Hà Nội

Đỗ Huân - Nhà thơ của ánh sáng

30-11-2015 11:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đỗ Huân, sinh năm 1918, là một trong những người có đóng góp lớn cho nền nhiếp ảnh nước nhà. Hà Nội là đề tài được ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Nếu sắc màu của phố làm nên cái tên Bùi Xuân Phái (Phố Phái), với vẻ đẹp của nỗi buồn, thì với những tấm ảnh đen trắng về Hà Nội của Đỗ Huân lại làm thổn thức mọi người với ánh sáng mơ mộng của thi ca...

Khởi đầu bằng cái tên Ikonta

Đó là tên chiếc máy ảnh đầu tiên mà Đỗ Huân được gia đình mua tặng để bắt đầu một cuộc chơi ảnh vào tuổi 17. Khi ấy chàng công tử Đỗ Huân, phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học) mới bắt đầu tu luyện với ống kính chuyên chụp với cơ phim 6x9cm. Tự học, mày mò phá phách với hàng trăm cuộn phim. Suốt ngày trong phòng tối để rút kinh nghiệm với ánh sáng, với độ tương phản đen trắng. Hiệu chỉnh, hòa sắc tối sáng, rồi tráng ảnh thử. Kiểm tra rồi lại chụp tiếp. Mơ  mộng với sự chập chờn ánh sáng. Những hình hài của những con phố, những dòng sông và những gánh hàng hoa. Ba năm sau, ống kính Ikonta đã làm nên tên tuổi Đỗ Huân, khi ông có hai bức ảnh được chọn dự triển lãm ảnh nghệ thuật của Hà Nội. Tiếp sau đó là một Đỗ Huân của “Hồ Gươm”, nổi tiếng với những tác phẩm đen trắng chụp quanh bờ hồ. Đặc biệt, bức Mưa bay mặt hồ chính thức đưa ống kính Đỗ Huân lên hàng đỉnh, với cảm xúc lãng mạn của một thi phẩm bằng ảnh. Một bài thơ về ánh sáng.Tất nhiên với Hồ Gươm, nhiếp ảnh Đỗ Huân còn được hòa sắc với các bài thơ bằng ảnh giàu sức lan tỏa khác như Đi học trong mù sương, Mùa xuân Hà Nội, Hầm trú ẩn bên Hồ Gươm... Đó là những bức ảnh đen trắng được bố cục chặt chẽ, xử lý khéo léo tiền cảnh, cùng độ tương phản bâng khuâng thơ mộng... Đó là góc nhìn chất chứa một tư duy thân thiện về ánh sáng. Chính từ góc nhìn đầy chất thơ của mình, NSNA Đỗ Huân đã có nhiều thành tựu đáng kể như Đường làng mùa thu, Giải danh dự quốc tế ở Budapest, Hungary, năm 1958; Nguồn vui, HCV triển lãm ảnh quốc tế ở Berlin 1962; hay còn đó là Giải nhất cuộc thi ảnh báo Thời Mới Liên Xô năm 1976, với tác phẩm Đôi bạn chiến đấu; và đáng kể trong số đó là Hướng đi lên, đoạt giải Nhất Hồ Gươm của Hà Nội, năm 1980, sau đó ông còn đoạt giải FUJI FILM (Nhật Bản - 1985)... Những tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng của ông đều được phối hợp tinh tế, như có những giai điệu vang lên hài hòa phơi phới trong tâm hồn. Một ngôn ngữ của ánh sáng Đỗ Huân được tôn vinh.Đặc biệt người ta thường bàn đến hai bức ảnh giàu sức chiến đấu, sâu sắc như một bản tráng ca về Hà Nội. Bức đầu tiên ông chụp năm 1949. Đó là ảnh có tên Xé khẩu hiệu địch, với nhân vật là một cậu bé đang xé khẩu hiệu của địch dán trên tường. Đó là hình ảnh cho dù là không khốc liệt, nhưng mạch ngầm về cuộc chiến đấu chống kẻ thù luôn luôn thường trực trong mỗi con người. Mạnh dạn đưa tấm ảnh ra công khai trong lòng địch đã nói lên tính công dân sâu sắc của ống kính Đỗ Huân. Bức thứ hai là Đôi bạn chiến đấu, giàu chất lãng mạn cách mạng, chụp hai nữ tự vệ đội mũ sắt và mũ rơm đi xe đạp trên đường Hà Nội đi ra trận địa phòng không. Cùng với đề tài về đời sống và chiến đấu của người dân Thủ đô, NSNA Đỗ Huân còn nổi tiếng ở những tác phẩm chụp về phố cổ Hà Nội, trong suốt những chặng đường lịch sử phát triển cách mạng Thủ đô. Đây có thể coi là một “Phố Phái” bằng ảnh được thay bằng cái tên “Phố Huân”. Sự nghiệp nhiếp ảnh của Đỗ Huân được các nhà nhiếp ảnh thế giới ca ngợi là một đẳng cấp và được Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới (FIAP) phong danh nghệ sĩ khá sớm, vào cuối thập niên 50.Đỗ Huân – Người làm thơ bằng ảnh.


Những ký ức khó quên

Một thời ai cũng nhớ đến câu chuyện nổi tiếng ở Hà thành về một người đẹp và những bức ảnh còn được lưu giữ. Đó là câu chuyện về bức ảnh một giai nhân của Đỗ Huân có liên quan tới bài thơ Em đi chùa Hương nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Đây không còn là giai thoại nữa, vì cô gái đẹp kia chính là chị gái của Đỗ Huân và chỉ có ông chụp ảnh người chị và còn lưu giữ về sau này. Bức ảnh giai nhân gợi lại cổ tích tình yêu giữa nhà thơ trẻ Nguyễn Nhược Pháp với cô gái xinh đẹp Đỗ Thị Bính. Nhưng thật không may thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp bị trọng bệnh mất khi mới 24 tuổi và cuộc tình vừa mới chớm nở đã bị dập tắt. Ông đã để lại bài thơ dài nổi tiếng và được phổ nhạc. Bài hát trở nên phổ biến, vượt thời gian, qua hàng chục giọng hát lừng danh nhiều năm qua.Sinh thời hai chị em Đỗ Thị Bính và Đỗ Huân đều hăng hái tham gia cách mạng và có những đóng góp đáng kể, tiếp nối truyền thống gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng. Sinh thành trong một gia đình giàu có nhưng Đỗ Huân không lao vào các cuộc vui chơi hưởng thụ mà hết sức thương yêu người cần lao. Khi cách mạng bùng nổ, ông tham gia hoạt động Việt Minh ngay trong lòng Hà Nội. Chính tấm ảnh Xé khẩu hiệu địch đã được chụp và phổ biến trong thời gian này. Ông cũng đã từng mua tín phiếu của Tổng bộ Việt Minh trị giá 1.000 Đông Dương, ứng với giá trị mua 2 tấn gạo ngày đó. Hơn nữa, ông còn cùng bạn bè xuất bản tờ Công luận để tỏ rõ thái độ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Tinh thần yêu nước của Đỗ Huân còn được tiếp nối, phát triển bằng sự nghiệp nhiếp ảnh sau này. Đó là một tình yêu Hà Nội sâu sắc và một tay nghề tài hoa. Cho đến gần cuối đời, NSNA Đỗ Huân mới cho xuất bản tập ảnh chọn lọc của mình, sau 60 năm cầm máy. Đó là một thái độ lao động hết sức nghiêm túc và nghiêm khắc với chính mình. Cuốn sách chỉ chọn 75 tác phẩm với nhan đề Việt Nam xưa và nay, năm 1996. Đồng nghiệp đánh giá ông là một nhà chép sử bằng ảnh về Hà Nội. Tâm hồn ông là một nhà thơ khi thể hiện hình ảnh và con người Hà Nội qua những giai đoạn cách mạng. Có thể nói, mỗi tác phẩm nhiếp ảnh của ông là một bài thơ trữ tình, làm rung động lòng người. Trong đó những bức ảnh đen trắng đã đem lại giá trị lịch sử sâu sắc và chúng còn thể hiện một trái tim khao khát sáng tạo nghệ thuật của một tài năng. Tiếc thay, ông đã ra đi vào năm 2000, để lại một kho tàng ảnh về Hà Nội mà đời sau còn khai thác nghiên cứu và học tập.

Thu 1959, ảnh Đỗ Huân.

Xé khẩu hiệu địch, bức ảnh Đỗ Huân chụp năm 1949.

Vĩ thanh

Năm nay kỷ niệm 15 năm NSNA Đỗ Huân mất, nhiều người hẳn còn nhớ một nhà phê bình nhiếp ảnh nổi tiếng đã từng nhận định: “Nhìn lại chặng đường phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, chúng ta tưởng nhớ đến nghệ sĩ Đỗ Huân, người đặt nền móng cho loại hình nghệ thuật nhiếp ảnh Thủ đô”.Nên chăng chúng ta cần khai thác cho đầy đủ hơn về sự nghiệp nhiếp ảnh của NSNA Đỗ Huân. Nếu chỉ dừng lại ở bộ sưu tập ít ỏi cho dù đó là chọn lọc, không thể đáp ứng được lòng mong mỏi của những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh Thủ đô. Kho tàng nhiếp ảnh kéo dài suốt 60 năm của ông, với hàng ngàn tấm ảnh về đất nước và con người. Trong đó, đặc biệt là những bức ảnh ghi dấu lịch sử chiến đấu và xây dựng Thủ đô, từ những năm kháng chiến đến cuối thế kỷ 20 của Đỗ Huân. Đó là những tác phẩm có giá trị cần được công bố. 


Bài và ảnh: Cảnh Linh
Ý kiến của bạn