng phương án tổ chức vận tải của đơn vị và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện đúng phương án đề ra. Phương tiện vận chuyển phải được phun khử khuẩn, bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Người điều khiển phương tiện, người xếp dỡ hàng hóa theo xe phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; được tiêm tối thiểu một mũi vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm Covid-19 âm tính.
Đối với xe có mã nhận diện QR, đơn vị vận tải, lái xe cập nhật thông tin của giấy xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực theo hướng dẫn trên phần mềm.
Hàng hóa ở các địa phương vùng dịch, các khu vực vùng dịch trước khi được xuất đi phải bảo đảm an toàn phòng dịch. Đối với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Về quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa, tại địa điểm sản xuất phải tuân thủ nghiêm phương án phòng, chống dịch COVID-19 do đơn vị đã xây dựng. Người trên phương tiện tuân thủ đúng hành trình đã kê khai, giao nhận hàng hóa, nghỉ ngơi, tập kết phương tiện tại các điểm đã được xác định trong phương án tổ chức vận tải của đơn vị.
Người trên phương tiện ghi chép lại hành trình vận chuyển, các điểm dừng nghỉ dọc đường, danh sách các trường hợp có tiếp xúc. Bảo đảm thông thoáng phương tiện, không sử dụng điều hòa, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện…
Tại khâu giao nhận, xếp dỡ hàng hóa, người điều khiển phương tiện hạn chế tiếp xúc với bên nhận hàng, hạn chế rời khỏi cabin của xe. Hai bên tuân thủ nghiêm nguyên tắc "5K", giữ khoảng cách an toàn, thường xuyên sát khuẩn tay…
Khi kết thúc nhiệm vụ vận chuyển hoặc kết thúc ca làm việc, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trường hợp không nghỉ ngơi trên xe thì phải di chuyển ngay đến nơi lưu trú, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác. Trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh. Tự theo dõi nhiệt độ và sức khỏe hằng ngày, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì thông báo cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế để xử lý kịp thời.
Có thể thấy, việc các doanh nghiệp chủ động lên phương án phòng chống dịch chặt chẽ hơn khi người lao động quay trở lại làm việc là điều hết sức quan trọng và cần thiết, bởi dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, lơ là.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ