Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh được lựa chọn thí điểm đón khách quốc tế theo mô hình tour du lịch trọn gói.
Từ tháng 11, du khách đến Việt Nam không phải cách ly 7 ngày
Bộ VH-TT&DL vừa trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tham gia các chương trình du lịch được thiết kế trong khu vực và các cơ sở dịch vụ được địa phương cho phép, với thời gian tối đa là 90 ngày.
Với du khách đăng ký chương trình du lịch dưới 7 ngày, sau khi nhập cảnh và xét nghiệm âm tính COVID-19, du khách được tham gia các hoạt động du lịch theo lịch trình đã được đăng ký do doanh nghiệp du lịch tổ chức. Khách tuyệt đối không được tách đoàn hoặc rời khỏi khu vực đón khách đã được bố trí. Hạn chế tiếp xúc gần với các thành viên của đoàn khách du lịch khác.
Như vậy, du khách sẽ được tham gia các hoạt động tour ngay mà không phải cách ly như trước, thay vào đó được khuyến khích tự theo dõi sức khỏe.
Với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày, sau khi được xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 7, khách có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác được phép đón khách, miễn là tour theo chương trình trọn gói, khép kín.
Đây cũng là điểm khá cởi mở cho các doanh nghiệp du lịch khi tổ chức đón khách, do nhu cầu tham quan, du lịch liên tỉnh của du khách quốc tế rất cao. Khách đến Việt Nam thường có mong muốn khám phá nhiều điểm đến trải dài đất nước.
Khách có nhu cầu thăm thân tại các địa điểm không được đón khách du lịch quốc tế cần phải có văn bản đăng ký với đơn vị tổ chức để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe.
Hướng dẫn tạm thời của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng nêu điều kiện đối với khách du lịch quốc tế. Ngoài du khách người nước ngoài còn có thêm người Việt Nam cư trú tại nước ngoài đến từ các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng của Việt Nam.
Du khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, đã tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh, hoặc có chứng nhận đã khỏi COVID-19 với thời gian từ lúc xuất viện không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh.
Du khách cũng cần có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh. Khách phải có bảo hiểm du lịch có bao gồm chi trả cho dịch bệnh COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 50.000 USD, và phải mua tour trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện Bộ Ngoại giao đang tạm thời công nhận "hộ chiếu vắc xin" của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đang trao đổi với gần 80 đối tác khác về công nhận lẫn nhau đối với "hộ chiếu vaccine". Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam mở lại hoạt động du lịch quốc tế, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan cùng phát triển.
Theo các doanh nghiệp, dù cơ sở vật chất để đón khách đã sẵn sàng nhưng chưa dám chào bán sản phẩm đến các thị trường, vì chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý. Các bước thủ tục khách nhập cảnh, công bố mẫu chứng nhận tiêm chủng hoặc "hộ chiếu vaccine" các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận và các phát sinh trong quá trình du lịch liên quan đến nhiễm COVID-19 đến nay vẫn chưa có.
Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhận định thông tin mới nhất từ Bộ VH-TT-DL đến thời điểm này là cả 4 điểm đến ở Phú Quốc, Cam Ranh, Quảng Nam, Đà Nẵng cùng thí điểm đón khách quốc tế trong tháng 11 tới là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều điểm đến khác cạnh tranh với du lịch Việt Nam như ở Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… đã, đang đón khách quốc tế trở lại.
"Thời điểm này chúng ta công bố đón khách quốc tế trở lại đã là chậm nhưng cũng khó vì phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine. Theo kế hoạch mới nhất, 4 nơi cùng thí điểm đón khách quốc tế sẽ có thêm sự lựa chọn cho du khách" - CEO của Vietravel nói.
Đơn cử, Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực mở cửa đối với du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ thông qua mô hình du lịch "Hộp cát Phuket" từ ngày 1/7. Sau 3 tháng, mô hình "Hộp cát Phuket" được đánh giá thành công khi thu hút hơn 42.000 du khách nước ngoài, được mở rộng sang đảo Samui và phần còn lại của nước này.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay đang chuẩn bị cho lộ trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở Phú Quốc. Hiện siêu quần thể nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Phú Quốc United Center được đánh giá là điểm đến khả thi để đón khách có "hộ chiếu vaccine" của Phú Quốc với hệ sinh thái du lịch - trải nghiệm - khám phá - mua sắm - lễ hội - nghệ thuật đẳng cấp quốc tế. "Cùng việc tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn trong kế hoạch triển khai du lịch "hộ chiếu vaccine" của UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ VH-TT-DL, Vinpearl đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao. Toàn bộ nhân viên phục vụ phân khúc khách này đều được bố trí "3 tại chỗ", khoanh vùng các bước sinh hoạt để bảo đảm an toàn cao nhất. Với cơ sở hạ tầng, dịch vụ - tiện ích, Vinpearl đã sẵn sàng đón khách quốc tế" - đại diện Vingroup thông tin.
Dù vậy, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (gọi tắt là Anex Vietnam, chuyên đón khách Nga), cho rằng, đối với khách thị trường ngắn ngày (3-5 đêm), nói chung là dưới một tuần, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... thì có thể đón được lượng khách nhất định. Tuy nhiên, với thị trường khách Nga hay khách nói tiếng Anh là khó.
Vị này lý giải, dòng khách Âu thường lưu trú dài ngày, khoảng 14 đêm. Tuy không bị cách ly 7 ngày nhưng khách chỉ được đi theo tour trọn gói, khép kín, không tiếp xúc với dân bản địa, không kịp tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tham quan điểm đến,... Tại Phú Quốc, chúng ta lại không có nhiều tour, sản phẩm du lịch ít ỏi như nghỉ dưỡng biển, chơi golf, vài điểm vui chơi giải trí,...
Vì thế, với Anex VIetnam, công ty xác định giai đoạn 1-2 thí điểm đón khách Nga sẽ khó khả thi vì các quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của du khách, vị này nói.
Trong khi đó, Việt Nam còn bị cạnh tranh từ nhiều điểm đến khác. Khách Nga và một số nước tại châu Âu, nếu đơn thuần chỉ tìm chỗ để tắm biển, họ có thể chọn Dubai (Ai Cập), Dominica hay một số quốc gia Nam Phi,... thời gian bay chỉ mất 5-6 tiếng (trong khi Việt Nam 9-10 tiếng), điều kiện thông thoáng hơn nhiều (chỉ cần khách xét nghiệm âm tính), không phải cách ly, đi lại thoải mái. Do đó, ông cho rằng, phải chờ đến khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn với khách quốc tế, tức là khoảng quý 2/2022, công ty mới hy vọng đón được nhiều khách Nga.
Còn theo dự báo của lãnh đạo một số công ty du lịch lữ hành quốc tế, năm 2022, khả năng phục hồi của du lịch Việt Nam là khoảng 30-40% vào năm 2022, 70% vào năm 2023 so với năm thời điểm trước khi có dịch, năm 2019.
Lộ trình đón khách quốc tế đến Việt Nam thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11 này và tiến tới sẽ mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế từ quý 2-2022.
Giai đoạn 1 từ tháng 11-2021: Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 từ tháng 1-2022: Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ.
Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày (trước mắt kết nối Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh), và có thể bổ sung một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế.
Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.