Hà Nội

“Đỏ mắt” tìm bác sĩ tâm thần

06-01-2014 11:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ở nước ta, ngoài tâm thần do nghiện chất, một số bệnh tâm thần có xu hướng tăng ở người cao tuổi như trầm cảm, mất trí, các rối loạn liên quan đến stress.

Bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại. Để có đủ thầy thuốc chăm sóc điều trị bệnh tâm thần, lần đầu tiên ngành học này được miễn học phí tại các cơ sở đào tạo từ năm học 2013 - 2014. Giải pháp đã có nhưng thu hút bác sĩ tâm thần về cơ sở công tác đang là bài toán đau đầu cho các bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh.

Ở nước ta, ngoài tâm thần do nghiện chất, một số bệnh tâm thần có xu hướng tăng ở người cao tuổi như trầm cảm, mất trí, các rối loạn liên quan đến stress. Ở mảng tâm thần trẻ em, hiện nhiều BV chưa có cơ sở để giải quyết như bệnh tự kỷ, rối loạn hành vi, tật chứng về phát ngôn... Do hiểu mơ hồ về căn bệnh này nên xã hội vẫn rất kỳ thị với những người không may mắc bệnh. Điều này ảnh hưởng tới việc phát hiện, chữa trị bệnh, cả việc ít người chọn theo học ngành tâm thần.

Điều trị bệnh nhân tâm thần ở BV Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Diệu Linh

Nhiều năm không tuyển được bác sĩ

BV Tâm thần Hà Nội là BV chuyên khoa hạng 1, đầu ngành tâm thần của Thủ đô, trung bình mỗi năm điều trị ngoại trú cho gần 20.000 bệnh nhân (BN) tại cộng đồng, điều trị nội trú cho khoảng 3.500 BN, nhưng đang rất thiếu nhân lực. Hiện chỉ có 38 bác sĩ, thiếu khoảng 30 người. “Trước đây ĐH Y có đào tạo chuyên khoa tâm thần nên có sinh viên tốt nghiệp, nhưng nay trường toàn đào tạo đa khoa cho nên BS chuyên khoa tâm thần rất thiếu. Từng có một vài BS do phân công ngay từ trường nên ra trường có về BV, song chỉ ở được vài tháng họ xin đi vì lương không đủ sống. Dù được phép tuyển BS ngoại tỉnh nhưng 5 năm nay không tuyển được người nào” - Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết.

Được thành lập từ năm 2006, BV Tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện có 100 giường. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng BN tâm thần phải nhập viện điều trị nội trú không ngừng tăng lên, khiến BV liên tục quá tải. BS. Ngô Thành Phong, Giám đốc BV Tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, BV đang phải đối mặt với tình trạng thiếu BS chuyên khoa tâm thần. Theo BS. Phong, số BS chuyên khoa hiện quá ít so với nhu cầu. Hiện nay, BV chỉ có 11 BS nhưng phải khám và điều trị cho khoảng 130 BN nội trú và 300 - 360 BN ngoại trú/ngày. Ngoài ra, BV còn phải đảm nhiệm việc chuyển giao công nghệ cho các trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã trong tỉnh và tham gia điều trị BN tâm thần tại cộng đồng. Tại Phòng khám BV bố trí 3 bác sĩ trực khám chữa bệnh (KCB). Với lượng BN là 300 người/ngày, như vậy BS phải tiếp nhận KCB cho 100 BN/ngày, cao gấp đôi số lượng BN phải khám theo quy định (50 BN/ngày) nên các BS khá vất vả để giải quyết hết BN. Ở khu vực điều trị nội trú, tình trạng cũng không khả quan hơn khi thường xuyên phải kê thêm trên 30 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu lúc nào cũng trên 130 BN (trong khi quy mô chỉ có 100 giường bệnh). Việc đảm trách điều trị hơn 2.000 BN tâm thần cộng đồng, đi công tác, đào tạo ngắn, dài hạn nên 11 BS là quá ít. Hầu như quanh năm, các BS phải gồng gánh công việc cho nhau và để bảo đảm hoạt động chuyên môn thì đương nhiên phải chịu áp lực khá căng thẳng.

Chính sức ép về công việc cũng như chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đặc thù của công việc ở BV Tâm thần nên nhiều năm nay, dù thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, song BV Tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu BS chuyên khoa tâm thần.

Vì thu nhập thấp?

Hiện đại đa số bệnh tâm thần có thể chữa khỏi hoặc ổn định lâu dài, song tại nhiều nơi bệnh tâm thần không được coi là một bệnh lý mà bị xem như khiếm khuyết trong tính cách, đó là một sai lầm. Vấn đề là phải đủ nguồn nhân lực để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh tâm thần và nâng chất lượng sức khỏe tâm thần cho nhân dân từ việc lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế xã, phường tới củng cố mạng lưới cán bộ chuyên khoa tâm thần trung tâm y tế quận, huyện.

Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9/2013 đã bổ sung một số đối tượng sinh viên theo học các ngành đặc biệt như tâm thần, lao, phong được miễn học phí. Đây cũng là nội dung của Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.

Bên cạnh các chính sách đối với người học, đề án có những ưu tiên với người dạy, như hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề như người làm trực tiếp các chuyên ngành trên. Quan trọng là những người theo học ngành tâm thần phải cam kết sẽ theo ngành nghề này khi ra trường. Nếu không sẽ lãng phí nguồn lực đầu tư mà BS, điều dưỡng viên tâm thần thiếu vẫn hoàn thiếu.

BSCK2 La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho rằng, chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần còn thấp. Thu nhập thấp lại phải làm việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở KCB chuyên khoa tâm thần hàng năm là rất khó khăn, đặc biệt là ở tuyến tỉnh. Mục tiêu Việt Nam nâng số BS tâm thần trên 100.000 dân lên là 2, như vậy còn thiếu 800. Tính ra một năm đào tạo được 100, như vậy phải cần 8 năm cộng với 6 năm đào tạo trong trường, ít nhất 14 năm nữa mới đạt được tỷ lệ này. Chưa kể có cán bộ nghỉ hưu, nếu không có đề án đào tạo riêng thì chắc lâu mới thực hiện được.

“Tuyến tỉnh thì đã thiếu, còn thực tế ở tuyến xã, phường cũng không có BS chuyên khoa tâm thần, những y bác sĩ khác thì không có kiến thức về ngành này. Đây là mối lo rất lớn của chúng tôi”, PGS.TS. Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết tại một hội thảo mới đây về sức khỏe tâm thần.

Chính sức ép về công việc cũng như chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đặc thù của công việc ở các bệnh viện tâm thần nên nhiều năm nay, dù thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, song hệ thống bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu BS chuyên khoa cho mình. Làm thế nào để sinh viên lựa chọn ngành tâm thần? Câu trả lời chắc chắn không chỉ dừng ở chế độ miễn học phí!

Kim Linh

 


Ý kiến của bạn