Hà Nội

Doanh nghiệp Đông Nam Bộ gấp rút khôi phục sản xuất, du lịch

28-10-2021 17:07 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Thời điểm cuối năm đang cận kề, các doanh nghiệp (DN) khu vực Đông Nam Bộ đang gấp rút triển khai nhiều mảng sản xuất, kinh doanh, liên kết du lịch vùng…, cùng với nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của chính quyền các địa phương.

Người lao động "tái hòa nhập"

Tại Bình Dương, từ khi bước vào trạng thái bình thường mới đầu tháng 10/2021, chỉ trong chưa đầy một tháng có hơn 150 DN đăng ký hoạt động trở lại, toàn tỉnh có 3.330 DN đang hoạt động với 331.585 lao động. Đây cũng là tỉnh triển khai nhiều giải pháp duy trì sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với các DN FDI có dây chuyền sản xuất ở nhiều nước trên thế giới.

Tương tự là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần một tháng thực hiện Chỉ thị 15, đã có 33 DN với hơn gần 15.000 lao động mở cửa hoạt động trở lại, nâng tổng số DN trong các KCN đang hoạt động lên hơn 300 đơn vị. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua của tỉnh vẫn đạt hơn 228.000 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp Đông Nam Bộ gấp rút khôi phục sản xuất, du lịch - Ảnh 1.

Nhiều DN tại Bình Dương đã khôi phục sản xuất nhanh chóng.

Các tỉnh trong cùng khu vực Đông Nam Bộ, như tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… cũng nhanh chóng đưa DN và người lao động trở lại sản xuất.

Tỉnh Bình Dương có 166/174 DN với 42.540 lao động mở cửa trở lại làm việc; ngoài khu vực KCN cũng có hơn 3.000 DN với hơn 56.000 lao động đã trở lại sản xuất theo hướng an toàn. Hiện có gần 100 DN ở địa phương đang cần tuyển dụng hơn 9.200 lao động để khôi phục công suất so với trước dịch.

Với tỉnh Đồng Nai, hiện tại có 400 DN thực hiện cùng lúc phương án "3 tại chỗ" với 41.306 lao động đi về hàng ngày. Và hiện đã có 1.582/1713 DN với tổng số 497.050 lao động đang hoạt động, đạt tỷ lệ 92%. Nhưng hiện vẫn còn 131 DN đang tạm ngưng hoạt động với 118.308 lao động.

Riêng với tỉnh Tây Ninh, ngay từ cuối tháng 9-2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về phương án khôi phục sản xuất kinh doanh với từng cấp độ nguy cơ của dịch. Ngay sau đó đã có 185 DN trong và ngoài nước tại KCN, khu kinh tế của tỉnh (chiếm gần 70% DN trong tỉnh) đã đăng ký khôi phục sản xuất và thu hút khoảng 56.000 lao động (chiếm trên 40%) trở lại làm việc.

Từng bước phục hồi du lịch an toàn

Mảng du lịch là một trong những nguồn khai thác bị ảnh hưởng nghiêm trọng thời gian qua, cũng đang được nhiều DN đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh cùng UBND TP Hồ Chí Minh đã hợp tác nhằm phục hồi liên kết du lịch giữa hai địa phương.

Theo đó, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh sẽ liên kết thực hiện xây dựng du lịch khép kín; thí điểm mở cửa Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen để đón khách nội tỉnh, khách từ TP Hồ Chí Minh trong "vùng xanh". Các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, làng nghề… kèm theo như đặc sản bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, muối tôm, các dịch vụ lưu trú bảo đảm an toàn sẽ từng bước phục hồi để đón khách du lịch.

Doanh nghiệp Đông Nam Bộ gấp rút khôi phục sản xuất, du lịch - Ảnh 2.

DN du lịch Tây Ninh đang liên kết với TP.HCM đẩy mạnh du lịch xanh, an toàn sau đại dịch COVID-19.

Du khách tham quan cần bảo đảm Tiêu chuẩn an toàn du lịch Tây Ninh năm 2021 như đã được tiêm ngừa COVID-19, hoặc đã phục hồi sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 không quá 12 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ….

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành và doanh nghiệp của 2 địa phương đã trình bày những khó khăn, nguyện vọng khi liên kết khởi động ngành du lịch như các quy định, chính sách về vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các quy định về tiêm ngừa, xét nghiệm âm tính với nhân viên và du khách khi đi tham quan…

Lãnh đạo UBND hai địa phương thống nhất cho rằng, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của ngành du lịch. Việc liên kết mở cửa du lịch của Tây Ninh nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung với TP Hồ Chí Minh là cơ hội, là cách để phát triển kinh tế, đặc biệt là "kinh tế xanh". Đầu tháng 11 tới, Tây Ninh sẽ mở cửa hoàn toàn như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để khởi động ngành du lịch và đón khách du lịch.

Được biết tới đây, TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ các DN lữ hành xây dựng các chương trình kích cầu du lịch kết nối TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương; hoàn thiện điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Minh Thu
Ý kiến của bạn