Cây đỗ trọng được trồng ở một số vùng núi cao có khí hậu mát.
Theo Đông y, đỗ trọng vị ngọt, hơi cay, ấm; vào kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai. Chữa lưng gối đau nhức, âm đạo ướt ngứa ngáy, tiểu tiện són nhỏ giọt, có thai ra máu muốn truỵ thai. Ngày dùng 8 - 12g. Dùng nhiều có thể đến 63 - 125g. Bảo quản nơi khô ráo và mát.
Đỗ trọng (vỏ thân đã phơi hoặc sấy khô của cây đỗ trọng) tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai.
Một số bài thuốc có dùng đỗ trọng:
Ôn thận tráng dương: Dùng trong trường hợp thận hư, liệt dương, di tinh. Bài Hoàn thập bổ: lộc nhung 12g, đỗ trọng 25g, ngũ vị tử 60g, thục địa 50g, mạch môn 25g, sơn thù nhục 24g, thỏ ty tử 25g, ngưu tất 25g, câu kỷ tử 25g, sơn dược 25g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 dùng lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước muối nhạt.
An thai: Dùng cho phụ nữ có thai người yếu mệt, thai không an, có nguy cơ sảy thai.
Bài 1: đỗ trọng 63g, xuyên tục đoạn 12g, sơn dược 12g, cam thảo 4g, đại táo 40 quả. Sắc uống. Chữa sảy thai.
Bài 2: đỗ trọng sao 20g, tục đoạn 20g, tang ký sinh 20g, bạch truật 20g, a giao 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 6g. Sắc uống. Trị sảy thai nhiều lần.
Chắc xương khoẻ lưng: Dùng cho người thận hư xương mềm, lưng gối đau, không có lực.
Bài 1 - Hoàn ôn thận: đỗ trọng 16g, ngưu tất 16g, thỏ ty tử 16g, nhục thung dung 16g, hồ lô ba 16g, nhục quế 8g, bổ cốt chỉ 16g, đương quy 16g, tỳ giải 16g, bạch tật lê 16g, phòng phong 16g, bồ dục lợn 1 đôi. Bồ dục lợn đun chín, nghiền nát, sấy khô. Các dược liệu khác nghiền bột, trộn với bột bồ dục lợn, nghiền lại, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu với nước đun sôi. Trị thận hư, đau lưng, tứ chi mỏi.
Bài 2 - Rượu đỗ trọng: đỗ trọng 12g, đan sâm 12g, xuyên khung 6g, quế tâm 4g, tế tân 6g. Các vị ngâm rượu uống. Trị thận hư, đau lưng.
Trị tăng huyết áp:
Bài 1: đỗ trọng 125g, hạ khô thảo 125g, đơn bì 63g, thục địa 63g. Các vị tán mịn, làm hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước.
Bài 2: đỗ trọng 16g, tang ký sinh 16g, sinh mẫu lệ 20g, cúc hoa 12g, câu kỷ tử 12g. Sắc uống.
Kiêng kỵ: Người âm hư có nhiệt không được dùng.
Lưu ý: Trên thị trường, có nhiều vị thuốc mang tên “Đỗ trọng nam”, là các vỏ thân khi bẻ có các sợi tơ màu trắng. Vị thuốc này lấy từ cây Đỗ trọng nam (Paramerria glandulifera Benth.), thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae); vỏ cây san hô (Jatropha multifida L.), thuộc họ thầu dâu (Euphorbiaceae); vỏ cây cao su (Hevea brasilenssis (HBK.) Muell. - Arg.), thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae). Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu tác dụng của các vị thuốc này để thay cho đỗ trọng. Cần chú ý khi sử dụng.