Ông Nguyễn Văn Sỹ (60 tuổi, ở Yên Bái) năm 2023 từng làm bảo vệ cho một công ty tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Công việc của ông khá vất vả, nhưng lương hàng tháng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng. Ông định nghỉ việc nhưng thời gian đó là cuối năm, ông Sỹ đành cố làm đến đầu năm sau để được nhận tiền thưởng Tết.
Tuy nhiên, Tết 2024 vừa qua, ông và đồng nghiệp không hề nhận được một đồng thưởng Tết nào. Ông Sỹ vẫn luôn cho rằng việc công ty không thưởng Tết cho người lao động là vi phạm pháp luật, cần bị xử phạt. Điều này có đúng hay không?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Thạc sĩ - luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 và khoản 2, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng được quy định như sau: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
"Theo quy định này, thưởng Tết cho người lao động không phải là quy định bắt buộc. Căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng Tết cho người lao động. Vì vậy, khi một doanh nghiệp nào đó không thưởng Tết cho người lao động thì không có nghĩa là doanh nghiệp đó vi phạm pháp luật", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.