Từ 2001 mới bắt đầu được gây dựng tại Việt Nam, nhưng vật nữ đã sớm là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của phụ nữ thể thao. Các cô gái đấu vật đã phải “chiến đấu” với cả những gian nan trong và ngoài thảm đấu để đưa vật nữ thành một mũi nhọn tầm cỡ quốc tế của thể thao nước nhà.
Những đôi tai... dị thường
Một đặc điểm riêng, gắn với các nữ đô vật như một định mệnh chính là sự biến dạng của những đôi tai khi phải liên tục va đập trực tiếp xuống thảm đấu. Thậm chí, thời kỳ đầu mới tập, những đòn quăng bất ngờ khiến chuyện rách tai hay mất khả năng nghe cục bộ là bình thường. Dần dần cũng buộc phải quen, nhưng đôi tai con gái vì thế mà bị bẹp dí, sần sùi, quăn tít với các vết sẹo đanh lại.
Các đô vật nữ Việt Nam phải trải qua rất nhiều khó khăn để vươn tới thành công.
Không chỉ là chuyện thẩm mỹ mà thính lực của đô vật cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó giảm sút rõ rệt ngay từ khi đang còn thi đấu và càng trở nên tai hại khi VĐV có tuổi, thể lực xuống. Như lời của cựu tuyển thủ Lê Thị Trang thì “mỗi lúc thay đổi thời tiết lại bị ù và buốt tai, còn bình thường chỉ cần ở khoảng cách xa một chút đã không nghe được rõ rồi”.
Đã vậy, thực tế khắc nghiệt của môn vật còn khiến cho các VĐV nữ phải chấp nhận những thiệt thòi khác không gì đo đếm được, như... mất giọng trong, cơ thể phì ra. Cùng với các đồng nghiệp ở môn cử tạ, các đô vật nữ có muốn ăn mặc đẹp - diện một chiếc váy, một bộ áo dài cũng cực khó, bởi một lý do tế nhị là vòng 2 quá vượt chuẩn. Từng có chuyện một VĐV trẻ bật khóc như mưa, đòi bỏ tập khi thấy mình đã xấu xí đi quá nhiều chỉ sau 1 năm theo vật.
Ai cũng 5-7 lần chấn thương
Có lẽ trong làng thể thao, không VĐV môn nào luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương rình rập như vật. Sai động tác là lập tức “dính đòn” ngay.
Thống kê sơ bộ ngay ở ĐTQG lâu nay, không có tuyển thủ vật nữ nào thoát nổi vấn nạn chấn thương, ai cũng từng trải qua 5-7 lần ở các mức độ khác nhau. Ám ảnh nhất với họ chính là chấn thương vai, cổ và dây chằng. Trong đó, thảm khốc nhất với ca chấn thương của Lê Thị Huệ hồi 2003 khi chị bị tổn thương 2 đốt sống cổ, đĩa đệm chèn giập tủy sống gây mất cảm giác và liệt toàn thân. Dù đã may mắt thoát khỏi lưỡi hái tử thần song đô vật xứ Thanh này đã phải mang tật cả đời. Sự cố khủng khiếp mà Huệ gặp phải đã gây hoảng loạn cho các đồng đội nữ suốt một thời gian dài, nhiều người lập tức rời bỏ thảm đấu.
Lúc nào cũng nơm nớp chấn thương, sự đe dọa còn tăng lên gấp bội với các đô vật nữ bởi các điều kiện đảm bảo an toàn, thuốc men, điều trị quá tệ hại. Chính vì liên tục sống chung với chấn thương, giải quyết không đến nơi đến chốn mà 2 tài năng Lê Thị Trang, Nghiêm Thị Trang đã sớm phải giải nghệ khi bước vào độ “chín” nhất.
Nỗi khổ “ép” cân
Ép cân là chuyện tất yếu phải thực hiện nghiêm ngặt ở nhiều môn, tuy nhiên, khó có môn nào sánh được với vật nữ về sự khó khăn gian khổ, nhất là với chuyện nhịn ăn.
Với chế độ dinh dưỡng hiện nay chưa đảm bảo cho sức vóc của đô vật, bình thường đã luôn... thòm thèm rồi, còn mỗi khi phải “ép” cân là cả một cực hình. Các đô vật chủ yếu uống nước, cao điểm hàng lít/lần, khẩu phần ăn chỉ gồm rau, một ít thịt bò và cơm. Phải áp dụng ít cũng 1 tuần, nhiều lên tới cả tháng, thật dễ hiểu, lúc nào họ cũng thấy thèm ăn, thèm cơm đến mức... phát sốt. Rất nhiều tuyển thủ vật bị khiển trách chỉ vì dám “lén” ăn cơm khi đang phải ép cân.
Còn có một liệu pháp ép cân khác từng trở thành nỗi “ác mộng” với các tuyển thủ vật nữ: trùm áo chạy bộ. Để có thể vắt tối đa cân nặng thành áo mưa trước các giải đấu, bất kể trời nắng hay lạnh, hàng ngày, họ phải mặc thật nhiều áo, trùm cả áo mưa vào, rồi chạy đến kiệt sức mới thôi. Báo hại sau mỗi đợt ép cân, các cô gái đấu vật đều hốc hác, già đi đến vài tuổi.
4 năm phải giấu tiệt “nghề”
Một tuyển thủ tầm cỡ QG đã ngậm ngùi kể lại chuyện buồn tưởng như của riêng chị mà rất điển hình cho vật nữ Việt Nam: 4 năm ròng phải giấu tiệt “nghề” của mình.
Để theo được đam mê của mình, chị đã vượt biết bao rào cản, trước hết từ chính gia đình mình. Bố mẹ chị kiên quyết cấm con trở thành VĐV vật, tình hình còn căng thẳng hơn khi người nhà, rồi cả hàng xóm cũng sang tận nơi để khuyên bảo “cho nó theo vật làm gì, như con trai, sau này ai thèm rước”. Phải mất đến 2 năm thấy con yêu và nỗ lực quá, bố mẹ chị mới chịu... nhường bước.
Trong khi đó, đi đâu chị cũng phải giấu tiệt đi nghề vật của mình vì mặc cảm bản thân và định kiến từ người đời. Thế nhưng cuối cùng, chị đã rơi vào một tình cảnh “dở khóc dở cười”: tại một buổi tiệc có rất đông người, ngẫu nhiên một người bạn của chị giới thiệu về danh tính tuyển thủ vật QG thì mọi người đều “ồ” lên một cách lạ lẫm.
Bất công, thiệt thòi là vậy, song không thể làm nhụt tình yêu cùng ý chí phấn đấu của chị trên thảm đấu, từng xuất sắc giành HCV SEA Games. Chị tâm sự rằng, có cho chọn lại thì chị cùng rất nhiều đồng đội của mình vẫn cứ chọn môn vật làm nghiệp đời của mình.
Một nghịch lý, môn vào loại cực nhọc và vượt khó nhất nhưng chính các tuyển thủ vật nữ đã phải rơi nước mắt nhiều nhất của TTVN: khóc cho sự đau đớn, nỗi thất vọng và cả bất công.
Những người làm thể thao sẽ không bao giờ có thể quên những khóe mắt tuyệt vọng, không khóc nổi của tuyển thủ Lê Thị Huệ trước thềm SEA Games 2003 khi biết rằng mình phải mãi xa thảm đấu, thành người tàn phế suốt đời.
SEA Games 2005, cả làng vật Đông Nam Á đã xúc động khi chứng kiến cô gái vàng Lan Anh òa khóc sau những nỗ lực đến tận cùng. Dẫu đã 3 lần bị chấn thương trật khớp khuỷu tay, tái phát nặng ở trận chung kết, song chị vẫn khẩn khoản nhờ bác sĩ hỗ trợ để trở lại thảm đấu. Khi trọng tài quyết định không cho chị tiếp tục đấu nữa, Lan Anh đã gục xuống và òa khóc - một hình ảnh xúc động về ý chí Việt Nam.
Xuyến Chi