Với những thông tin thời tiết quan trọng được gửi liên tục và kịp thời về đất liền, các cán bộ của Trạm Khí tượng hải văn (KTHV) Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, phục vụ cho đời sống dân sinh và công tác huấn luyện của các chiến sĩ trên quần đảo.
Hệ thống trang thiết bị và thông tin về KTHV ngày càng được trang bị hiện đại trên đảo Song Tử Tây
Như lời của anh Nguyễn Hồng Tiến - cán bộ của Trạm KTHV Trường Sa Lớn: Chưa bao giờ những số liệu quan trắc khí tượng, hải văn mà các cán bộ trong trạm gửi về bị chậm trễ hay không đầy đủ. Bởi là người cán bộ làm trong ngành thời tiết, các anh nhận thức rõ rằng những bản tin dự báo thời tiết đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với ngư dân đi biển, cũng như đời sống các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống và công tác trên quần đảo Trường Sa. Chỉ một cảnh báo bão chậm, một bản tin dự báo thời tiết thiếu một chút thôi cũng có thể gây ra hậu quả, thiệt hại không nhỏ về cả con người lẫn vật chất.
Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa được xây dựng từ năm 1977, là một bộ phận của đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ. Đây là 1 trong 26 trạm phát báo quốc tế với số hiệu 48920 do Tổ chức Khí tượng Thế giới cấp.
Bởi vậy, mặc dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thế nhưng vẫn đều đặn 8 lần mỗi ngày, bất kể trời nắng mưa hay gió bão, anh Tiến cùng 6 cán bộ khác trong Trạm KTHV Trường Sa Lớn vẫn thay phiên nhau đo đạc và xử lí các số liệu quan trắc khí tượng, hải văn rồi báo về đất liền, theo tần suất 3 giờ/lần (thời tiết bình thường) hoặc 30 phút/lần (thời tiết bất thường), liên tục từ 1 giờ đến 22 giờ.
Công việc hàng ngày, ai thoạt đầu nghe cũng tưởng chừng đơn giản. Bởi đó là những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày của các cán bộ trong trạm: đo và báo về đất liền đầy đủ các số liệu về nhiệt độ, cấp gió, mây như thế nào, mưa hay là nắng... Sau đó, đất liền tổng hợp lại các số liệu để báo cho ngư dân trên quần đảo biết khi nào gió lớn, khi nào biển êm, biển động. Thế nhưng, đó chỉ là cái nhìn cảm quan của những người không phải trong nghề. Nếu như các cán bộ trạm khí tượng thủy văn ở những điểm xa xôi hẻo lánh trên các tỉnh miền núi phía Bắc được ví như những người làm nghề “lặng lẽ đo ý trời” thì đối với các cán bộ ở những trạm KTHV trên quần đảo Trường Sa, cái sự lặng lẽ đó càng rõ rệt hơn, kèm theo đó là sự khắc nghiệt và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm vô cùng cao.
Chúng tôi đã theo chân anh Tiến trong một ca đi ốp (cách gọi ca trực theo chuyên ngành) để hiểu hơn về tính chất đặc thù trong công việc của các anh và sự khác biệt của Trạm KTHV Trường Sa so với các trạm KTHV khác trong đất liền. Vừa điều chỉnh thiết bị đo sức gió, anh Tiến vừa kể cho chúng tôi kỷ niệm của những ngày đầu tiên ra công tác tại Trường Sa. Anh nhớ lúc đó mới ra công tác được vài ngày thì được giao nhiệm vụ đi ốp. Anh đã vô cùng hốt hoảng khi đo được sức gió lúc đó là 16 – 17m/s, giật 18m/s. Bởi với sức gió như thế này thì trong đất liền đã có bão giật cấp 7 – 8, có thể làm bay một số nhà cửa không kiên cố. Bởi vậy, anh đã về báo cáo ngay lập tức với tâm trạng rất lo lắng. Thế nhưng thay vào đó, anh nhận được một câu nói rất bất ngờ của các cán bộ khác trong trạm: “Đó là hiện tượng thời tiết bình thường ngoài này, không có gì đáng ngại đâu em”. Đấy là kỷ niệm vui nhưng cũng là kinh nghiệm nghề đầu tiên anh Tiến học được để sẵn sàng cho “nhiệm kỳ” 3 năm công tác tại Trạm KTHV Trường Sa Lớn.
Lính khí tượng ở trạm thủy văn Song Tử Tây
Theo đó, điều anh Tiến thích thú và học hỏi được nhiều nhất cho nghề chính là khả năng quan sát, nắm bắt thời tiết. Nó đã giúp anh có rất nhiều kinh nghiệm cũng như trưởng thành hơn trong nghề. Anh cho biết, ngoài Trường Sa, gió rất nhiều, thời tiết phức tạp và thay đổi rất nhanh. Bởi vậy, tuy vất vả vì phải thường xuyên cập nhật thời tiết nhưng nó là một môi trường rất tốt để các cán bộ KTHV như anh được rèn luyện, trưởng thành trong nghề.
Trạm khí tượng thủy văn ở Song Tử Tây
Thêm vào đó, anh Tiến chia sẻ, các cán bộ trong trạm (7 cán bộ) lúc đầu ra đây cũng đều bỡ ngỡ như anh nhưng giờ đều là những người rất có kinh nghiệm và không ngần ngại chia sẻ, giúp đỡ các cán bộ mới ra như anh. Đặc biệt, các cán bộ trong trạm đều là những người tuổi đời còn rất trẻ nên năng nổ, nhiệt huyết và rất hòa đồng. Anh Tiến lấy ví dụ như trường hợp của anh Trạm trưởng Vũ Đình Trung (Thanh Hóa) mới sinh năm 1984 hay như cán bộ Nguyễn Tấn Trung (Phú Yên) tuy còn rất trẻ (sinh năm 1990) nhưng đã ra công tác ở ngoài đảo tính đến Tết này là tròn 3 năm.
Kỹ thuật viên Trạm KTHV đảo Song Tử Tây sửa chữa cột ăng ten thu phát sóng.
Những ngày đầu còn nhiều thứ lạ lẫm, bỡ ngỡ, hốt hoảng là vậy thì giờ anh Tiến đã rất tự tin chia sẻ với chúng tôi về mảnh đất mà đến Tết này cũng là tròn 2 năm trong “nhiệm kỳ” công tác của anh. Những ca đi ốp về đêm đầu tiên, anh Tiến nhớ lại cảm giác lạnh sống lưng vì nghe tiếng sóng biển, gió biển rít vù vù... thì giờ đây, đó là âm thanh anh thích nghe nhất. Bởi nó cho anh cảm giác thân quen, cảm giác được vùng vẫy giữa đất trời. Anh Tiến chia sẻ, nhờ có những “bản nhạc đại dương” như món ăn tinh thần đó đã giúp các anh vượt qua được những khó khăn, khắc nghiệt để hoàn thành tốt công việc.
Ngày đêm cần mẫn hứng gió, đo mưa, vượt qua không ít khó khăn nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, 7 cán bộ của Trạm KTHV Trường Sa Lớn nói riêng và các cán bộ KTHV trong quần đảo Trường Sa nói chung đã góp công lớn vào những bản tin dự báo thời tiết phục vụ cho nhu cầu dân sinh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội trên quần đảo Trường Sa.
Bài, ảnh: Vy Thảo