Cách đo đường huyết tại nhà sẽ được tiến hành thông qua các bước sau:
• Bước 1: Rửa sạch tay với nước và xà phòng rồi lau cho thật khô. Có thể lau đầu ngón tay với cồn. Cần giữ tay luôn khô ráo trước khi chích máu.
• Bước 2: Ðặt mũi kim vào cán giữ kim.
• Bước 3: Lấy que thử khỏi hộp, và đậy hộp lại ngay, để tránh que khỏi bị ẩm ướt vì hút hơi nước trong không khí. Không nên dùng que thử từ chai đã nứt vỡ, quá hạn sử dụng.
• Bước 4: Bắt đầu chích máu. Nên chích ngay phía cạnh ngón tay, đừng chích đầu ngón tay vì sẽ lấy được rất ít máu và khiến bạn cảm thấy đau hơn.
• Bước 5: Nhỏ giọt máu lên điểm chính của que thử. Một vài loại máy cho phép bạn đặt que vào máy trước khi nhỏ giọt máu.
• Bước 6: Đè miếng bông gòn sạch lên tay chỗ vừa chích để máu khỏi chảy nữa. Đưa que thử vào máy, chờ một lát để đọc và ghi kết quả cũng như giờ thử máu để biết rõ lượng đường huyết trong ngày.
• Bước 7: Ghi sổ nhật ký theo dõi đường huyết.
Tuy nhiên, ở một số cơ địa đặc biệt như người bệnh lớn tuổi, bệnh lý đi kèm, tri giác kém, giá trị đường huyết khuyến cáo có thể thay đổi và sẽ được thầy thuốc cho biết trong từng trường hợp cụ thể. Khi giá trị đường huyết nằm ngoài mục tiêu khuyến cáo, người bệnh cần tư vấn của thầy thuốc và xử trí đơn giản hạ đường huyết để tránh ảnh hưởng của biến chứng hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của việc theo dõi đường huyết tại nhà: loại que thử, máy và thao tác. Do đó, người bệnh thỉnh thoảng nên đem máy đến kiểm tra song song với phòng xét nghiệm để đánh giá độ chính xác của máy.
Đái tháo đường là một trong những bệnh lý phổ biến và rất nguy hiểm. Bệnh thường tiến triển một cách thầm lặng, đến khi có biểu hiện ra bên ngoài thường đã nghiêm trọng. Bệnh đái tháo đường cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ và cắt cụt chi dưới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong năm 2020. Hiện Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo đường và ước tính 50% trong số này sẽ chuyển thành đái tháo đường trong vòng 10 năm.
Hiện nay, việc điều trị đái tháo đường gồm 3 trụ cột chính là chế độ ăn, chế độ luyện tập và dùng thuốc. Để ngăn chặn sự gia tăng của đái tháo đường, toàn thể cộng đồng phải thay đổi hành vi sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể lực.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã tổng hợp các bằng chứng về loại thực phẩm có thể gây ra đái tháo đường và đã đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh cho mọi người nói chung, cụ thể:
1) Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.
2) Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.
3) Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.
4) Chọn một miếng trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
5) Hạn chế đồ uống có cồn.
6) Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản, thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
7) Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.
8) Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
9) Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ)