Đò xuôi sông Đối, sông Hoành...

21-08-2016 16:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhớ tới câu ca xưa, mới hay đi đò đến chợ Đền hay chợ Lương, xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, là thuận tiện nhất.

Nhớ tới câu ca xưa, mới hay đi đò đến chợ Đền hay chợ Lương, xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, là thuận tiện nhất. Bởi bao quanh xã là sông Đối và sông Ninh Cơ, cùng mấy con sông, mương và kênh chảy ngang, dưới những chiếc cầu đá đẹp tựa bức tranh thủy mặc thôn làng. Gần chợ Lương và chùa Lương còn có cây cầu Ngói, bắc qua sông Hoành tạo cảnh nên thơ, bên con phố nhỏ mơ màng trong nắng thu...

Rêu phong một cõi biển xanh

Nói đến xã Hải Anh là du khách thường nhớ đến cụm từ cầu Ngói chợ Lương, hay cầu Ngói chùa Lương, bởi lẽ đây là những biểu tượng cho Hải Anh, một xứ sở đất lành chim đậu, được khai hoang lấn biển đầu tiên của Hải Hậu, cách đây hơn 500 năm. Ai cũng nhớ cầu Ngói đã được hình thành cùng với con sông Hoành, mạch nước nguồn từ sông Ninh Cơ chảy ra biển, ngay từ khi ông cha mới lập nghiệp. Dọc sông Hoành chảy giữa trung tâm xã có tới 9 cây cầu đá, thì duy nhất chỉ có một cây cầu được xây như một ngôi nhà ngói 9 gian, rộng 3m bắc qua sông, ở ngay đầu con đường dẫn vào chợ và chùa. Vẻ đẹp của ngôi chùa Ngói này là sự cách điệu trong kiến trúc cổ: “Thượng gia hạ kiều”, nghĩa là “Trên nhà dưới cầu”. Vậy đây chính là ngôi nhà nghỉ trên sông. Nơi dừng chân cho những người đi chợ, đi lễ. Cũng là chốn nghỉ ngơi cho du khách phương xa đến làng. Có lẽ thế nên từ xưa các cụ đã ghi lại câu đối trên cầu với ý nghĩa rằng: “Trên đường gió mát, nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi. Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên”.

Lễ hội bên cầu Ngói.

Cầu Ngói có vị trí đặc biệt, không những nó ở đầu con sông giữa làng mà còn nằm trên trục giao thương với các xã lân cận, thuận tiện mọi bề. Đường sông cũng được đường bộ cũng hay: “Ai qua cầu Ngói chợ Lương. Ghé thăm Mỹ nghệ Hải Minh làng nghề. Hoành phi câu đối tủ chè. Đi lên đổi mới diệu kỳ sáng tươi”. Cầu Ngói hoàn toàn được xây bằng xương gỗ lim và kết nối hình thành qua những mộng đục và khe bào tinh xảo không hề đóng một cái đinh sắt nào. Đây là một công nghệ đục chạm độc đáo, bền bỉ vượt qua nắng mưa, bão tố. Đầu cầu có 4 con nghê chầu với cuốn thư trổ 4 chữ: “Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương). Nghe các cụ giải thích mới hay Quần Phương (khởi thủy còn có tên Quần Anh) chính là tên cổ của xã Hải Anh.

Năm 1990, cầu Ngói đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa và là một trong ba chiếc cầu Ngói đẹp nhất Việt Nam. Cầu Ngói xưa nối đôi bờ sông Hoành đưa bà con đến chùa, đi chợ. Nay chợ Lương không còn chỉ là của riêng Hải Anh nữa mà là chợ của cả một vùng các xã gần kề tựa như một chợ đầu mối, với hàng trăm mặt hàng nông nghiệp, cơ khí, dệt may và đồ tiêu dùng. Nó lớn và sầm uất bởi ở ngã ba đường và gần kề với quần thể chùa Lương lớn nhất vùng, rộng chừng hàng vạn mét vuông. Chùa Lương còn gọi là chùa trăm gian, có tên chữ là “Phúc Lâm Tự”, được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Đến nay chùa còn lưu giữ được 79 pho tượng Phật đồ sộ hiếm có.

Chùa Lương cổ kính không những là chốn tâm linh lâu đời, mà còn là nơi đã ghi dấu lại bao sự kiện lịch sử cách mạng, niềm tự hào của người dân nơi đây. Ngay từ năm 1887, chùa là nơi cụ Trần Khắc Khoan đứng lên thành lập nghĩa quân, tập luyện đánh giặc Pháp bảo vệ quê hương. Đặc biệt, cuối năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại chùa đã diễn ra lễ cởi áo cà sa mặc áo lính. Nơi đây các nhà sư trẻ đã xung phong lên đường chiến đấu cứu nước, chống thực dân Pháp xâm lược. Sáu vị sư trở thành chiến sĩ hòa mình vào khí thế chiến đấu, đánh giặc bảo vệ quê hương. Họ là những người lính dũng cảm nguyện hiến mình cho đất nước. Cùng với các chiến sĩ của mảnh đất Hải Anh ngày nào xông pha nơi chiến địa, anh dũng chiến đấu chống kẻ thù. Họ đã hy sinh 3 người, còn lại 3 người với thương tích trên cơ thể trở về làng với niềm tự hào của người con xã Hải Anh.

Từ năm 1948-1954, chùa đã trở thành kho vũ khí của quân và dân ta trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, có thời kỳ chùa còn dành những gian nhà trở thành lớp học, dạy cho các con cháu trong làng học tập và rèn luyện tri thức, trở thành nhân tài cho đất nước. Bên cạnh đó, chùa Lương cũng là thao trường tập luyện, động viên lớp lớp con cháu lên đường tòng quân trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975. Nay chùa Lương đã mở rộng và bổ sung nhiều hạng mục trong hoạt động tâm linh cộng đồng, nên trở thành nơi hội tụ của hàng ngàn phật tử khắp nơi trở về mỗi ngày lễ hội (13-16/3 hàng năm). Chùa Lương và cầu Ngói đã trở thành cụm di tích nổi tiếng và được đi vào những câu thơ và ca dao như: “Nơi đây Quần ấp. Dấu tổ tiên xưa. Chùa Lương cầu Ngói. Đẹp tựa bài thơ”, hay “Quần Anh nổi tiếng từ xưa. Biển đình phong lạc, bia chùa Phúc Lâm”...

Người anh hùng của Hải Anh

Mới đây, xã Hải Anh còn có niềm vui lớn khi người con của xã, liệt sĩ Vũ Văn Hiếu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, với những công trạng lớn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh Quảng Ninh. Ông sinh ngày 20/3/1907, tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng (nay là xóm 10 xã Hải Anh) huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Vì gia đình nghèo, năm 9 tuổi, ông đã được cô ruột đón lên ăn học tại Thái Nguyên. 15 tuổi, ông tốt nghiệp tiểu học Pháp Việt và được tiếp tục học trường Thanh Chung ở Hải Phòng. Nhưng đến năm thứ ba thì cô ruột bị ốm chết, ông đành thôi học và xin vào Trường kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng. Tại đây ông đã gặp gỡ những thanh niên có tư tưởng tiến bộ và đã tham gia đấu tranh đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Lập tức ông bị đuổi học. Năm 1928, ông ra Hòn Gai, nơi có bà dì sinh sống, để xin làm phu mỏ. Sau đó ông còn mở lớp dạy học cho con em những người thợ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông bắt đầu từ đây. Năm sau ông được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng Hòn Gai và nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở mỏ Hà Tu - Núi Béo.

Cầu Ngói Hải Anh.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, ông trở thành đảng viên trong chi bộ Hòn Gai. Đến tháng 4/1930, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Hòn Gai - Cẩm Phả. Đến tháng 10/1930, tổ chức quyết định thành lập Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả và đồng chí Vũ Văn Hiếu được bầu làm Bí thư Đặc Khu ủy khu mỏ Quảng Ninh. Tình hình đấu tranh trở nên khốc liệt khi kẻ địch mở rộng diện khủng bố và ngày càng tàn ác. Có kẻ phản bội nên ngày 9/2/1931, đồng chí Hiếu bị bắt. Bọn mật thám Pháp đưa ông ra Hà Nội xử án, với 20 năm tù khổ sai và bị đầy ra Côn Đảo. Tại nhà tù, ông bị giam cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quốc Trọng... Hàng ngày bị cai tù đánh đập tra khảo, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và tích cực học tập, tuyên truyền lý luận Mác-Lênin. Đồng chí còn được phân công phụ trách lớp học văn hóa.

Đến tháng 5/1936, Mặt trận nhân dân Pháp thắng lợi, cùng với sức mạnh đấu tranh của nhân dân Pháp, bọn thực dân phải thả một số tù chính trị. Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được thả cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị và Hoàng Quốc Việt... Sau đó, đồng chí Hiếu được điều về hoạt động ở Hà Nội rồi vào miền Nam hoạt động (9/1939), với nhiệm vụ giúp việc cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đóng trụ sở ở Hóc Môn - Bà Điểm. Thật bất ngờ, rạng sáng ngày 18/1/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị mật thám Pháp bắt cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... và năm sau tiếp tục bị đầy ra Côn Đảo. Ở đây, đồng chí bị giam cầm cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Nguyễn Tạo, Phạm Văn Voi... Lần này, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát do địch tra tấn từ lần trước. Vượt qua những nỗi đau về thể xác bị địch hành hạ suốt 3 năm trời, tinh thần và ý chí vẫn luôn hăng say, nhưng căn bệnh quái ác làm đồng chí Hiếu kiệt sức. Biết mình sẽ không sống nổi trong một thời gian ngắn nữa, đồng chí Hiếu đã trao lại chiếc áo đang mặc cho đồng chí Lê Duẩn và nói, áo đây đồng chí mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng. Bởi lúc đó không ai có áo mặc, chiếc áo duy nhất từ ngoài gửi vào để cho đồng chí Hiếu mặc, vì bệnh nặng. Và đầu năm 1943, khi mới 36 tuổi, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Côn Đảo.

Ngôi nhà bên sông Đối

Đây là ngôi nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu, bên ngôi trường được đặt cùng tên người anh hùng của xã Hải Anh. Nhà lưu niệm đã được xây dựng và tu bổ nhân dịp anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu 100 tuổi, năm 2007. Ngôi nhà có nhiều di vật quý về người anh hùng của xã Hải Anh được nhân dân Quảng Ninh sưu tầm được gửi về. Đặc biệt trong đó có bức khắc gỗ, họa lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói về anh hùng Vũ Văn Hiếu: “Đồng chí Hiếu là một đồng chí sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”.

Sau này câu chuyện nhường áo của đồng chí Vũ Văn Hiếu trước khi mất cũng đã được nhà thơ Tố Hữu sinh thời viết: “Chết còn cởi áo cho nhau. Nắm cơm để lại người sau ấm lòng”. Đó là những bức trướng để lại cho con cháu đời sau trên quê hương Hải Anh, như những lời kết huy hoàng cho cuộc đời của một anh hùng, niềm tự hào của nhân dân xã Hải Anh và cả vùng đất tổ Quần Anh xưa, hội tụ bên biển Đông ngày một mở mang và thịnh vượng.


Lưu Kường
Ý kiến của bạn