Hà Nội

Do It Like Vietnam- Hiện tượng Việt Nam trong chống dịch và tăng trưởng kinh tế

06-07-2020 09:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tờ Times of India (Thời báo Ấn Độ) vào ngày 2/7 đăng tải bài viết “Do It Like Vietnam” (Hãy làm giống như Việt Nam) ca ngợi thành tựu khống chế dịch COVID-19 song hành cùng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bài báo ca ngợi Việt Nam đã tận dụng tối đa nguồn lực để dập dịch COVID-19 một cách tuyệt vời bên cạnh đảm bảo phát triển kinh tế, đặc biệt là thực thi Hiệp định thương mại song phương (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU). Ngân hàng ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 4,1 %. Trong khi đó, HSBC ca ngợi “hiện tượng Việt Nam”, biểu tượng của khống chế dịch và tăng trưởng kinh tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với tựa đề, "Do It Like Vietnam", bài báo đăng tải trên tờ Times of India đã khắc họa cách Việt Nam đã tận dụng nguồn lực để phát huy tối đa sức mạnh của toàn thể đất nước để mang lại màu xanh (green) của sức khỏe (khống chế đại dịch COVID-19) và tăng trưởng kinh tế.

Bước ngoặt đối với Việt Nam khiến các bạn bè quốc tế ngưỡng mộ khi quốc gia này liên tiếp chứng kiến những ca hồi phục (với biểu tượng màu xanh lá cây). Đất nước 97 triệu dân sát sườn với Trung Quốc nơi khởi phát dịch mà chỉ có 355 ca nhiễm COVID-19 cho tới nay. Trước thời điểm phong tỏa, Việt Nam là nơi ươm mật đạt thị phần xuất khẩu lớn nhất ở châu Á trong vòng 5 năm qua nhờ tăng trưởng ấn tượng 7%. Trong khi các nền kinh tế khác thu hẹp lại trong năm nay, thì Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn dự báo kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 4,1%. Ngân hàng HSBC ấn tượng tới mức đã phải chơi chữ nháy đúp về "Pho'nomenal" (Hiện tượng Việt Nam) để đề cập tới bát phở-biểu tượng của ẩm thực Việt để nhấn mạnh quốc gia này đã vượt lên trên dịch bệnh COVID-19 và phục hồi nền kinh tế như thế nào. Yếu tố nằm ở sự quản lý tốt của Nhà nước chứ không phải do Việt Nam không dễ bị tổn thương hay gặp may mắn. Bài học nằm ở Việt Nam đã giảm thiểu điểm yếu và phát huy tối đa sức mạnh. Luôn tận dụng điểm mạnh, làm tốt nhất với những gì đang có là cách mà Việt Nam đã làm.

Trước hết là cuộc chiến chống COVID-19. Cơ sở y tế ở Việt Nam còn kém tân tiến hơn các quốc gia đi tiên phong trong khu vực. Tỷ lệ bác sĩ 8/10.000 dân, nhỉnh hơn Ấn Độ một chút nhưng không thể so với Brazil (22/10.000 dân) hay Mỹ (26/10.000 dân). Dù Việt Nam thiếu nguồn lực nhưng đất nước này đã làm tốt nhất ở khâu chuẩn bị và phòng dịch. Dưới sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng, tinh thần yêu nước đã giúp huy động mọi nguồn lực. Sự lãnh đạo của Đảng như những cái cây ươm mầm xanh để cho ra đời những thân cây gỗ tốt. Sự đồng thuận là kết quả từ hệ thống quản lý hiệu quả.

Để đẩy mạnh hồi phục kinh tế, Hà Nội đang tận dụng để đưa các công ty trong nước vào dây chuyền giá trị toàn cầu. Các dự án giao thông như đường sắt trên cao cho tới chuyển phát nhanh, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ. Từ năm 2016-2018, Việt Nam đã tăng thứ bậc từ 64 lên 39 trong chỉ số hậu cần của Ngân hàng Thế giới (World Bank Logistics Performance Index) để đo lường cách các quốc gia vận chuyển hàng hóa hiệu quả trong nước và xuyên biên giới. Điểm nổi bật nhất là Hiệp định Thương mại Tự do song phương với EU hiệu lực vào tháng trước. Đây là hình ảnh biểu trưng về cách Việt Nam đã "tung hứng nhiều quả bóng" liền một lúc, mà đây chính là Hiệp định FTA đầu tiên thế giới chứng kiến kể từ khi bùng phát đại dịch. Để nói chuyện bên lề bài báo một chút, chúng ta có thể thấy rằng năm nay Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vai trò, từ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA vào tháng 1 và tháng 4, năm nay Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn