Vào một số cửa hàng bán văn phòng phẩm và đồ dùng học tập, chị Thục hỏi mua loại vở ít trắng, và được giới thiệu loại vở ô ly "trắng tự nhiên, chống lóa". Xem ở bìa sau cuốn vở, chị thấy ghi độ trắng là 82 ISO. Tìm loại có độ trắng thấp hơn nữa, người bán hàng lắc đầu "đây là vở ít trắng nhất rồi".
"Loại vở kẻ ngang cho đứa lớn không có loại ít trắng và chống lóa như loại vở kẻ ô ly của em. Cuối cùng mình không mua nữa vì không thấy có loại vở có độ trắng thấp 73-75 ISO như các nhà khoa học khuyên dùng", chị Thục nói.
Loại giấy trên được giới thiệu là "giấy trắng tự nhiên, chống lóa, mỏi mắt có độ trắng là 82 ISO", loại giấy dưới trắng hơn là 92-95 ISO. |
Chị hay đọc sách cũng thấy khi nhìn gần và lâu những cuốn in trên giấy trắng quá thường rất nhanh mỏi mắt, nên tin nhận định sách vở quá trắng ảnh hưởng không tốt đến mắt trẻ. Thế nhưng, chọn cho con loại nào là tốt nhất thực sự quá khó. "Sách giáo khoa thì phải mua theo trường rồi, còn vở toàn thấy loại có độ trắng 92-95 ISO, loại tối màu nhất cũng có độ trắng cao hơn nhiều so với mức khuyến cáo", chị Ngọc chia sẻ.
Theo khảo sát của PV, hầu hết loại sách, vở bán trên thị trường cho học sinh đều in bằng giấy trắng tinh, chỉ có một số ít sách giáo khoa của NXB giáo dục in trên giấy màu trắng ngả vàng. Một số loại vở ô ly cho học sinh tiểu học dùng giấy có độ trắng thấp hơn các loại khác và được giới thiệu bên ngoài bìa là "giấy trắng tự nhiên, chống lóa" thì cũng có độ trắng tới 82 ISO.
Chủ một cơ sở phân phối giấy vở học sinh trên đường Nguyễn Du, Hà Nội, cho biết tại đây chủ yếu là hàng giấy cao cấp có độ trắng trên 90%, chỉ có một số ít loại có độ trắng thấp nhất là 75%. "Thường từ trước tới nay mọi người vẫn hay chọn cho con loại vở trắng sáng, dày dặn, dòng kẽ rõ ràng, ít ai hỏi độ trắng bao nhiêu. Những cuốn màu ngà ngà thường chỉ mua về làm nháp", chị bán hàng cho biết.
Chủ một cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm vở Hải Tiến (Hà Nội) cho hay, đơn vị này có loại vở 123 chống lóa có độ trắng thấp nhất là 84-86 ISO, còn bình thường là loại có độ trắng 92-95 ISO.
Đại diện Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, từ lâu đơn vị này đã nhận thấy giấy trắng quá ảnh hưởng không tốt đến mắt học sinh nên năm 2003 đã đưa ra thị trường vở có độ trắng thấp (song cũng khoảng 82-84 ISO). Suốt 3 năm đầu giới thiệu trên thị trường, người tiêu dùng ít mặn mà với dòng sản phẩm này, mà chủ yếu quan tâm các loại giấy vở có độ trắng cao. Công ty phải đưa đến tay người dùng dưới nhiều hình thức như phát không, làm quà tặng thông qua các cuộc thi, chủ động quảng bá... Gần đây, số lượng phụ huynh mua cũng như các trường đặt mặt hàng này đã tăng lên.
"Sản xuất loại giấy có độ trắng thấp rẻ hơn do không cần sử dụng chất tăng trắng, thân thiện hơn với môi trường, tái chế cũng không gây hại. Chính thị hiếu thích giấy trắng từ nhiều năm nay của người tiêu dùng đã đẩy các công ty sản xuất vở viết học sinh vào cuộc chạy đua độ trắng", đại diện công ty cho biết.
Tại buổi họp báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/8, ông Nguyễn Minh Khang, Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị đã kịp thời điều chỉnh độ trắng giấy để không ảnh hưởng đến thị giác của học sinh.
Ông Khang cho biết, trước đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sử dụng độ trắng 80-82 ISO in cho sách 2 màu và độ trắng 80-82 ISO để in cho sách 4 màu. Khi biết kết quả nghiên cứu cho thấy độ trắng trên vẫn gây lóa mắt, khó nhìn cho học sinh, nhà xuất bản đã đặt Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Giấy Tân Mai chỉnh sửa độ trắng thành 73-75 ISO cho giấy dùng in sách.
Theo tiến sĩ Vũ Quốc Lương, Trưởng khoa khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ cận thị học đường ngày càng tăng do nhiều yếu tố, trong đó phải tính đến thời gian các em tiếp xúc lâu với sách vở. Để nhận biết sớm con bị cận thị, bố mẹ cần chú ý đến một số dấu hiệu: trẻ thường xuyên dụi mắt, tránh các sự việc phải nhìn gần, giữ sách hoặc vở quá gần mắt khi đọc, hay phải chữa lỗi khi đọc và viết, bỏ qua hoặc đọc nhầm khi đọc chữ nhỏ, thường có kết quả học kém hơn khả năng của trẻ...