Hà Nội

Dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân - Nước cờ khôn ngoan của Iran?

18-08-2017 11:59 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sự kiện Triều Tiên dọa đánh bom Mỹ đang “làm mưa làm gió” gây không ít chao đảo cho chính trường thế giới,

trong khi đó, ở Trung Đông, Iran đang  âm thầm quan sát và học hỏi đường đi nước bước của Bình Nhưỡng - một đất nước cũng nhỏ bé như Iran và cùng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đã làm nhiều “ông lớn” của thế giới không thể xem thường.

Hạt nhân - lá bài duy nhất của Iran

Trong khi cả thế giới đang hướng về châu Á với những điểm nóng như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ hay “quả bom hẹn giờ” của cuộc chiến tranh Mỹ - Triều Tiên có thể phát nổ bất cứ lúc nào… thì một đốm lửa nhỏ đang được nhen lên ở khu vực Trung Đông. Iran bất ngờ tuyên bố có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc trong vài giờ nếu Mỹ áp đặt thêm bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Iran.Cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran.

Cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran.

Đáp lại tuyên bố này, Mỹ cho rằng Iran không được phép sử dụng thỏa thuận hạt nhân để làm vật thế chấp với cả thế giới, nước này không thể chơi trò “con tin” ở đây… Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc - bà Nikki Haley cho biết, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran không có liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Bởi Iran bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt với các cáo buộc “phóng tên lửa, tài trợ khủng bố, không tôn trọng nhân quyền và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, nếu Mỹ muốn “trở lại với quá khứ”, tức là áp đặt lệnh trừng phạt, Iran chắc chắn chỉ mất một thời gian ngắn, không phải 1 tuần mà chỉ vài giờ để khởi động lại chương trình hạt nhân với các điều kiện còn tối tân hơn lúc mới bắt đầu đàm phán.

Như vậy có thể nói, một mặt Iran ký thỏa thuận từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng mặt khác nước này vẫn âm thầm nghiên cứu, cập nhật để bất cứ khi nào thấy cần thiết là “biến” nó trở thành “con bài” để mặc cả với thế giới và cũng là để “bảo vệ” đất nước Iran.

Iran được lợi gì khi khơi mào lại chương trình hạt nhân?

Nhiều người đặt câu hỏi, có phải Iran giờ đây như “con giun xéo lắm cũng quằn” hay nước này đang âm thầm hướng tới một mục tiêu nào khác? Khả năng thứ 2 dễ xảy ra hơn, bởi giờ đây, sau hàng năm trời đàm phán, các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt không được dỡ bỏ như đã hứa mà ngược lại, nó ngày càng chồng chất. Điều này khiến Iran muốn đổi kế sách, có thể tạo ra một liên minh bền chặt hơn với các nước có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ, phá bỏ thế giới đơn cực mà Mỹ dày công gây dựng. Trên trường quốc tế  xuất hiện những đối thủ mới với những liên minh mới. Liên minh với Nga hay hợp tác với Triều Tiên không chỉ có lợi ích chính trị, ngoại giao mà còn tạo ra các liên kết quân sự, tài chính đối phó với Mỹ và phương Tây.

Tehran đã âm thầm quan sát Triều Tiên và những phản ứng của các nước phương Tây, từ đó, quốc gia Trung Đông này học cách chơi cứng rắn với Mỹ giống cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra ở Triều Tiên? Hãng thông tấn của Iran (FARS) lập luận, nói về các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gây nguy hiểm cho thế giới thì chỉ có Mỹ. Lịch sử vẫn ghi nhận Mỹ là quốc gia duy nhất từng ném bom hạt nhân.

Sau những gì Bình Nhưỡng làm được đã truyền đi một “thông điệp” tới người bạn Iran rằng, hãy sử dụng hạt nhân như một thứ “vũ khí” của mình. Trong thời điểm nhạy cảm này, các hoạt động như quan chức thứ 2 của Triều Tiên đến Iran hay Bình Nhưỡng mở một đại sứ quán ở Tehran khiến dư luận đồn đoán về việc 2 nước này “bắt tay” nhau nhằm đối phó với Mỹ và các nước phương Tây. Dù là cái tên Triều Tiên hay Iran,  các nước phương Tây đã và đang phải xem xét lại, chính sự thất bại trong chính sách để giải quyết vấn đề hạt nhân đã để lại hậu quả lâu dài.  Mỹ và các nước phương Tây không phải dập đi hiểm họa hạt nhân mà đang “nhóm lên” tham vọng hạt nhân có sẵn ở Triều Tiên, Iran. Điều chắc chắn rằng, trong tương lai, trên bàn thương lượng về hạt nhân của Triều Tiên, Iran sẽ là một sự hiện diện vô hình nhưng có ảnh hưởng mạnh tới đàm phán.


Hải Yến
Ý kiến của bạn