Ngày 4/4, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồ uống và sức khoẻ” nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học hữu ích về các nhóm đồ uống và lợi ích của chúng với sức khỏe; thảo luận về vai trò của nước uống, nhu cầu nước uống đối với từng lứa tuổi và từng nhóm bệnh.
Báo cáo về vai trò và nhu cầu nước khuyến nghị của PGS.TS Phạm Văn Hoan – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nêu bật vai trò quan trọng của nước đối với sức khoẻ và đưa ra các số liệu trên thế giới cũng như Việt Nam về nhu cầu nước khuyến nghị cho từng lứa tuổi. Để đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, cần phải bổ sung nước mỗi ngày. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6 lít nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (khoảng 1,7 lít). Với người trưởng thành, nhu cầu nước của nam giới khoảng 2,5 lít/ngày nếu có cường độ lao động thể lực mức độ nhẹ, có thể tăng lên tới 3,2 lít/ngày nếu hoạt động thể lực ở mức độ trung bình và tăng lên tới 6 lít/ngày nếu hoạt động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng. Nhu cầu nước của nữ giới thấp hơn của nam giới cùng nhóm tuổi khoảng từ 0,5 - 1 lít nước.
Báo cáo của TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tập trung phân tích các nhóm đồ uống với các lợi ích và hạn chế, đồng thời phân tích xu hướng toàn cầu trong việc sử dụng đồ uống có lợi cho sức khoẻ. Hiện nay, các khuyến nghị tập trung vào việc giảm sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia), giảm các loại nước ngọt có gas và tăng cường sử dụng các loại nước đóng chai, nước ngọt không gas ít đường và đặc biệt là các loại trà, trà thảo mộc ít đường.
Dùng quá nhiều đồ uống có đường, có ga không có lợi cho sức khỏe
Các kết luận trong 20 nghiên cứu thử nghiệm và 297 tài liệu khoa học tham khảo về hiệu quả của trà thảo mộc đối với sức khỏe trong những năm gần đây đã cho thấy rõ vai trò của trà thảo mộc trong tăng cường sức khoẻ, chống viêm thông qua các cơ chế ức chế các chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt động của các chất tiền viêm, tác dụng chống oxy hóa do có chứa các chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có khả năng thu nhặt các gốc tự do, bảo vệ gan, phòng chống nhiễm vi khuẩn, virus, chống nấm và dự phòng một số bệnh mạn tính không lây. Các hiệu quả trên có được từ các hoạt chất chứa trong các loại thảo mộc như kim ngân hoa, cúc hoa, la hán quả, hạ khô thảo… hiện nay đang được áp dụng trong các loại sản phẩm trà thảo mộc tại nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam .
Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nêu ra các khuyến nghị sử dụng đồ uống cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đang đối mặt với các vấn đề bệnh tật. Sử dụng đồ uống phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới trên các phương tiện thông tin đại chúng vì mục tiêu sức khoẻ cộng đồng.
Các nhà khoa học trong hội thảo đã thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ, bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khoẻ nhằm giảm sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam nhằm giảm các bệnh liên quan đến lạm dụng sử dụng rượu bia. Đặc biệt nghiên cứu sâu hơn về nước cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em và các bệnh lý khác nhau; Giảm sử dụng các đồ uống có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khoẻ lâu dài: đồ uống có lượng đường cao, đồ uống sử dụng các phụ gia, hương liệu, hóa chất có hại cho sức khoẻ; Tăng cường sử dụng các đồ uống truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây, các loại trà, trà thảo mộc có hàm lượng đường thấp; Sử dụng đồ uống cho từng đối tượng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật.