Thông tin này được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi , bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP tổ chức tại Bộ Y tế chiều ngày 19/9.
Cơ quan quản lý sẽ hủy hồ sơ công bố nếu 60 ngày doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu
Theo bà Trần Việt Nga- Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, một số điểm mới nhất trong việc sửa đổi Nghị định 38 tính đến ngày 19/9 tập trung ở các lĩnh vực như: công bố hợp quy; vấn đề kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 38 về an toàn thực phẩm, những thực phẩm thông thường thì doanh nghiệp được tự công bố
Về lĩnh vực công bố hợp quy, bà Nga cho biết, đối với thực phẩm thường đã qua chế biến, bao gói sẵn; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, doanh nghiệp sẽ tự công bố, bao gồm cả công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Sở Y tế).
Theo đó, điểm đáng lưu tâm nhất và tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp là “trong thời hạn 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét hồ sơ, nếu không có ý kiến bằng văn bản, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo những nội dung đã công bố”. Tuy nhiên, bà Nga cũng nêu rõ, doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm đúng với nội dung mà cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Cũng theo Cục ATTP, hiện nay có thực trạng nhiều doanh nghiệp khi nhận được công văn yêu cầu sửa đổi bổ sung của Cục nhưng không làm đầy đủ các yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung, do đó Cục phải gửi văn bản nhiều lần để đôn đốc. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp bỏ dở cả năm không cung cấp thông tin bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên lại có phản ánh là cơ quan quản lý cố tình gây “khó dễ”.
Do đó, tại dự thảo sửa đổi này, ban soạn thảo đã nêu rõ: Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì cơ quan quản lý sẽ hủy hồ sơ công bố…
Vẫn “siết” công bố phụ gia thực phẩm, thực phẩm liên quan đến sức khỏe
Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/ chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe, cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ Y tế. Thời gian thẩm xét hồ sơ của các thực phẩm này là 30 ngày. Trong trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì sau 10 ngày làm việc kể từ khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ và trả lời bằng văn bản.
Theo bà Nga, thực phẩm loại thông thường nhưng nhà sản xuất công bố có tác dụng với sức khỏe thì vẫn thuộc nhóm phải kiểm soát đặc biệt. Ví dụ quả kiwi thông thường không cần kiểm soát, nếu nhà sản xuất công bố quả này chứa nhiều vitamin C có tác dụng với sức khỏe thì phải có tài liệu chứng minh hiệu quả và thuộc diện kiểm soát. “Tham khảo quy định thế giới thì thực phẩm dạng này cần phải có sự quản lý”, bà Nga nhấn mạnh.
Trả lời băn khoăn của nhiều doanh nghiệp tại cuộc họp về việc đâu là điểm mới của dự thảo lần này so với Nghị định 38, bà Trần Việt Nga khẳng định, điểm mới nhất là doanh nghiệp tự công bố mà không cần chờ giấy tiếp nhận công bố của cơ quan tiếp nhận. Bỏ bớt các thành phần hồ sơ như kế hoạch giám sát định kỳ, mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đối với sản phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời bỏ bớt hình thức cấp lại nếu không có bất kỳ sự thay đổi nào. Bên cạnh đó là sự phân cấp triệt để cho địa phương trong vấn để công bố.
Nhiều trường hợp miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu
Ban soạn thảo cũng cho biết, để tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tại dự thảo lần này, ban soạn thảo đã bổ sung thêm các trường hợp miễn kiểm tra nhà nước về ATTP đối với nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm nhập khẩu chỉ để phục vụ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ra nước ngoài, không bán cho các cơ sở khác và sản phẩm sau khi sản xuất không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Thực phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; thực phẩm chuyển khẩu, tạp nhập, tái xuất, thực phẩm là quà tặng, biếu trong định mức được miễn thuế nhập khẩu và sản phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu sau 3 lần kiểm tra liên tiếp trong vòng 12 tháng theo phương thức kiểm tra giảm…
Thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm có liên quan đên sức khỏe... đều phải kiểm soát đặc biệt
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam kiến nghị không nên để doanh nghiệp tự lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm, tự công bố mà phải do phòng kiểm nghiệm lấy mẫu trực tiếp. Doanh nghiệp nếu muốn làm ăn bậy có thể lợi dụng mua mẫu khác nộp Bộ Y tế trong khi sản xuất hàng loạt sản phẩm khác.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng thừa nhận “có doanh nghiệp nghiêm túc, nhưng không ít doanh nghiệp không nghiêm túc”…
Cải cách hành chính nhưng vẫn đăt quyền lợi sức khỏe người dân lên trước
Liên quan đến nhiều đề xuất của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng nên giảm thời gian thẩm xét của hồ sơ công bố các thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/ chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các sản phẩm thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe từ 30 ngày xuống 20 ngày, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, tinh thần của ban soạn thảo là tiếp thu và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tuy nhiên, trước mắt ban soạn thảo vẫn bảo lưu phương án thời gian 30 ngày.
“Về vấn đề này, chúng tôi sẽ lập hội đồng để xem xét cụ thể, nếu giảm được tối đa thời gian thì sẽ giảm, tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng chúng ta cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhưng những vấn đề liên quan mật thiết đến sức khỏe người dân thì cần cẩn trọng. Cái gì cách cáỉ được, rút ngắn được sẽ cố gắng đến mức tối đa, còn cái gì liên quan đến hành chính nhưng là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân thì không thể làm vội, đơn giản được”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.
Theo thứ trưởng Trương Quốc Cường không phải sản phẩm nào cũng cần công bố, tuy nhiên nếu để đơn vị chịu trách nhiệm thì rất rủi ro cho người dân bởi chúng ta có thị trường lớn, ý thức của người dân vê ATTP chưa cao, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành vê ATTP còn hạn chế. Do đó, chúng tôi lo ngại nếu chỉ hậu kiểm, phát hiện có vấn đề thì thực phẩm đã “vào bụng” hết rồi thì rất gay, cho nên vẫn có những sản phẩm chỉ cần hậu kiểm nhưng vẫn có những sản phẩm có cả hậu kiểm.
Hiện nay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, ở nước ta đang áp dụng cả hai hình thức tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan nhà nước kiểm tra giấy tờ, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố đã phù hợp chưa…, tức tiền kiểm. Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng.