Trước đó, ở tuần 37 thai kỳ, khi có hiện tượng đau bụng từng cơn và ra huyết âm đạo, sản phụ Y. được người nhà đưa vào BV Sản Nhi Bắc Giang.
3.500 ml khối hồng cầu và 2.500ml huyết tương được truyền cho sản phụ
Sau khi thăm khám lâm sàng và siêu âm, các bác sĩ nhận thấy sản phụ Y. có hiện tượng đa ối, thai ngôi chỏm và được chuyển về Khoa Đẻ để tiếp tục theo dõi sức khoẻ mẹ và thai nhi.
1 tuần sau khi nhập viện, bé gái nặng 3,3kg cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Được đỡ đẻ an toàn, tuy nhiên qua kiểm tra, thấy tử cung co hồi kém, huyết âm đạo ra nhiều, thầy thuốc của BV Sản Nhi Bắc Giang đã xử trí bằng thuốc tăng co tích cực, xoa đáy tử cung kích thích co hồi tử cung và theo dõi sát tình trạng của sản phụ.
Tuy nhiên, tình trạng của sản phụ không cải thiện, tử cung vẫn co hồi kém, da xanh niêm mạc nhợt, mạch 100 lần/phút, huyết áp 90/60mmHg, huyết từ trong buồng tử cung chảy ra rất nhiều huyết đỏ lẫn huyết cục, các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán sản phụ bị băng huyết sau đẻ giờ thứ 2 do đờ tử cung, được chỉ định truyền máu và chuyển sang phẫu thuật cấp cứu để cầm máu.
Khi tiến hành phẫu thuật, BS CKII Đào Xuân Hiền - Phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản cùng kíp mổ đã tiến hành thắt 2 động mạch tử cung để cầm máu nhưng máu vẫn tiếp tục chảy, sản phụ vẫn phải tiếp tục truyền máu trong khi mổ.
Vấn đề phức tạp là nếu để mất máu nặng đe doạ tính mạng của sản phụ, buộc lòng phải cắt tử cung để cầm máu. Nhưng đây là lần sinh đầu của sản phụ, hơn nữa sản phụ tuổi vẫn còn trẻ nếu phải cắt tử cung, không những mất khả năng sinh đẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người phụ nữ vì vậy kíp phẫu thuật đã mời TTƯT. BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc BV hội chẩn và trực tiếp phẫu thuật để bảo tồn tử cung cho sản phụ.
BS Lê Công Tước đã tiến hành thắt nhánh tử cung của động mạch buồng trứng 2 bên để cầm máu cho sản phụ. Kết quả sau 10 phút, tử cung cầm máu hoàn toàn và được bảo tồn thành công.
Sau phẫu thuật, sản phụ tiếp tục được hồi sức tích cực tại Phòng Hồi sức hậu phẫu trong vòng 24 giờ và được chuyển về Khoa Sản II để tiếp tục điều trị trước khi xuất viện. Tổng lượng máu được truyền cho sản phụ trước, trong và sau khi phẫu thuật là 3.500ml khối hồng cầu và 2.500ml huyết tương.
Sau 7 ngày được điều trị tích cực, cả mẹ và con khoẻ mạnh ra viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình và thầy thuốc.
Đờ tử cung - biến chứng nguy hiểm sau sinh
Đờ tử cung là biến chứng nguy hiểm đối với phụ nữ sau sinh. Đờ tử cung xảy ra khi tử cung của người mẹ không thể co hồi lại sau khi sinh con, nguy cơ dẫn đến tai biến băng huyết sau sinh.
Theo thống kê, đờ tử cung chiếm 80% nguyên nhân gây băng huyết sau sinh và rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ. Đờ tử cung thường gặp ở những sản phụ có nguy cơ cao như: sinh đa thai (sinh đôi/sinh ba); thai to; đa ối; người mẹ có thể trạng yếu hoặc người mẹ đã từng sinh nở nhiều lần cấu tạo cơ bụng kém.
Tuy nhiên, đờ tử cung sau sinh cũng có thể xảy ra ở những sản phụ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên.
BS CKII Lê Công Tước, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang – người trực tiếp bảo tồn tử cung cho sản phụ nói: Đờ tử cung sau sinh không phải trường hợp hiếm gặp. Bệnh nhân bị đờ tử cung sau sinh nếu đã được sử dụng các thuốc tăng co bóp tử cung tích cực mà không có hiệu quả thì phải phẫu thuật để thắt động mạch tử cung cầm máu.
Trường hợp thắt động mạch tử cung mà vẫn không cầm được máu hoặc không thắt được động mạch tử cung thì thường phải cắt tử cung để không nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ.
Tuy nhiên, nếu phải cắt tử cung nhất là với những sản phụ còn trẻ tuổi hoặc mới sinh con lần đầu sẽ là thiệt thòi lớn. Tại BV Sản Nhi Bắc Giang, với những trường hợp bị đờ tử cung sau sinh, các bác sĩ đều cố gắng bảo tồn tử cung cho bệnh nhân nhằm đảm bảo tâm sinh lý cho người bệnh. Vì lẽ đó mà tỷ lệ cắt tử cung do băng huyết sau sinh tại BV vô cùng thấp.
Tại BV Sản Nhi Bắc Giang, ngoài kỹ thuật thắt động mạch tử cung để cầm máu thông thường, các bác sĨ sẽ thực hiện kỹ thuật thắt nhánh mạch khác cấp cho tử cung, làm giảm >95% lượng máu tới tử cung nhờ vậy mà bảo tồn được tử cung với những trường hợp băng huyết sau đẻ.
Trường hợp của sản phụ Y. phức tạp hơn ở chỗ sản phụ bị đờ tử cung khiến băng huyết mất máu nhiều, đã tiến hành thắt động mạch tử cung để cầm máu nhưng không thành công. Chính vì vậy, nếu kỹ thuật thắt tiếp các nhánh mạch khác không chuẩn xác thì một mặt sản phụ vẫn bị đờ tử cung không cầm được máu buộc lòng phải cắt tử cung để cầm máu, mặt khác nếu bác sĩ thắt các mạch máu khác không đúng kỹ thuật làm mất tất cả các nguồn cấp máu cho tử cung thì cũng khiến tử cung bị hoại tử buộc phải cắt bỏ. Do vậy, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ là rất quan trọng để xử trí những ca bệnh như thế này.
TTƯT. BSCKII Lê Công Tước khuyến cáo: Không phải mọi trường hợp đờ tử cung đều có thể dự phòng được. Do vậy, điều quan trọng là các bác sĩ sản khoa cần phải chú ý kiểm soát đờ tử cung ở giai đoạn sau chuyển dạ.
Trường hợp sản phụ bị đờ tử cung nếu dùng các thuốc tăng co tích cực không hiệu quả, cần phải có biện pháp phẫu thuật sớm, thắt động mạch tử cung và thắt tiếp các nhánh mạch khác (nếu thắt động mạch tử cung không đạt kết quả) để cầm máu giúp bảo tồn tử cung cho sản phụ.
Với phụ nữ mang thai, đặc biệt là những thai phụ mang thai đôi, thai quá to hoặc từng có tiền sử băng huyết sau sinh nên đi kiểm tra thai kỳ thường xuyên tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị sản khoa hiện đại để được quản lý thai nghén một cách toàn diện nhất.
Bên cạnh đó, thai phụ cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và chú ý bổ sung nhiều thực phẩm giàu hàm lượng sắt trong thai kỳ.
Ê kíp thầy thuốc BV Sản Nhi Bắc Giang đã bảo toàn tử cung và giúp sản phụ vượt qua cơn nguy hiểm. Video: Hiền Chúc