Buổi tập huấn được truyền hình trực tuyến với 28 điểm cầu gồm Trung tâm Y tế (TTYT) TP Thủ Đức và các TTYT quận, huyện, Ban quản lý Các Khu Chế xuất (KCX) & Công nghiệp (Hepza) cùng một số KCN trên địa bàn. Điểm cầu trung tâm tại HCDC.
Ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ngày 5/6/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2787/ QĐ-BYT về việc hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Trung tập huấn với các điểm cầu về phương án phòng chống dịch COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp có ca bệnh. Ảnh: H.T
Hiện nay, TP.HCM đang ở những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, những người lao động vẫn tiếp tục làm việc để đảm bảo không đứt gãy sản xuất. Để đảm bảo an toàn sản xuất, phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần được hướng dẫn ngay việc bố trí mỗi khu vực sản xuất riêng lẻ từ 30-50 công nhân. Người lao động ở từng khu vực sản xuất này được xây dựng giờ vào – ra ca, giờ ăn và nghỉ trưa riêng.
Trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc COVID-19, các biện pháp phòng, chống dịch cần làm ngay gồm: Kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 đã được phê duyệt; Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN hoặc từng phân xưởng/ dây chuyền sản xuất/ tổsản xuất/ khu vực sản xuất/ vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh; Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ tại cơ sở sản xuất kinh doanh, KCN và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị, đồng thời thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định.
Buổi tập huấn được truyền hình trực tuyến với 28 điểm cầu vệ tinh. Ảnh: H.T
Doanh nghiệp yêu cầu người lao động thực hiện 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang và thực hiện rà soát toàn bộ người lao động theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót…
Mục tiêu là các doanh nghiệp chủ động triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hạn chế tối đa hậu quả của dịch bệnh đối với người lao động và doanh nghiệp trước khi có sự hỗ trợ từ ngành y tế.
Để đạt được hiệu quả, các chiến lược cần chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” chủ động phương án hậu cần, đáp ứng yêu cầu cách ly, năng lực xét ngiệm, điều trị để ứng phó kịp thời khẩn trương.
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: H.T
Tại buổi tập huấn, ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế nhấn mạnh: Ở đầu đợt dịch COIVD-19 thứ 4, một số doanh nghiệp, KCN còn lúng túng trong thực hiện những biện pháp, chưa có sự thống nhất và điều phối tốt dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp đã khắc phục được những lúng túng đó, tuy nhiên các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn, cảnh giác hơn, tuân thủ nghiêm theo đúng Quyết định 2787/ QĐ-BYT. Việc chủ động các biện pháp giúp doanh nghiệp xử lý các tình huống tốt hơn, khống chế dịch bệnh tốt hơn, đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp.
Tại buổi tập huấn, đại diện tại điểm cầu trung tâm đã trao đổi, giải đáp những vướng mắc được gửi đến từ các TTYT.