Đổ mồ hôi chân, bệnh lý không nguy hiểm nhưng nhiều phiền toái

21-12-2020 20:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Đổ mồ hôi chân là bệnh lý không nguy hiểm, nhưng ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống, và hành vi giao tiếp hàng ngày của bệnh nhân.

Mất tự tin vì chân... có mùi!

Đang điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - Bướu cổ, BV Bình Dân TP.HCM, anh Trần Quốc Vỹ (23 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) là một bệnh nhân mắc chứng bệnh lý tăng tiết mồ hôi ở cả chân. Anh là nhân viên ngân hàng, bệnh lý này gây ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống. Anh chia sẻ: “Khi đi làm hoặc đi chơi thể thao hoạt động ngoài trời, 2 chân tôi đều ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi ngấm lâu vào tất, đi giày kín nên có mùi rất khó chịu. Tôi luôn cảm giác mình gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và mọi người nên giảm độ tự tin trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Tôi đã thử nhiều biện pháp, thậm chí tâm lý giấu bệnh nên mặc giày kín hơn, nhưng càng như vậy thì mùi mồ hôi càng nặng hơn…”.

Tương tự, anh Thanh Nghị (43 tuổi, ngụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng mắc chứng bệnh lý tăng tiết mồ hôi, nhưng tình trạng nặng hơn do ở cả chân và tay đều đổ mồ hôi không kiểm soát được. Anh Nghị cho biết đã mắc chứng bệnh này từ khi còn nhỏ đến nay. Tay, chân của anh luôn trong tình trạng ướt, dù đã thực hiện theo nhiều phương pháp dân gian, các loại thuốc hỗ trợ; nhưng vẫn không kiểm soát được, khiến anh rất ngại ngùng mỗi dịp bắt tay xã giao với khách hàng.

Anh Nghị kể: “Cách đây gần 20 năm, tôi đã may mắn được BV Bình Dân phẫu thuật đổ mồ hôi tay thành công, cuộc sống của tôi đã có những sự thay đổi rõ rệt. Tôi không còn lo ngại mỗi lần bắt tay giao tiếp với khách hàng, tinh thần thoải mái, tự tin hơn. Tuy nhiên, đôi chân vẫn không ngừng tiết mồ hôi, vì thời điểm đó chưa có kỹ thuật phẫu thuật đổ mô hôi chân. Tôi phải chịu đựng tình trạng đó, những khi phải vận động nhiều hoặc đi công việc quan trọng tôi phải thay tất nhiều lần để giảm bớt mồ hôi chân…”.

Đổ mồ hôi chânBS.CKII Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực- Bướu cổ BV Bình Dân đang khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Hiện nay, có rất nhiều người mắc bệnh lý này, nhưng phần lớn bệnh nhân thường chấp nhận “sống chung” với bệnh, và cho rằng không thể điều trị được. Mới đây, BV Bình Dân TP.HCM đã triển khai kỹ thuật - phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm chi phối việc tiết mồ hôi của lòng bàn chân. Anh Vỹ và anh Nghị đến khám và được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thành công.

Giúp bệnh nhân tự tin trong cuộc sống và công việc

Hậu phẫu cắt thần kinh giao cảm chi phối việc tiết mồ hôi của lòng bàn chân 2 ngày, cả anh Vỹ và Nghị đều vui mừng cho biết chân đã không còn tiết mồ hôi. Sắp tới các anh có thể tự tin hơn trong cuộc sống và công việc, đặc biệt là những khi tham gia các hoạt động vận động chung với đồng nghiệp, khách hàng.

BS.CKII Nguyễn Văn Việt Thành - Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực- Bướu cổ BV Bình Dân cho biết, bệnh lý đổ mồ hôi chẩn đa phần trong bệnh cảnh tăng tiết mồ hôi quá mức, xảy ra ở các vùng trong cơ thể đặc biệt là ở tay, chân. Dân gian gọi là phong thấp, đây là bệnh lý không nguy hiểm, nhưng người bệnh phải chịu cảnh tay chân bị đổ mồ hôi, ảnh hưởng đến tâm lý khi giao tiếp cũng như chất lượng cuộc sống.

Về nguyên nhân gây bệnh, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào công bố. Một số nghiên cứu cho thấy, trong gia đình có người mắc bệnh thì những thành viên còn lại có nguy cơ mắc cao hơn so với những người khác. Vì vậy, phẫu thuật nội soi cắt dây thần kinh giao cảm nhằm giải quyết triệt để tình trạng đổ mồ hôi chân là biện pháp mới đang được BV Bình Dân triển khai, giúp nhiều bệnh nhân thay đổi cuộc sống. Đây là kỹ thuật khó, dễ xảy ra nhiều rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Ở TP.HCM, hiện BV Bình Dân là đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật này.

Đổ mồ hôi chân

BS. Thành nói: “Cấu trúc thần kinh giao cảm nằm sát trên cột sống lưng đi bên cạnh là 2 cấu trúc cực kỳ quan trọng là động và tĩnh mạch chủ, khi tổn thương dễ gây tử vong cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật  chuyên sâu, đòi hỏi người thực hiện phải nắm rõ cấu trúc giải phẫu; có kinh nghiệm tiên lượng các nguy cơ. Đơn vị thực hiện phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phẫu thuật hiện đại, do đó không phải đơn vị nào cũng thực hiện được”.

Mỗi ca phẫu thuật được thực hiện trung bình khoảng 60 phút, độ khó của cuộc phẫu thuật phụ thuộc vào từng thể trạng của người bệnh, thời gian phẫu thuật có thể kéo dài hơn. Khác với phẫu thuật can thiệp đổ mồ hôi ở tay, bệnh nhân được phẫu thuật trong tư thế nằm ngửa, có thể được can thiệp trên 2 tay. Ở phẫu thuật đổ mồ hôi, chân bệnh nhân được phẫu thuật trong tư thế nằm nghiêng, do đó mỗi ca phẫu thuật chỉ can thiệp được ở một chân. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh có thể đi lại bình thường. Một vài giờ đồng hồ sau, chân của bệnh nhân bắt đầu khô và ấm, ngưng tiết mồ hôi và người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Dự kiến sau 1 tuần phẫu thuật ở chân đầu tiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật ở chân đối kháng.

BS. Thành chia sẻ: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy vậy, giống như điều trị đổ mồ hôi tay, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ là đổ mồ hôi bù trừ ở một  số vị trí trên cơ thể như: vùng bụng dưới, vùng lưng. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh khá rõ về những tác dụng phụ này. Khoảng 6 tháng cơ thể bệnh nhân có thể sẽ điều chỉnh lại được, nếu không người bệnh phải chấp nhận để đổi lấy lòng bàn chân khô để khắc phục những nhược điểm mà bệnh lý gây ra”.


HOÀI THƯƠNG
Ý kiến của bạn