SKĐS - Được khoác lên mình màu áo blouse trắng là niềm tự hào lớn lao, vì vậy bác sĩ Trần Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, xác định bản thân phải luôn nỗ lực hết mình vì sức khoẻ của cộng đồng, sự sống của người bệnh.
Không phải màu áo rực rỡ nhất, những y bác sĩ trong chiếc áo blouse trắng thân thương vẫn rực rỡ như đoá hoa bởi sắc màu của tấm lòng người lương y, cống hiến hết mình vì sức khoẻ toàn nhân dân.
Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, toàn quốc hân hoan kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cơ hội trò chuyện cùng bác sĩ Trần Thị Kim Dung, là cá nhân trẻ tuổi nhất trong 133 cá nhân, tập thể (58 tập thể, 75 cá nhân) điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cũng như nhiều y, bác sĩ khác, bác sĩ Trần Thị Kim Dung cũng thường xuyên phải đối diện với những khó khăn và áp lực công việc. Song, với chị không có gì quá vất vả và cũng chưa từng chùn bước.
"Ngành y là ngành nghề đặc thù vì đối tượng làm việc trực tiếp là sức khoẻ của bệnh nhân. Giá trị đưa lại là giá trị thiết thực, đó là sự hồi phục nhanh chóng của người bệnh, niềm vui của gia đình bệnh nhân. Nhìn nhận được những giá trị tích cực đó, tiếp cho tôi thêm niềm động lực nên bản thân không thấy quá vất vả. Đôi khi những việc mình làm còn rất nhỏ bé so với nhiều cá nhân ngoài xã hội." – Bác sĩ Trần Thị Kim Dung chia sẻ.
Đại dịch COVID-19 bùng phát là khoảng thời gian khó khăn, đặc biệt là với ngành Y, ý thức được vai trò, trách nhiệm, bác sĩ Trần Thị Kim Dung là một trong số những bác sĩ đầu tiên viết đơn tình nguyện xung phong tham gia chống dịch.
Biết rằng trong thời điểm dịch bệnh, ranh giới giữa sự sống và cái chết là rất mong manh, sợ và cũng lo lắng, nhưng bác sĩ trẻ quyết tâm: "Mình có thể sẽ chết nhưng nhiều người bệnh sẽ có thêm cơ hội được sống".
Bác sĩ Trần Thị Kim Dung cùng các nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch (Ảnh: NVCC)
Khi là thành viên tổ y tế của Bộ Y tế tham gia công tác phòng chống dịch ở 3 tỉnh Đồng Tháp- Vĩnh Long- An Giang, nhiệm vụ của bác sĩ Kim Dung chủ yếu là công việc kiểm tra, viết báo cáo sổ sách.
Hoàn thành nhiệm vụ, với mong muốn được cống hiến sức lực của mình để cứu chữa bệnh nhân, chị Dung đã nhiều lần viết thư xin tiếp tục được ở lại và trực tiếp tham gia khám và điều trị bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực vòng cuối điều trị COVID-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. Cuối tháng 10/2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chị là người hỗ trợ cuối cùng rời Đồng Tháp.
Suốt gần 3 tháng tại "chiến trường miền Nam" tham gia chống dịch, bác sĩ Trần Thị Kim Dung có những đêm trực lại bệnh viện một mình, sẵn sàng đối phó với các trường hợp khẩn cấp, nhường cả giường ngủ của mình cho người bệnh.
Bản thân chị cũng đã vận động người thân, các nhà hảo tâm quyên góp số tiền hơn 40 triệu đồng để ủng hộ bệnh viện mua sắm các thiết bị làm mát, phục vụ bệnh nhân nặng điều trị COVID-19.
Ngoài việc khám và điều trị cho bệnh nhân, chị Kim Dung cùng các y bác sĩ trong đoàn công tác luôn tích cực chuyển giao kỹ thuật, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế địa phương, sinh viên tình nguyện.
Hơn 8 năm trong nghề, hiện công tác tại khoa Cấp cứu – Chống độc, là khoa bệnh nhân nặng, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, chị Dung đã nhiều lần tiếp nhận chữa trị trường hợp bệnh nhân khẩn cấp.
Cũng theo bác sĩ Trần Thị Kim Dung đó là trách nhiệm, nhiệm vụ mà khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng mỗi y bác sĩ đều sẵn sàng thực hiện chứ không riêng gì bản thân chị.
Với ước mơ được trở thành một người bác sĩ để có thể san sẻ, làm dịu đi nỗi đau của người bệnh, chị đã luôn nỗ lực học tập rèn luyện để xứng với lời dạy của Bác Hồ: "Lương y như từ mẫu".
Trong năm 2022, chị Dung đã hoàn thành khóa học Can thiệp mạch máu não và trở thành một trong số rất ít bác sĩ nữ can thiệp mạch máu DSA; đưa kỹ thuật can thiệp điều trị mạch máu não cấp cứu về triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Làm việc và học tập không ngừng, chị Dung cũng là lực lượng nòng cốt trong mạng lưới "thầy thuốc đồng hành" tư vấn và điều trị cho các F0 tại nhà thời điểm dịch COVID-19 còn căng thẳng và thường xuyên tham gia tư vấn cho người dân trên địa bàn thông qua hệ thống hotline của bệnh viện.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Trần Thị Kim Dung cũng luôn tích cực tham gia vào các phong trào tập thể, hội thi, cuộc thi do Công đoàn bộ, do cơ quan tổ chức. Chị hiện cũng là Bí thư Đoàn, Uỷ viên BCH công đoàn Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp.
Thấm nhuần những lời Bác dạy, sau nhiều năm công tác và phấn đấu, đặc biệt là những dấu ấn trong giai đoạn dịch COVID-19, vinh dự và tự hào là cảm xúc của bác sĩ Trần Thị Kim Dung khi biết bản thân là một trong số trong 133 cá nhân, tập thể được nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được tham gia báo cáo với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Hơn thế, chị cũng là một trong số 5 cá nhân và tập thể vinh dự được đại diện báo công lên Bác.
Bên cạnh công tác phát động của Đảng và Nhà nước, cũng như bác sĩ Trần Thị Kim Dung, việc học và làm theo lời Bác dần trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, trở thành việc làm tự giác, có ý thức của nhiều cá nhân và tập thể. Họ là những "bông hoa đẹp" trong "vườn hoa việc tốt".
Video Blouse trắng, bác sĩ Trần Thị Kim Dung chia sẻ về học Bác:
Những bài học từ Bác giúp bác sĩ trẻ Kim Dung có thêm ý chí, nghĩ lực trong công việc – Video: Minh Ánh