Đoàn tàu không số góp phần giải phóng Vũng Tàu và Nam Bộ

19-12-2011 08:17 | Xã hội
google news

Năm nay Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta long trọng kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển do đoàn tàu không số (Đoàn 125) chuyên chở vũ khí từ Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.

Năm nay Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta long trọng kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển do đoàn tàu không số (Đoàn 125) chuyên chở vũ khí từ Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Đây là chiến công của đoàn tàu không số và các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã tham gia vận chuyển, bốc vác và chiến đấu tại các cửa biển Quảng Ngãi, Vũng Rô, Lộc An, Bến Tre và Cà Mau đã làm nên bản anh hùng ca như một huyền thoại của thế kỷ XX.

Nhưng đoàn tàu không số lại còn tham gia chở đơn vị chúng tôi - Tiểu đoàn đặc công 407 (thuộc Quân khu 5) từ quân cảng Cam Ranh vào những ngày cuối tháng 4/1975 vào tham gia chiến đấu, đưa tù chính trị từ Côn Đảo về Vũng Tàu trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975 mà chưa được nhắc tới.

Tiểu đoàn chúng tôi là Tiểu đoàn 407 đặc công đã chiến đấu tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ năm 1968 - 1969 cho đến năm 1975 và đã tham gia giải phóng hoàn toàn tỉnh Khánh Hòa vào ngày 2/4/1975. Những ngày gần cuối tháng 4, chúng tôi được huấn luyện bắn các loại súng 12,7 ly và 14,5 ly và cối 80, 81. Chúng tôi được lệnh xuống tàu từ quân cảng Cam Ranh. Đón tiểu đoàn chúng tôi là một dãy tàu hải quân treo cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng đã neo đậu sẵn ở đó, khi xuống tàu tôi nhìn thấy trên tàu có lưới đánh cá và mùi cá còn hôi tanh, tôi liền hỏi đồng chí hải quân được đồng chí cho biết: Đây là đoàn tàu của Trung đoàn 125 Hải Quân đã từng vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam và sau đó làm nhiệm vụ đánh bắt cá trên biển miền Bắc và nay được điều vô đây chở các đồng chí vô Nam Bộ tham gia chiến đấu và tiếp quản các tỉnh Nam Bộ chưa được giải phóng.
 
 Tác giả nhận Kỷ niệm chương Sư đoàn 305 Binh chủng đặc công do Bộ Tư lệnh đặc công trao tặng cho Tiểu đoàn đặc công 407 tại TP. Nha Trang.
Đêm cuối tháng 4, đoàn tàu nhổ neo rời Cam Ranh tiến thẳng vào phương Nam. Chúng tôi được triển khai vũ khí chiến đấu trên boong tàu và sẵn sàng chờ lệnh. Tàu chạy suốt một đêm vào khoảng hơn 9 giờ sáng hôm sau chúng tôi nhìn thấy từ xa có 2 dãy núi. Lúc đó người thì bảo: Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc. Riêng Vũng Tàu thì không ai đoán ra, bởi vì chỉ huy giữ bí mật địa điểm chiến đấu. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi và mắt dõi vào đất liền mỗi lúc một rõ dần, khi tàu chạy gần đất liền, chúng tôi nhìn thấy trên dãy núi có 2 dàn rađa như 2 búp sen (bây giờ trên núi Lớn của Vũng Tàu). Tàu chạy bọc qua dãy núi và gần tới bờ (nay là quân cảng Cát Lở) thì được lệnh nổ súng. Tất cả các súng 12,7 ly và 14,5 ly, đạn cối 80, 81, B40, B41 và súng AK đều nổ vang rền nhắm vào quân cảng hải quân Ngụy ở Cát Lở - Vũng Tàu. Các tàu nhanh chóng cập bến cảng và chúng tôi cầm súng AK nhảy lên cảng và đánh chiếm giữ cảng Cát Lở. Lúc đó bọn lính ngụy bỏ súng giơ tay đầu hàng và bị chúng tôi bắt làm tù binh. Ngoài đường bộ ầm ầm tiếng xe tăng, xe chở quân ta tiến từ hướng Bà Rịa về giải phóng Vũng Tàu.
 
Trưa 30/4/1975, qua rađiô chúng tôi biết Sài Gòn và cả miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi ôm nhau vui mừng rơi nước mắt, nhiều loạt đạn đã được đơn vị bắn lên bầu trời mừng chiến thắng tại quân cảng Vũng Tàu. Đêm hôm ấy chúng tôi bắn pháo hoa đem từ Cam Ranh vào làm cho góc trời Cát Lở rực rỡ pháo hoa mừng chiến thắng. Ngay sáng hôm sau những con tàu Đoàn 125 chở chúng tôi lại nhổ neo vượt biển ra Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu chở tù chính trị của ta về giao cho đất liền tại Vũng Tàu. Côn Đảo đã tự giải phóng, tàu đơn vị chúng tôi đón những người tù chính trị từ Côn Đảo trở về, trong đó có anh Lê Quang Vịnh và Lê Hồng Tư cùng rất nhiều tù chính trị gầy ốm, da bọc xương, họ ôm chúng tôi sung sướng trào nước mắt. Tàu đơn vị chúng tôi đã đưa những người tù này về Vũng Tàu. Tôi còn nhớ, những người tù của ta được trang bị bộ quần áo bà ba đen và đeo huân chương chiến thắng trên ngực ngồi chật kín cả boong tàu để đoàn tàu và chúng tôi bảo vệ đưa họ về Vũng Tàu giao cho các địa phương đến nhận và đưa về gia đình.

Trên đất liền, Ủy ban Quân quản Vũng Tàu đã tổ chức nhân dân đứng chật ở cầu cảng tay cầm cờ, hoa tươi cười đón “những người con chiến thắng trở về”. Băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa rợp Vũng Tàu trong gần 1 tuần mới đưa hết các tù chính trị của ta về đất liền từ địa ngực trần gian Côn Đảo và Phú Quốc.

Sáng ngày 6/5/1975, đoàn tàu không số lại nhổ neo đưa tiểu đoàn tôi ngược sông Sài Gòn và đến gần trưa thì dừng lại Cát Lái là trung tâm huấn luyện người nhái của Mỹ - Nngụy.

Đêm ngày 6/5, chúng tôi ở Cát Lái, đến sáng ngày 7/5/1975 đoàn tàu lại nhổ neo tiến về tổng kho xăng dầu Nhà Bè dừng lại đó. Và được chỉ huy ra mệnh lệnh, tiểu đoàn ta cùng với lực lượng hải quân tham gia diễu binh trên sông Sài Gòn sáng 7/5/1975 để chào mừng Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định ra mắt nhân dân do Thượng tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch. Qua rađiô, chúng tôi được biết ngày hôm đó đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng bay từ Hà Nội vào dự cuộc mít tinh lớn tại Dinh Độc Lập. Đứng trên boong tàu ngắm thành phố Sài Gòn to lớn và tôi đếm có tất cả 16 tàu hải quân của ta đã tham gia diễu binh chạy đi chạy lại mười mấy vòng trên sông Sài Gòn hòa cùng các đoàn quân ta trên đất liền diễu binh mừng Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định ra mắt nhân dân.

 Một tàu không số trên biển Đông.

Chiều ngày 7/5/1975, đoàn tàu không số lại rời sông Sài Gòn ra cửa biển Vũng Tàu đưa tiểu đoàn chúng tôi đi ngược dòng sông Cửu Long về Bến Tre, Tiền Giang và tiếp quản cảng Đồng Tấm (Mỹ Tho) ăn mừng chiến thắng 3 ngày 14, 15, 16/5/1975. Sau khi ăn mừng chiến thắng thì bọn Pônpốt Campuchia xâm lược Việt Nam, và đoàn tàu không số lại đưa tiểu đoàn tôi chở toàn bộ trung đoàn. Đồng Tháp từ Mỹ Tho ngược sông Cửu Long lên rải quân chiến đấu tại biên giới 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang để chống lại bọn xâm lược Pônpốt Campuchia.

Cho mãi đến tháng 8/1975, đoàn tàu 125 mới đưa Tiểu đoàn 407 đặc công anh hùng của chúng tôi quay về cảng Vũng Tàu để tiếp xăng dầu và lương thực, thực phẩm, vượt biển quay lại quân cảng Cam Ranh để làm quân cảnh tại Nha Trang và Cam Ranh và đã kết thúc 4 tháng tham gia chiến đấu, tiếp quản chở tù chính trị từ Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu về Vũng Tàu và chiến đấu giữ biên giới Việt Nam - Campuchia.

Những ngày tháng ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công 407, chúng tôi đã được đoàn tàu không số 125 chở đi tham gia chiến đấu, tiếp quản, và chở tù chính trị của ta về đất liền Vũng Tàu như thế ở vùng đất Nam Bộ của Tổ quốc thân yêu. Đoàn tàu không số 125 anh hùng không những chỉ chở vũ khí cung cấp cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ mà còn chở đơn vị chúng tôi tham gia chiến đấu và tiếp quản Vũng Tàu, Côn Đảo, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Những ngày tháng “không thể nào quên” đối với các cựu chiến binh của Tiểu đoàn đặc công 407 (Quân khu 5) anh hùng của chúng tôi.

  Nguyễn Văn Sáu (CCB phường 8 - TP. Vũng Tàu)


Ý kiến của bạn