Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang

06-06-2024 17:23 | Y tế

SKĐS - Ngày 6/6, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương đến kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 làm trưởng đoàn.

Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang- Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 làm trưởng đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 38 về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới tại Tiền Giang.

Tham gia đoàn công tác có Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Đức Hòa; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam...

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Châu Thị Mỹ Phương; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Sở Y tế, BHXH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh…

Người tham gia BHYT tăng, mạng lưới khám chữa bệnh BHYT được mở rộng

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức ngành BHXH tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị 38.

Song song đó, ngành y tế tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trong đó có bệnh nhân có thẻ BHYT. Qua đó, số người tham gia BHYT ngày càng tăng qua các năm.

Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang- Ảnh 2.

Các đại biểu buổi làm việc.

Nếu năm 2009 có 646.783 người tham gia BHYT, đạt 39% dân số thì đến năm 2018 có 1.470.696 người tham gia BHYT, đạt 83%, vượt 1,7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Đến tháng 5/2024 có 1.690.855 người tham gia BHYT, đạt 94,4%, vượt 0,65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38, nhiều chế độ, chính sách về BHYT đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho người tham gia, riêng Tiền Giang tính đến cuối năm 2023 có 2 nhóm người tham gia chiếm tỷ lệ cao là: Nhóm người được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng (chiếm 45,03% bao phủ BHYT) và nhóm người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm 37,24% bao phủ BHYT)...

Mạng lưới khám chữa bệnh BHYT được mở rộng, bao gồm cả cơ sở khám chữa bệnh tư nhân gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống thông tin giám định BHYT.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề đối với công tác phát triển BHYT và công tác khám, chữa bệnh BHYT;

Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang- Ảnh 3.

Phó Tổng BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đã quan tâm thảo luận về những khó khăn trong thực hiện Chỉ thị 38; những nội dung trong Chỉ thị 38 đến nay còn phù hợp, có cần sửa đổi hay ban hành chỉ thị mới để phù hợp với tình hình thực tế; vấn đề cung ứng thuốc, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; khó khăn trong thanh quyết toán trong khám chữa bệnh BHYT; điều chỉnh giấy phép hoạt động của các đơn vị công lập; khó khăn trong chính sách liên quan đến giá chuyển tuyến; kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề nợ đóng BHYT; kinh nghiệm trong thu hút người dân khám chữa bệnh tuyến cơ sở…

Lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng đã phân tích, làm rõ những vấn đề đoàn công tác đặt ra. Đồng thời, cho biết một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Chỉ thị 38; qua đó đề xuất đoàn công tác quan tâm có ý kiến với các bộ, ngành trung ương sớm tháo gỡ những điểm vướng từ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tiền Giang thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHYT trong thời gian tới.

6 giải pháp, nhiệm vụ triển khai công tác BHYT trong thời gian tới

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, GS.TS Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang trong triển khai thực hiện Chỉ thị 38 trong 15 năm qua.

Qua những số liệu cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BHYT tại Tiền Giang.

Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang- Ảnh 4.

Ông Bùi Ngọc Quý - Vụ trưởng Vụ Văn xã, Ban Tuyên Giáo Trung ương phát biểu.

Theo đoàn công tác, báo cáo tổng kết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã đánh giá đúng thực trạng của công tác BHYT tại địa phương, có đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân tồn tại, hạn chế; các ý kiến phát biểu của các ban, sở, ngành và các đơn vị cũng đã làm rõ và đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phát triển BHYT trong thời gian tới.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác BHYT trong thời gian tới, GS.TS Trần Văn Thuấn cho hay, Tiền Giang cần tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về BHYT, BHXH và an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đưa các chỉ tiêu về BHYT vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác BHYT và BHXH.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, sự cần thiết và tầm quan trọng của BHYT trong nhiệm vụ bảo vệ, sức khỏe nhân dân và chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đặc biệt là những đối tượng thiếu tính bền vững, những đối tượng chính sách, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, học sinh, sinh viên.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong công tác BHYT, phát huy vai trò tham mưu của Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về BHYT, triển khai các giải pháp phát triển bao phủ BHYT, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tồn đọng trong công tác BHYT.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BHYT, trốn đóng, để nợ đọng đóng BHYT và lạm dụng, trục lợi BHYT.

Đoàn công tác Trung ương kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 38 về BHYT của Ban Bí thư tại Tiền Giang- Ảnh 5.

Đại diện tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 38 tại buổi làm việc.

Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở khám chữa bệnh.

Năm là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong đó có khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khám chữa bệnh và giám định BHYT, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh và hưởng lợi từ BHYT.

Sáu là, tăng cường các giải pháp quản lý quỹ BHYT, thực hiện việc thu chi cân đối kinh phí theo đúng quy định

Tại buổi làm việc GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của tỉnh Tiền Giang về công tác BHYT, và sẽ có ý kiến đối với các đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp trong giai đoạn mới...

Hơn 93% dân số có BHYT, quyền lợi người tham gia mở rộng, số chi khám chữa bệnh tăng thế nào?Hơn 93% dân số có BHYT, quyền lợi người tham gia mở rộng, số chi khám chữa bệnh tăng thế nào?

SKĐS - Sau 15 triển khai thực hiện chính sách BHYT ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt đã nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay hơn 93%, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh nâng lên; tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng cao, khảo sát cả nước trên 91%...

Thái Bình/ Ảnh: Thu Hoài
Ý kiến của bạn