Hà Nội

Đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tại Philippines

21-10-2024 18:33 | Y tế

SKĐS - Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự kỳ họp lần thứ 75 khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (RCM75), tổ chức từ ngày 21/10 – 25/10/2024 tại Manila, Philippines.

Tại kỳ họp lần này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã được bầu là Phó Chủ tịch Cuộc họp, đồng chủ trì cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Cook Island.

Sáng 21/10, TS. Saia Ma'u Piukala - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có bài phát biểu và báo cáo về công việc của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 7/2023 – 6/2024.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tại Philippines 
- Ảnh 1.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp ngày 21/10, WHO đã xác nhận và trao cho Việt Nam Giấy Chứng nhận về loại trừ bệnh đau mắt hột sau nhiều thập kỷ hành động và hợp tác đồng bộ trong toàn ngành y tế. Trong ảnh: PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận Giấy Chứng nhận từ TS Saia Ma'u Piukala.

Sau báo cáo của Giám đốc WHO khu vực, Việt Nam có bài phát biểu đánh giá cao báo cáo của Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về công việc của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương từ tháng 7/2021-6/2022. Việt Nam chúc mừng TS Saia Ma'u Piukala về Báo cáo đầu tiên của ông gửi đến Ủy ban khu vực với tư cách là Giám đốc khu vực và cảm ơn ông vì những công việc ông đã làm cho đến nay.

Đại diện Việt Nam chia sẻ, gần đây, miền Bắc Việt Nam đã hứng chịu cơn bão số 3 (bão Yagi), cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Cơn bão này là một lời nhắc nhở thêm về tính cấp thiết của việc xây dựng một hệ thống y tế bền vững, ít phát thải carbon và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Việt Nam rất tự hào vì đã tham gia Liên minh Hành động Chuyển đổi về Khí hậu và Sức khỏe (ATACH).

Báo cáo của Giám đốc Khu vực đã phản ánh các lĩnh vực ưu tiên khác của Việt Nam, bao gồm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để tiến tới Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Một ưu tiên khác của Việt Nam là đưa tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trở lại mức cao như trước đây.

Việt Nam rất tự hào vì trang bìa của Báo cáo của Giám đốc Khu vực có hình ảnh một đứa trẻ ở một tỉnh miền núi của Việt Nam, gần một chương trình tiếp cận vaccine. Các cơ quan y tế Việt Nam đã và đang nỗ lực rất nhiều, với sự hỗ trợ của WHO và các nhân viên y tế địa phương tận tụy, để đảm bảo tiêm vaccine thường xuyên cho trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi miền đất nước. Như trong dự thảo tài liệu Tầm nhìn khu vực, việc đạt được kết quả sức khỏe tốt hơn trong các ưu tiên đòi hỏi phải có hành động chung của khu vực ở mọi cấp độ.

Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng một tương lai khỏe mạnh và an toàn hơn, dựa vào khả năng phục hồi của người dân và sự đoàn kết lâu dài với WHO và các quốc gia khác trong Khu vực. Nhân dịp này, Việt Nam đã cám ơn sự hỗ trợ tận tụy của WHO đối với Việt Nam nói riêng và Khu vực tây Thái Bình Dương nói chung.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tại Philippines 
- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp.

Đặc biệt tại Phiên khai mạc Kỳ họp ngày 21/10, WHO đã xác nhận và trao cho Việt Nam Giấy Chứng nhận về loại trừ bệnh đau mắt hột sau nhiều thập kỷ hành động và hợp tác đồng bộ trong toàn ngành y tế.

Việt Nam đã thành công trong việc loại trừ bệnh đau mắt hột, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong những nỗ lực liên tục của đất nước nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa tình trạng mù lòa do căn bệnh có thể phòng ngừa này.

TS Saia Ma'u Piukala - Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đã ca ngợi thành tựu này của Việt Nam và nêu rõ đây là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước: "Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân".

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam rất tự hào vì đã loại trừ được bệnh mắt hột. Những nỗ lực của nhiều cơ quan và cộng đồng, với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức đối tác, đã cứu hàng nghìn người khỏi bị mù suốt đời và gặp bất lợi về kinh tế. Trẻ em Việt Nam giờ đây có thể lớn lên an toàn trước căn bệnh nhiễm trùng đau đớn và có khả năng gây mù lòa này. Đây là một thành tựu tuyệt vời đối với người dân của Việt Nam và sẽ mang lại lợi ích trong nhiều thập kỷ tới.

Chiều cùng ngày 21/10, WHO đã tổ chức Phiên thảo luận về chủ đề Cơ sở y tế chống chịu với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương được mời là một trong ba diễn giả chính cùng Bộ trưởng Y tế Fiji và Thứ trưởng Bộ Y tế Lào.

Mục đích Phiên thảo luận nhằm nêu bật và chia sẻ các ví dụ và kinh nghiệm tích cực trong việc triển khai các cơ sở chăm sóc sức khỏe bền vững và thích ứng với khí hậu (CRESHCF) và những hiệu quả tích cực của việc tham gia ATACH.

Với hơn 3.200 km bờ biển và nhiều thành phố trũng và vùng núi, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, các sự kiện khí hậu cực đoan đã xảy ra với cường độ và tần suất lớn hơn ở Việt Nam. Vào ngày 7/9, bão số 3 (bão Yagi), cơn bão mạnh nhất của Việt Nam trong 30 năm qua, đã tấn công miền bắc đất nước với sức gió mạnh và nhiều ngày mưa lớn, gây ra lũ lụt và lở đất tàn phá.

Đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tại Philippines 
- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp 75 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila, Philippines.

Sức tàn phá của cơn bão này đã mang đến những thách thức to lớn cho hàng nghìn gia đình và cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã chia sẻ những hành động chính và giải pháp thực tế trong việc cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường mà Việt Nam đã áp dụng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Trong nhiều năm, Bộ Y tế đã hợp tác với WHO để xây dựng thí điểm các mô hình cơ sở y tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại ba cơ sở chăm sóc sức khỏe. Việt Nam sẽ sử dụng các bài học kinh nghiệm từ các mô hình này để xây dựng các hướng dẫn triển khai nhân rộng trên toàn quốc

Tối 21/10, tại buổi tiệc chiêu đãi các quốc gia thành viên do TS Saia, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương chủ trì, đoàn đại biểu Việt Nam đã biểu diễn bài hát 'Việt Nam ơi' của tác giả Bùi Quang Minh.

Bài hát thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, sự tự hào về đất nước hình chữ S của toàn thể dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ nơi đồi núi đến những đồng bằng đến cả những hải đảo xa xôi. Đây là một trong những bài hát về đất nước đầy cảm xúc, truyền tải thông điệp yêu nước sâu sắc.

Tuy khác nhau về vị trí địa lí cũng như dân tộc, nhưng đồng bào 54 dân tộc của Việt Nam nguyện chung tay cho đất nước ngày càng tốt đẹp và vững mạnh hơn với lòng tự hào yêu nước.

Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ Manila, Philippines
Ý kiến của bạn