Đóa hồng nơi tuyến đầu chống dịch

05-06-2020 09:08 | Y tế
google news

SKĐS - Từ mơ ước thời thơ bé của cô bé Võ Ngọc Anh Thơ: Lớn lên làm bác sĩ để có thể chăm sóc sức khỏe cha mẹ tuổi xế chiều... mà nay, chúng ta đang có một nữ anh hùng áo trắng trên mặt trận chống dịch COVID-19 - vốn được xem như nỗi kinh hoàng của toàn nhân loại trong gần nửa năm qua. ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ bác sĩ có thân hình nhỏ bé nhưng có những đóng góp và hy sinh không hề bé nhỏ.

Mỗi người sinh ra đều có một trái tim hữu hạn nhưng có thể chứa vô hạn tình yêu thương. Với chị - “đóa hoa hồng nơi tuyến đầu chống dịch” như cái cách mà người ta vẫn gọi, trái tim chị còn tràn đầy tình yêu người tình yêu nghề hơn bất cứ ai, để rồi tình yêu đó hiện thực thành hành động, thành thái độ, thành những hy sinh mà với chị đó chỉ là tránh nhiệm.

“Giấc mơ xưa... con trở thành bác sĩ - Ba má già... còn có đứa nó lo”(*)

Chị đến với nghề bác sĩ từ cơ duyên đơn giản và bình dị như thế, một tấm lòng của người con gái hiếu thảo muốn chăm sóc sức khỏe cha mẹ lúc tuổi già. Nhưng để nuôi được lửa đam mê, nuôi được lòng nhiệt huyết thì tấm lòng nhân ái, cùng sức chịu đựng dài hơi mới là điều giúp chị gắn bó lâu dài với nghề bác sĩ.

Đóa hồng nơi tuyến đầu chống dịchThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ.

Vượt qua những năm học tập ngành y mà theo chị là “tàn phai nhan sắc”, chị tiếp tục dấn thân vào cuộc sống nơi “chảo lửa” Chợ Rẫy thay vì lựa chọn một chốn bình yên. Là bác sĩ Khoa Nhiệt đới - một trong những nơi có tỷ lệ bệnh nặng hàng đầu, nơi hằng ngày chị phải đối mặt với sinh tử của hàng trăm bệnh nhân nặng có, nhẹ có, tỉnh có, mê có... cùng hàng trăm nghìn cung bậc cảm xúc như hỉ, nộ, ái, ố khác nhau từ thân nhân người bệnh. Và cũng nơi này, trước lằn ranh sinh tử, kể cả bệnh nhân và thân nhân người bệnh, nhiều người không kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình mà đôi khi khiến bác sĩ nơi đây bị tổn thương. Nhưng “là lương y phải như từ mẫu”, chị luôn xem bệnh nhân là người thân của mình, bệnh nhân đau chị xót, bệnh nhân mất chị chết lặng tâm hồn. Chính vì điều này, chị bước qua mọi thử thách cay nghiệt để ở lại, giành giật với “tử thần” từng mạng sống bệnh nhân.

Không chỉ đau với nỗi đau của bệnh nhân, chị cũng có những “nỗi đau” của riêng mình: là cơm áo gạo tiền, là gia đình con cái, là sự hy sinh hạnh phúc của riêng mình khi lỡ nặng lòng với nghề bác sĩ. Nhưng vượt lên tất cả, chị vẫn ở đó gắn bó và chiến đấu, vẫn tìm đường sống trong cái chết cho bệnh nhân, đã bao lần chị thuyết phục từng thành viên trong gia đình bệnh nhân để hy vọng mang về một con đường sống, đã bao lần chị bỏ bữa quên ăn để theo dõi từng nhịp thở nơi bệnh nhân đang nguy kịch hay những ca trực 18 tiếng xuyên đêm với đầy máu, mồ hôi và nước mắt.

Ngày bước vào trường y, có lẽ cô gái trẻ nhiều mộng ước Võ Ngọc Anh Thơ chưa hình dung ra hết môi trường bệnh viện lại là môi trường thử thách cảm xúc mình đến vậy. Bên cạnh hạnh phúc được tìm thấy với những sinh mệnh được cứu sống, thì điều mà cô phải đối diện, đó chính là máu, tiếng khóc và rất nhiều nỗi đau. “Tôi tự hỏi, mình sẽ chịu đựng được khi ở đó được bao lâu một ngày, một tuần hay một tháng?”, chị chia sẻ. Rồi thực sự nhận ra chị mạnh mẽ đến mức nào khi chị đã trải qua 14 năm trong môi trường thử thách cảm xúc đó với niềm đam mê cháy bỏng.

“Cô” đến chơi nhà - chị ra tiền tuyến

Ngày 28 Tết, khi mọi người mọi nhà đang hân hoan cho một cái Tết ấm no, an lành thì đột ngột, sự xuất hiện của 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là dấu chấm kết thúc cho những ngày nghỉ Tết ít ỏi của chị cũng như các “chiến binh” khác ở Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy. “Cô” (COVID-19) ghé thăm mà không một lời báo trước. Là “cứ điểm tiên phong”, Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành phòng tuyến đầu chống dịch và Khoa Nhiệt đới là “chiến trường trực diện”.

Không hoang mang, không lo sợ vì chị tin vào đồng đội cũng như những kinh nghiệm chống dịch H1N1, H5N1... mà mình đã trải qua trước đó. Giữ vững tinh thần, chị tập trung tìm tòi nghiên cứu kiến thức về virus, về dịch bệnh, về cách điều trị, chị đã tạm gác cuộc sống cá nhân sang một bên và sẵn sàng cho ngày tham gia cuộc chiến.

Ngày 30 Tết, khi mọi người đón Tết bên gia đình cũng là lúc chị vào “mặt trận”. Chị kể: “Ngày hôm sau chị vô là đúng ngày ổng nặng nhất (bệnh nhân Li Ding, 65 tuổi - PV), phải thực hiện hàng loạt thủ thuật hồi sức như: cho thở oxy, vỗ lưng... rồi đổi thuốc cho ổng nữa. Ngày hôm đó chị trực nhưng cảm giác hồi hộp lắm vì với những dịch hô hấp cấp trước đó thì bệnh nhân suy hô hấp thường diễn tiến rất nhanh, rất dễ chuyển sang nguy kịch. Theo dõi nguyên ngày đó, đến khi hết ca (chị trực 24 tiếng) thì ổng đỡ, hết sốt, nên chị cũng an tâm”. Lời tâm sự về giây phút chị đối mặt với đại dịch mà thế giới sợ hãi nó nhẹ nhàng thế đó, chắc bởi chị tự tin vào mình mà cũng có thể sự tập trung lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân thôi đã xâm chiếm toàn bộ trái tim và khối óc của chị, không còn chỗ cho bất kỳ thứ cảm xúc nào khác chi phối.

Các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tử thần đã lùi xa, những ngày Tết cổ truyền của người dân được tạm thời yên ổn. Nhưng với chị, những ngày sum vầy của gia đình cũng không còn nữa, cha mẹ phải “di tản” về quê, nàng công chúa bé bỏng của chị cũng rời phải xa mẹ, để còn mình chị với những khoảng trống chẳng thể lấp đầy. Có mẹ nào mà chẳng thương con, nhớ con, muốn ôm con thật chặt sau những giây phút mệt mỏi đến lả người, nhưng vì là một bác sĩ, một chiến sĩ chống dịch, điều đơn giản đó chị chỉ có thể giấu chặt vào lòng. Tôi tự hỏi có khi nào nơi căn phòng trống chị bật khóc vì nhớ con? Có thể có mà cũng có thể không, sự thật thì chỉ có mình chị biết nhưng với mọi người sao chị kiên cường thế, mạnh mẽ đến  thế!

Đóa hồng nơi tuyến đầu chống dịchThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ đang chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân hôn mê.

Vượt số 33 - chị ra Bình Thuận

Sự thành công trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy là thành quả của cả một tập thể, một bộ máy nhưng sự đóng góp của chị là những điều không thể phủ nhận. Tiếp nối những chuỗi ngày chiến đấu vì dịch bệnh là chuỗi ngày chị xông pha nơi tuyến đầu Bình Thuận, nơi ca nhiễm thứ 34 được phát hiện và điều trị.

Là “bóng hồng duy nhất” trong đội phản ứng, cùng đồng đội, chị hỏa tốc lên đường ngay trong đêm vì sức khỏe bệnh nhân đang chờ, vì Bình Thuận đang cần chị ở đó. Tại Bình Thuận, điều kiện y tế, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị là hoàn toàn không thể so sánh với Bệnh viện Chợ Rẫy, chị đã tham gia hàng trăm hàng ngàn việc từ khám, điều trị, sàng lọc đến phân luồng cách ly, phân luồng cấp cứu... Không ngại gian khổ, chẳng sợ hiểm nguy, thấy khó khăn chị đương đầu, thấy cán bộ địa phương chưa vững tâm chị giúp sức. Và cứ thế, dịch bệnh được đẩy lùi. Trong cuộc chiến chị cống hiến hết mình, chị làm hết sức nhưng với chị điều đó thật nhỏ bé, thật bình thường vì với chị nó là trách nhiệm.

Vĩ thanh

Cao cả thế đấy, mạnh mẽ thế đấy nhưng khi cởi “áo choàng siêu nhân” chị cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường, cũng có ước mơ bình dị được hạnh phúc, được yêu thương, có thu nhập tốt hơn để lo cho công chúa nhỏ của mình, lo cho cha mẹ. Nhưng khi được hỏi nếu đánh đổi điều ước cho bản thân bằng điều ước cho bệnh nhân, chị cũng chẳng ngại ngần mà chấp nhận vì có lẽ tình yêu của chị với lời thề Hyppocrates là tình yêu to lớn nhất và bệnh nhân cũng là những người thân mà chị yêu thương hết mực.

Không có thước đo nào cho sự hy sinh, không có thang điểm nào cho sự cao cả. Với tôi, chị xứng đáng được tôn vinh bởi những hành động “trách nhiệm” mà chị đã làm và những sự cống hiến mà chị đã đóng góp. Thương chị, người nữ bác sĩ luôn thấy mình nhỏ bé và bình thường.

..............................

(*): Trích thơ của ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ.


KHÔI NGUYỄN
Ý kiến của bạn