Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng hoạ sĩ Đỗ Viết Viên ngay từ hồi còn là sinh viên khoa Sơn mài - ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đã lặn lội đến những vùng quê hẻo lánh để sáng tác. Đến nay, khi đã sở hữu hơn 300 bức hoạ về phong cảnh làng quê, anh tiếp tục đến với những vùng miền sơn cước để tìm cảm hứng cho những sáng tác mới.
Giới nghệ sĩ Hà thành, đặc biệt là những người yêu tranh và đam mê hội họa đều biết hoạ sĩ Đỗ Viết Viên với vai trò "thủ lĩnh" trong việc phục dựng cổ vật. Mặc dù không giao du rộng trong giới nghệ sĩ nhưng những bức tranh anh vẽ đều được các đồng nghiệp đánh giá rất cao cả về ý tưởng lẫn cách thể hiện tài tình trên những chất liệu tưởng chừng chẳng ăn nhập gì so với cách tả thực về phong cảnh đồng quê Việt Nam.
Sinh năm 1965, ngay từ nhỏ, cậu bé Viên đã thể hiện khả năng hội hoạ của mình một cách đặc biệt. Niềm đam mê hội họa cùng năng khiếu thiên bẩm đã giúp Viên thi đỗ Thủ khoa vào trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Để rồi chỉ 3 năm sau, khi còn là sinh viên, cậu đã nổi tiếng như một hoạ sĩ có nghề. Năm 1993, Viên tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, được trường mời lại giảng dạy nhưng anh từ chối bởi sự "cám dỗ" mê dụ của những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, những ao làng, vựa lúa cùng những luỹ tre xanh chỉ có ở những vùng quê đích thực.
Họa sĩ Đỗ Viết Viên bên tác phẩm. |
Từ đó, chàng hoạ sĩ trẻ tuổi rong ruổi khắp các vùng quê từ Nam ra Bắc để tìm cảm hứng. Có những chuyến đi dài vài tháng nhưng anh chẳng gặt hái được gì, đơn giản vì chàng họa sĩ trẻ nghèo quá, lúc cảm hứng đến, nhìn lại túi đồ không còn chút màu, cây cọ, sống trong những căn nhà lụp xụp, trời nắng thì nóng như thiêu như đốt, trời mưa thì nước chảy tong tong. Đó là vào khoảng cuối những năm thập kỷ 90, đó là giai đoạn "khủng hoảng" của hội họa. Thời gian đó, chàng họa sĩ nghèo từng làm chân vẽ quảng cáo thuê, công việc được chăng hay chớ. Thời buổi mà dân chúng ào ào chạy theo khuynh hướng "mì ăn liền" thì nghệ thuật đích thực mà Viên theo đuổi cũng chỉ tồn tại ngoi ngóp giống một ông già mắc chứng tai biến mạch máu não. Nhưng rồi anh nhanh chóng thoát khỏi "cái kén" thị trường để đến với nghệ thuật bằng cả tấm lòng đam mê và nhiệt huyết. Hoạ sĩ Phạm Hạnh - người đã từng hợp tác với Đỗ Viết Viên để trưng bày những bức tranh quê nhận xét: "Viên thực sự thành công với mảng nông thôn Việt Nam, trong những bức tranh anh vẽ đều thể hiện khá chi tiết và sâu sắc cái hồn của làng quê Việt".
Tuy nhiên, Đỗ Viết Viên nổi tiếng không phải từ những bức tranh quê mà từ cái nghề "độc nhất vô nhị" là phục dựng cổ vật. Chỉ người nào có "tầm" về hội họa cộng với đôi bàn tay khéo léo và am hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc mới có thể làm được. Chính vì thế, hiện nay người làm nghề phục dựng cổ vật ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hoạ sĩ Viên cho biết, trước đây, khi GS. Trần Quốc Vượng còn sống, giáo sư thường mời anh phục dựng lại những mảnh vỡ từ đồ cổ sau khi khai quật... Sau này, anh hợp tác với Viện Bảo tàng lịch sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam để chuyên tâm phục dựng "văn hoá xưa".
Ngoài ra, anh còn có một kho tàng vô giá với hơn 300 chiếc ấm, tước có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê... mà vất vả lắm mới sưu tầm được. Nhiều tay sưu tầm cổ vật năn nỉ anh bán cho một vài thứ với giá rất cao nhưng anh nhất định không chịu với lý do: Gìn giữ cổ vật là gìn giữ văn hoá, không thể để cổ vật "chảy máu" ra nước ngoài.
Đến nay, trải qua 5 lần triển lãm tranh, 2 lần triển lãm cổ vật nhưng hoạ sĩ Đỗ Viết Viên vẫn rất khiêm tốn cho rằng: "Đó là cái phúc tổ tiên để lại". Hơn 300 bức tranh anh vẽ về làng quê Việt Nam, ngoài thể hiện sự đam mê đến cháy bỏng, những nét vẽ còn thấm cả máu và nước mắt của một người trót gắn bó với những vùng quê nghèo xa tít tắp. Như thế vẫn chưa đủ nên anh bắt đầu cho một cuộc hành trình mới - cuộc hành trình đến với vùng cao và đồng bào dân tộc thiểu số.
Trần Thế Hòa