‘Dở khóc, dở cười’ chuyện gieo chữ nơi miền biên viễn

18-11-2022 11:24 | Thời sự

SKĐS - Theo các thầy giáo, hồi đầu học sinh không thể nói tiếng phổ thông, nói gì các em nhắc lại y nguyên. Thầy hỏi: Em tên gì, trò cũng nhắc lại: Em tên gì.

Thầy giáo "đứng hình" vì học sinh chỉ nói tiếng Mông

Nằm cách xa trung tâm TP Cao Bằng hơn 200km, Bảo Lâm là một trong những huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng. Trong đó, Đức Hạnh chính là xã xa xôi nhất về phía Bắc, giáp biên giới Trung Quốc.

Từ trung tâm thị trấn Pác Mầu, để đến với điểm trường Lũng Mần - Trường Tiểu học & THCS Đức Hạnh, chúng tôi mất tới hơn 3h đồng hồ vật lộn trên cung đường dốc ngược khúc khuỷu, cua giật tay áo giữa núi non hiểm trở.

Dừng chân tại điểm trường Lũng Mần, đón chúng tôi là 5 thầy giáo với nụ cười tươi cùng câu nói "ở đây chỉ mấy anh em thôi, không có cô nào cả đâu".

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 1.

Điểm trường xa xôi nhất tỉnh Cao Bằng không có cô giáo...

Theo chia sẻ của các thầy giáo, bản Lũng Mần có khoảng 92 nóc nhà đang sinh sống với 100% bà con người Mông, trong đó chỉ khoảng 10 - 15% thành thạo tiếng phổ thông.

Có những học sinh ở xóm lưng núi nên không thể đi xe đạp mà phải đi bộ đến trường. Đường đi khó, các em phải qua đường tắt đến trường, sáng thường đi lúc 4h-5h sáng để đến trường lúc 7h.

Thầy Hà Thành Nhân (SN 1991) được phân công phụ trách khối lớp 1 - khối đông nhất với 28 em, vui vẻ nói: "Nhận công tác về đây, mình lâm vào nhiều cảnh dở khóc, dở cười lắm. Dạo đầu học sinh không thể nói tiếng phổ thông, nói gì các em nhắc lại y nguyên. Tôi hỏi - em tên gì, học sinh cũng nhắc lại - em tên gì".

Cũng theo thầy Nhân, khi các học sinh thấy những cuốn sách có hình minh họa, các em hồn nhiên gọi nhau trong lớp học nói chuyện với nhau bằng tiếng Mông khiến thầy giáo chỉ biết đứng nhìn.

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 2.

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 3.

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 4.

Lũng Mần những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, những nếp nhà vách gỗ quanh năm gió lùa làm lớp học trước kia nay đã được thay bằng dãy nhà xây 5 phòng học kiên cố, kín gió.

Thầy giáo kiêm "bảo mẫu" lo cơm nước cho trẻ

Tiếp nối câu chuyện, thầy Nông Văn Phán (SN 1970) trầm giọng: "Cũng bởi cả bản khó khăn về nước sinh hoạt nên các em học sinh ở đây mặt em nào, em đó nhem nhuốc, đen nhẻm. Nhiều khi quần áo hôm nay phát mới, sang ngày mai đã ngả màu".

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 5.

100% người dân nơi đây là đồng bào người Mông, việc dạy các em nói và viết được tiếng phổ thông là điều vô cùng vất vả.

Là giáo viên có năm gắn bó với điểm trường trong thời gian lâu nhất, khi được hỏi lý do tại sao lại gắn bó với các học sinh nơi bản nghèo lâu như vậy, thầy Nông Văn Phán cười hiền: "Yêu lũ trẻ, một phần cũng là nhiệm vụ, cứ làm hết mình rồi dần dần cũng chỉ muốn ở đây dạy dỗ các con chứ không muốn đi đâu".

Mỗi dịp ngày lễ 20/11, các thầy cũng không mấy khi về nhà, đa phần ở lại điểm trường, 1 - 2 người sẽ về điểm trường chính tham gia văn nghệ.

Sóng điện thoại tại Lũng Mần lúc có lúc không, chập chờn khiến nhiều cuộc gọi về với gia đình của các thầy cũng ngập ngừng, ngắt quãng...

Các thầy bảo thích nhất là lúc sóng khỏe có thể gọi video cho vợ con, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra ở điểm trường nơi biên cương của tổ quốc.

Những buổi ăn bán trú, các thầy tất bật nấu mì tôm cho những em lớp bé, đôn đáo hướng dẫn các em khối lớn hơn nấu. Những người thầy ít phút trước còn có phần nghiêm khắc trên bục giảng, giờ đây lại như "bảo mẫu" chăm chút, lo toan bữa ăn, giấc ngủ cho con trẻ.

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 6.

Dở khóc, dở cười chuyện gieo chữ miền biên viễn - Ảnh 7.

Bữa ăn bán trú đạm bạc với mì tôm không của gần 100 học sinh tại điểm trường Lũng Mần.

Ông Vừ Mí Già, Trưởng bản Lũng Mần, xã Đức Hạnh tâm sự, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, hạn chế trong trồng trọt, chăn nuôi và thiếu cả nước sinh hoạt. Bởi lẽ đó, chỉ có các thầy mới đủ dũng cảm đồng hành, giúp đỡ các con nhỏ trong bản được học con chữ.

Theo vị Trưởng bản Lũng Mần, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên không thể giúp đỡ các thầy nhiều, chỉ thi thoảng giúp các thầy 1 - 2 mớ rau hoặc vài can nước khi thời điểm khô hạn chứ không thêm được gì nhiều.

Ông Vừ Mí Già cùng nhiều bà con miền biên viễn luôn mong mỏi - có nguồn nước sạch dùng sinh hoạt hàng ngày để thầy giáo và học trò nơi đây bớt khổ sở…

Anh Vừ Mí Sang (35 tuổi, có con đang theo học lớp 3 tại điểm trường Lũng Mần) chia sẻ: "Có các thầy về dạy chữ, trẻ con biết nói tiếng phổ thông, biết viết chữ, thấy người lạ không chạy, không khóc như trước kia nữa. Dân bản rất biết ơn các thầy".


Nhóm Phóng Viên
Ý kiến của bạn