Hà Nội

Đóa sen hồng giữa núi rừng Tây Bắc

09-09-2019 09:23 | Y tế
google news

SKĐS - Xã hội phát triển, nhu cầu chăm sóc ngày càng được hoàn thiện và nâng cao hơn.

Chính vì vậy, công việc điều dưỡng tại các bệnh viện rất được chú trọng và quan tâm. Bởi bác sĩ có thành công là nhờ vào sự chăm sóc của điều dưỡng. Họ là những người tiếp xúc với người bệnh nhiều hơn bác sĩ.

Điều dưỡng là người luôn kiên trì lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của người bệnh. Họ còn được ví như những người mẹ trong gia đình bởi chính sự chăm sóc nhiệt tình và chu đáo. Đại diện cho những tấm lòng cao cả đó có điều dưỡng Lại Thị Thắng - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp y đức

Tốt nghiệp Trường cao đẳng y tế Nam Định chuyên ngành điều dưỡng năm 1986, Lại Thị Thắng được phân công công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Tuy môi trường làm việc rất tốt, có nhiều phương tiện hiện đại và tiên tiến, được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh để nâng cao trình độ chuyên môn song cô lại có nguyện vọng được trở về Bệnh viện huyện Điện Biên. Nơi đây chủ yếu tập trung những người bệnh nghèo và những người bệnh thuộc vùng dân tộc thiểu số. Thêm một lý do nữa là cô có người cha từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạm biệt miền quê Phú Thọ, ông đã cùng đồng đội của mình chiến đấu để góp phần vào chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chiến tranh kết thúc, ông gặp cô công nhân nông trường. Để rồi tình yêu của họ đơm hoa kết trái, cùng nhau gắn bó với núi rừng Điện Biên cho đến bây giờ.

Không chỉ tận tâm, chu đáo với người bệnh, điều dưỡng Lại Thị Thắng còn chắt chiu đồng lương ít ỏi của mình để làm việc thiện nguyện.

Không chỉ tận tâm, chu đáo với người bệnh, điều dưỡng Lại Thị Thắng còn chắt chiu đồng lương ít ỏi của mình để làm việc thiện nguyện.

Đến năm 1988, cô được điều về Bệnh viện huyện Điện Biên (nay là Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên) như mong ước, được phân công làm ở Khoa Nhi. Trong lòng cô không khỏi lo lắng bởi đặc thù công việc của Khoa Nhi. Đối tượng chăm sóc là các bệnh nhi, nên sẽ rất khó khăn khi không hiểu được tâm lý của trẻ. Chúng không phải người lớn mà biết đau thì kêu, thấy khác trong người thì báo. Hai nữa bản thân cô tại thời điểm đó cũng chưa có em bé. Đó quả thực là một thử thách lớn đối với cô.

Nhưng mỗi ngày đến khoa nhìn thấy những ánh mắt long lanh của trẻ, cô lại thấy yêu trẻ từ khi nào không hay. Cô tìm các tài liệu về tâm lý trẻ, cách chăm sóc trẻ như thế nào. Và cô bắt đầu học hỏi các thế hệ anh chị đi trước về chuyên môn, tiếp cận các bé để tạo sự gần gũi. Khi các bé sốt cao dùng thuốc hạ nhiệt chưa đáp ứng, tự tay cô lấy khăn ấm chườm cho bé đến khi hạ sốt thì thôi. Tuy trước đó cô có hướng dẫn cho các bà mẹ, nhưng bản tính chu đáo khiến cô không yên tâm. Ở khoa của cô còn có những trẻ sinh non tháng. Điển hình nhất là có bé Lò Văn Muôn, bản Vạt Xã -  Mường Luôn, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Bé là con của một người mẹ dân tộc Thái. Gia đình có 8 người con, bé được sinh ra trong lúc mẹ đang đi rẫy khi mới 32 tuần tuổi, nặng 1,9kg. Bé được nuôi trong lồng kính, được chăm sóc và theo dõi rất sát, cứ mỗi lần cho bé ăn cô phải kiểm tra rất cẩn thận. Từ nhiệt độ nước đến tỷ lệ pha sữa tự tay cô làm hết. Cô vừa cho ăn, vừa nựng bé: “Ăn đi con, ăn để nhanh lớn. Để khỏe mạnh về với gia đình con nhé!”. Bé Muôn dưới vòng tay chăm sóc của cô và đồng nghiệp lớn lên mỗi ngày. Khi các bác sĩ thăm khám thấy phản xạ mút bú tốt, sau một tháng bé tăng 1,1kg nên cho cháu xuất viện. Khi cô bế bé để tạm biệt, bàn tay của bé nắm chặt tay cô như một phản xạ có điều kiện. Sau này bé Muôn cũng như những bé khác mỗi khi đến viện kiểm tra trông thấy cô, nó cứ ríu rít không có vẻ gì là lạ lẫm và sợ hãi.

Và rồi chính tình yêu lớn đó của cô với trẻ đã giúp cô có được tình yêu bé nhỏ của riêng mình sau bao năm chờ đợi. Hạnh phúc là thế nhưng cô vẫn không quên nhiệm vụ. Cô càng yêu trẻ nhiều hơn. Khi cô mang thai những tháng đầu tiên, bác sĩ dặn cô phải tránh những căn bệnh truyền nhiễm. Nhưng đêm trực thấy có trẻ khó chịu không ngủ được, mũi khụt khịt vì bị cúm trong khi người mẹ không dỗ được con ngưng khóc, cô đã bế bé lên vỗ về. Và cứ thế bé thiêm thiếp ngủ trong vòng tay cô. Có những khi trời lạnh, thấy có trẻ chỉ mặc đồ mỏng manh, cô hiểu vì sao chúng cứ bị bệnh viêm phổi tái đi tái lại mãi không khỏi. Cô thương chúng liền lấy quần áo của con mình mang ra viện mặc cho. Bọn trẻ nhìn thấy cô đứa nào cũng quấn quýt kể cả lúc cô mặc áo blu trắng cũng như cô mặc áo thường. Rồi rất nhiều lần cô phải chuyển những bệnh nhi nặng từ Điện Biên xuống Viện Nhi Trung ương. Con đường ngày trước đâu có đẹp và thuận lợi như bây giờ. Đường đi khúc khuỷu đèo cao, phải mất một ngày một đêm mới đến nơi. Cô thường thay người mẹ bế trẻ trong lòng. Vì tình trạng của những bệnh nhi này thường rất nặng nên phải vừa ôm bé, vừa bóp bóng không ngừng tay lúc nào. Có những lúc đi như thế mà ở nhà con cô sốt cao, cô chỉ kịp hướng dẫn chồng cho con uống thuốc và chườm ấm cho con mình. Bàn giao bệnh nhi xong cô lại vội vàng lên xe trở về với con của mình. Trên đường về mặc dù rất lo lắng cho con ở nhà nhưng cô không ngừng cầu nguyện cho trẻ được bình an.

Sự tận tâm đã khiến cô được bổ nhiệm làm điều dưỡng trưởng trong suốt 20 năm. Cô đem những kinh nghiệm đúc rút được giảng dạy cho sinh viên Trường Y tế của tỉnh Điện Biên. Cô cùng các điều dưỡng trưởng tham gia bảo vệ đề tài nghiên cứu về chăm sóc toàn diện của 6 tỉnh phía Bắc tại Trường cao đẳng Y tế Hải Dương vào năm 2004. Và cô cũng là Chiến sĩ thi đua năm đó; Cùng theo đó là Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên năm 2003;  Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế trao tặng năm 2008; Giấy khen của Sở Y tế Điện Biên năm 2001, 2002, 2005...

Năm 2009, người điều dưỡng tận tâm ấy phải đón nhận 2 nỗi đau lớn của cuộc đời, chồng và mẹ chồng không còn. Một mình cô phải đứng vững để chăm lo cho 2 con. Cô sợ mình không thể chuyên tâm chăm sóc trẻ nên đã quyết định xin thuyên chuyển công tác. Chia tay với trẻ cô không nỡ, cô sẽ rất nhớ chúng. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên cô phải xin chuyển khoa khác. Ở Khoa Nội tổng hợp cô vẫn giữ đức ân cần chăm sóc người bệnh, luôn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ. Có những người bệnh bị hen phế quản hoặc nằm lâu ứ đọng đờm rãi, cô thường xuyên vỗ rung và hướng dẫn người nhà vỗ rung cho người bệnh. Chính vì thế, kết quả điều trị rất khả quan. Cũng như ở Khoa Nhi, nơi đây, người bệnh luôn coi cô như một thành viên trong gia đình.

Chăm sóc người bệnh ở Khoa Nội tổng hợp một thời gian, nhận thấy người bệnh mắc những căn bệnh truyền nhiễm rất cần được chăm sóc cẩn thận và chu đáo, cô quyết định xin chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Cô không nề hà bất cứ một công việc nào từ những căn bệnh lây nhiễm đến những căn bệnh xã hội. Cô làm tất cả vì cái tâm luôn cảm thông và chia sẻ với người bệnh. Cô luôn bám sát tình trạng tiến triển bệnh tật của người bệnh để báo cho bác sĩ, nhờ đó mà các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán và hướng điều trị kịp thời, chính xác.

Lặng lẽ tỏa hương thơm cho đời

20 năm gắn bó với trẻ biết bao nhiêu kỷ niệm vui cũng có, buồn cũng có nó luôn  hằn sâu trong tâm trí và trái tim của cô. Đó là hình ảnh một em bé dân tộc mới được sinh ra nhưng chẳng may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, không qua khỏi. Bố mẹ bé có 11 người con nên không nhận cháu về. Hoặc hình ảnh người mẹ đi chăm con không có tiền ăn. Những cảnh đời đó khiến cô day dứt. Và cô nghĩ có lẽ mình nên làm một cái gì đó. Cô bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Mỗi tháng cô để ra 200 nghìn đồng mua phiếu ăn phát cho những người bệnh khó khăn. Khi đó lương chính của cô được khoảng hơn 2 triệu. Chồng mất, nguồn lao động chính của gia đình không còn. Mẹ chồng mất, chỗ dựa cũng không có. 3 mẹ con chỉ dựa đồng lương ít ỏi của cô để sống. Số tiền cô bỏ ra cũng đủ nuôi sống mẹ con cô 1 tuần nếu tiết kiệm. Nhiều bữa mẹ con cô chỉ ăn cơm và rau nhưng cô chưa bao giờ nghĩ là sẽ không tiếp tục giúp người bệnh nữa. Bởi cô vẫn nghĩ rằng mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Lúc đầu sợ mọi người không biết, cô đến từng khoa nhờ mọi người thông báo giúp. Thấy cô như vậy, người thì rất đồng tình, có người thì cho là cô... hâm dở. Họ nói cô: “ốc còn không nổi mình ốc...”. Những điều đó không làm cô nản lòng. Điều cô quan tâm là người bệnh nghèo có biết tìm đến cô không? Lòng tốt đôi khi cũng bị nghi ngờ, nên lúc đầu mọi người còn e dè. Sau đó thì cô được sự ủng hộ và cả một số đồng nghiệp giúp đỡ. Những xuất ăn tình nghĩa đó đã được đến tận tay những người cần nó.

Tết đến, cô lại tự tay làm bánh chưng tặng cho những người bệnh ở lại. Năm nào cũng vậy, cô cũng xin trực 30 Tết để sáng mồng 1 cùng gia đình phát bánh chưng cho người bệnh. Cô nhìn 2 con của mình, nó cũng hào hứng khi giúp mẹ làm bánh Tết cho người bệnh. Lúc đó cô cảm thấy hạnh phúc trào dâng.

Không chỉ với người bệnh, với đồng nghiệp cô cũng sống rất chan hòa. Đặc biệt đối với các bác sĩ trẻ mới đi làm cô luôn nhiệt tình giúp đỡ. BS. Đỗ Như Quỳnh đã từng là đồng nghiệp của cô cho biết: “Cô Thắng là người nhiệt tình và sống rất có tâm. Luôn giúp đỡ mọi người bằng tất cả tấm lòng của mình”.

Từ năm 2009 cho đến bây giờ, công việc thiện nguyện đó được làm đều đều. Tuy hiện nay bệnh viện có phòng công tác xã hội, nhưng cô cho rằng: “Việc mình làm thì mình cứ làm thôi, tôi đi theo Phật nên tạo được nhiều duyên thì sẽ mang lại nhiều phước lành”. Rất nhiều người bệnh đã không thể quên được từng cái phiếu ăn miễn phí nhận được từ bàn tay ân cần của cô. Người nọ truyền tai người kia, ai cũng biết và yêu mến cô.

Là người khiêm tốn nên phải khó khăn lắm cô mới hợp tác để tôi viết bài. Vì cô nghĩ đó là những việc làm hết đỗi bình thường ai cũng có thể làm được. Vâng, mỗi người có cách thể hiện tình yêu thương khác nhau nhưng tất cả đều phải xuất phát từ trái tim. Bản thân cô nghĩ mình chưa làm được gì nhiều cả. Có nhiều người còn làm được nhiều việc lớn lao hơn cô. Cô thì nghĩ như vậy, còn người bệnh họ nói gì? Ông Giàng A Lý (bản Phú Hồng - Phú Nhi, huyện Điện Biên Đông) là người bệnh năm nào cũng ở lại ăn Tết bệnh viện vì bị bệnh suy tim, nói: “ Chẳng năm nào già được đón Tết ở nhà vì bệnh tật, nhưng năm nào già cũng có cái bánh chưng của chị Thắng ấm cái bụng lắm, vui lắm”.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Hành động thiện nguyện của cô giống nhưng những cánh sen hồng lan tỏa những mùi hương thơm nhẹ nhàng giữa núi rừng Tây Bắc. Giản dị vậy thôi, nhưng ít ai có thể làm được những điều như vậy trong những thời điểm chính bản thân mình cũng vô vàn khó khăn. Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, người điều dưỡng có trái tim nhân hậu đó sẽ chia tay với nghề y. Sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, khi về hưu cô lại mong muốn đến với nơi cửa Phật với hy vọng tìm được sự bình yên và an nhiên khi về già.


Dương Thị Xuân Hương (Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc)
Ý kiến của bạn